Thúc đẩy sự nghiệp văn hóa soi đường cho quốc dân đi

(ĐTTCO) - Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 khai mạc sáng 24-11 tại Hội trường Diên Hồng – Hà Nội, do Ban Bí thư chủ trì, thực sự là một sự kiện lớn được dư luận cả nước quan tâm.
Hội nghị Văn hóa toàn quốc đã khai mạc sáng 24-11 tại Phòng họp Diên Hồng. Ảnh: VIẾT CHUNG
Hội nghị Văn hóa toàn quốc đã khai mạc sáng 24-11 tại Phòng họp Diên Hồng. Ảnh: VIẾT CHUNG
Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 diễn ra trong không khí cả nước đang tích cực thích ứng linh hoạt với Covid-19 để nhanh chóng bình thường mới khôi phục sản xuất và phát triển xã hội. Các địa phương đều tổ chức tham dự trực tuyến, để lắng nghe những tiếng nói tâm huyết về thành tựu và lộ trình bồi đắp văn hóa Việt Nam thời hội nhập.
Riêng tại TPHCM, Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 được đón nhận tại 4 điểm cầu cấp thành phố là Thành ủy TPHCM, UBND TPHCM, Hội trường TPHCM và Hội trường 272 Võ Thị Sáu. Đồng thời, nhiều quận huyện và ban ngành cũng kết nối theo dõi trực tuyến, với sự có mặt của hàng ngàn tri thức, văn nghệ sĩ.
Khởi đi từ Đề cương Văn hóa năm 1943, do đích thân đồng chí Trường Chinh soạn thảo, một nền văn hóa cho người Việt Nam thoát khỏi ách nô lệ phong kiến, đã chính thức hình thành. Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức ngày 24-11-1946 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Dù chỉ diễn ra một ngày do bối cảnh chiến sự căng thẳng, nhưng từ Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất đã bầu ra Ủy ban Văn hóa toàn quốc gồm 19 vị, trong đó có Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Hữu Đang, Hoàng Xuân Hãn, Đào Duy Anh, Nguyễn Đình Thi, Hồ Hữu Tường, Bùi Công Trừng, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Thiệu Lâu, Trương Tửu, Khái Hưng, Thế Lữ, Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Văn Huyên...
Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ hai diễn ra từ ngày 16 đến ngày 20-7-1948 tại Phú Thọ, với sự chủ trì của các nhân vật tên tuổi Võ Liêm Sơn, Nguyễn Văn Huyên, Hồ Đắc Di, Cù Huy Cận, Trần Huy Liệu. 
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có mặt trong cả hai Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất và lần thứ hai. Bằng tầm nhìn của một lãnh tụ, Không chỉ nhắc nhở “Phát triển hết cái hay, cái đẹp của dân tộc, tức là ta cùng đi tới chỗ nhân loại”, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh: “Đối với xã hội, văn hóa phải làm thế nào cho mỗi người dân Việt Nam, từ già đến trẻ, cả nam và nữ, ai cũng hiểu nhiệm vụ của mình và biết hưởng những hạnh phúc mà mình đáng được hưởng. Số phận dân ta là ở trong tay ta. Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”.
Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của phát triển văn hóa, xây dựng con người trong đổi mới và phát triển bền vững ảnh 1Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
Bây giờ, Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ ba nhằm triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13 về lĩnh vực văn hóa; hệ thống lại các quan điểm của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa từ trước đến nay; xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam.
Lời căn dặn “văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi” chưa bao giờ cũ trong chặng đường thống nhất non sông và xây dựng hòa bình. Nghị quyết của Đảng cũng chủ trương “phát triển kinh tế làm nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng văn hóa làm nền tảng tinh thần”. Thế nhưng, khi mở cửa ra thế giới, thì cơn lốc danh lợi đã khiến người Việt Nam lắm phen chênh chao vì sự hụt hẫng văn hóa.
Nhiều năm qua, ý niệm “phú quý sinh lễ nghĩa” dường như không đủ sức định vị văn hóa Việt Nam. Bởi lẽ, văn hóa không chỉ đơn giản là những hội hè kèn trống vang dội, văn hóa không chỉ đơn giản là những trào lưu quần lụa áo gấm, văn hóa cũng không chỉ đơn giản là những đền đài sơn son thếp vàng. Văn hóa cần đằm sâu trong nếp ăn nếp ở, văn hóa cần nảy nở trong phong tục mỹ quan, văn hóa cần trợ lực tích cực trong trái tim mỗi người.
Khi văn hóa không theo kịp tốc độ tăng trưởng vật chất và khi văn hóa không thể song hành kiến tạo đô thị, thì những bất cập dần dần lộ diện khiến cộng đồng ngao ngán. Chính vì chưa bám rễ vào văn hóa thì sự thịnh vượng bề ngoài của người Việt Nam hai thập niên đầu thế kỷ 21 được TS. Phan Hồng Giang, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, khái quát bằng 4 biểu hiện suy thoái đạo đức: “Thứ nhất: Kiếm tiền bất chính. Thứ hai: bạo lực lên ngôi. Thứ ba: Giả dối thắng thế. Thứ tư: Con người vô cảm”.
Tương tự, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, khi nghe tin 2 nhà khoa học bị tai nạn xe máy, đã viết: “Đúng rồi, đây là thời không ai muốn chậm chân/ Nhà khoa học chậm chân thì cũng lãnh đủ/ Sự hung bạo? Không thể nói khác, chính là sự hung bạo/ Nó lừng lững đi ra từ tiền sử/ Trải qua chiến tranh/ Và bây giờ nhập cuộc hiện đại/ Hung bạo trên mạng, trên sàn diễn, trong lớp học/ Hung bạo giữa bàn nhậu, cửa sau công sở, hung bạo đường phố/ Hung bạo văn chương, tố giác nặc danh/ Lạng lách thời thượng và sành điệu/ Tôi thương xót những nhà khoa học không đủ sức chống lại ngọn roi hung bạo/ Tôi thương xót nhiều hơn cho chính nước tôi”.
Vì vậy, Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021 là một sự kiện diễn ra đúng lúc với thái độ cầu thị chấn chỉnh những khập khiễng văn hóa để tiếp tục triển khai mạnh mẽ “văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Một nền văn hóa muốn hội nhập bền vững trong kỷ nguyên 4.0, thì không thể không giải quyết khéo léo phép cộng giữa công nghệ thông tin, công nghiệp giải trí và bảo tồn bản sắc. 
Từ Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021, thông điệp “văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi” đến lúc được nâng lên tầm cao mới, như một đại nghiệp hoặc như một vĩ nghiệp của dân tộc Việt Nam. Bởi lẽ, văn hóa là bước tiến đầu tiên và văn hóa cũng là chốt chặn sau cùng cho sự tồn vong của một xử sở, một quốc gia.

Các tin khác