
Hội thảo có sự tham dự của các đại biểu đến từ Bộ NN-PTNT; Cục Kinh tế hợp tác và PTNT; Ban quản lý các Dự án nông nghiệp, Viện nghiên cứu thể chế và Thị trường nông nghiệp; Viện Môi trường nông nghiệp; ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL; VCCI Cần Thơ, và các tổ chức quốc tế…
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe giới thiệu mô hình điện mặt trời nông nghiệp, hiện trạng và tiềm năng phát triển của mô hình này tại Việt Nam nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng xanh và áp dụng các thực hành nông nghiệp bền vững.
Hiện nay, phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời, là một trong những chủ trương quan trọng của Việt Nam và đang được triển khai rộng rãi trong thời gian gần đây, góp phần vào quá trình chuyển đổi xanh của đất nước. Tuy nhiên, quá trình phát triển điện mặt trời sẽ cần sử dụng một diện tích đất rất lớn, trong đó phần lớn được thu hồi từ đất nông nghiệp, vừa ảnh hưởng đến sinh kế của người dân địa phương, vừa tăng chi phí và thời gian thực hiện đối với nhà đầu tư. Trong bối cảnh đó, mô hình điện mặt trời kết hợp cùng sản xuất nông nghiệp được đánh giá là một giải pháp tiềm năng, và đã được triển khai tại nhiều nước trên thế giới cũng như tại Việt Nam.

Đại diện Viện AMI và đại diện Viện IAE đã trình bày các kết quả nổi bật từ nghiên cứu về mô hình điện mặt trời nông nghiệp tại Việt Nam. Theo đó, Chính phủ Việt Nam có những cam kết rất mạnh về phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời, thể hiện tại nhiều chính sách, kế hoạch, quy hoạch cụ thể.
Thời gian qua, nhiều dự án điện mặt trời nông nghiệp đã được phát triển tại Việt Nam, bao gồm cả các dự án điện mặt trời tập trung hoặc điện mặt trời áp mái. Các phương thức kết hợp bao gồm: Điện mặt trời kết hợp cùng trồng trọt: Phương thức này thường được áp dụng với nhóm cây trồng hàng năm, một số loại cây trồng lâu năm và các loại cây dược liệu (điển hình là cây đinh lăng) hoặc kết hợp với trồng nấm ăn và nấm dược liệu.
Điện mặt trời kết hợp cùng chăn nuôi: Đối với hoạt động chăn nuôi, các mô hình điện mặt trời nông nghiệp thường kết hợp với các trang trại chăn nuôi công nghiệp (gà, heo), nuôi bán chăn thả, nuôi thả, và một số loại động vật đặc thù như dế, trùn quế.
Điện mặt trời kết hợp cùng nuôi trồng thủy sản: Các mô hình điện mặt trời nông nghiệp thường được triển khai tại các trang trại nuôi trồng thủy sản thâm canh tại ĐBSCL. Các tấm năng lượng mặt trời này có thể được lắp đặt tại bờ bao của các ao nuôi (đối với ao nuôi cá tra) hoặc lắp trên các ao lắng (đối với các trang trại nuôi tôm thâm canh).

Các đại biểu cũng thống nhất, hiệu quả kinh tế được chứng minh từ các dự án kể trên cho thấy mô hình điện mặt trời nông nghiệp mở ra nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển cho kinh tế nông nghiệp tại Việt Nam. Khi mô hình điện mặt trời nông nghiệp được triển khai một cách đồng bộ, đây sẽ là một đổi mới cho nông nghiệp bền vững và năng lượng tái tạo, góp phần vào các mục tiêu quốc gia về phát thải ròng bằng không.
Giai đoạn từ nay đến năm 2030, là giai đoạn nhà nước củng cố hệ thống lưới điện cả về phần cứng (truyền tải) và phần mềm (cơ chế quản lý thông minh), phát triển các nguồn điện nền (điện khí, thủy điện, thủy điện tích năng…). Chính phủ ưu tiên hoàn thiện các công trình đã cấp phép và khuyến khích các công trình điện mặt trời tự sản tự tiêu, nhà nước mua lại tối đa 20% tổng công suất lắp đặt thực tế của mô hình.
Các mô hình tiềm năng sẽ bao gồm các mô hình tự cung tự cấp, nằm ở những vùng có bức xạ mặt trời lớn, có sẵn các cơ sở hạ tầng để lắp tấm pin năng lượng mặt trời (trang trại chăn nuôi), lượng điện sử dụng định kỳ lớn và chủ yếu sử dụng điện vào ban ngày. Ngoài ra còn có những trang trại vùng sâu, vùng xa không tiếp cận được điện để phục vụ tưới tiêu, sản xuất.
Đối với giai đoạn sau năm 2030, các dự án điện mặt trời nông nghiệp được phép nối lưới với giá mua phù hợp. Diện tích cần để lắp đặt các tấm năng lượng mặt trời cũng sẽ cần rất lớn. Do đó, bên cạnh các đối tượng như tại giai đoạn trước, các mô hình điện mặt trời lắp đặt trực tiếp trên các ruộng, mật độ lắp đặt thấp và không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất nông nghiệp phía dưới sẽ có tiềm năng phát triển rất lớn.
Để mô hình điện mặt trời nông nghiệp được triển khai rộng rãi và duy trì bền vững, một số khuyến nghị của nhóm nghiên cứu bao gồm: Xây dựng các chương trình truyền thông, các mô hình điểm, xây dựng danh mục các sản phẩm nông nghiệp phù hợp dưới các tấm pin năng lượng mặt trời và quy trình canh tác chuẩn; Xây dựng chiến lược phát triển điện mặt trời nông nghiệp phù hợp cho từng giai đoạn, hoàn thiện các cơ chế chính sách quản lý liên quan; Kết nối các nhà đầu tư điện mặt trời với các chủ thể sản xuất nông nghiệp.