Thúc đẩy xuất khẩu nông sản

(ĐTTCO) - Theo quy định hiện hành, các cuộc kiểm tra an toàn thực phẩm ở Nhật Bản phải do Bộ Y tế và chính quyền các tỉnh thực hiện. Tuy nhiên, luật mới sẽ cho phép các tổ chức tư nhân kiểm tra an toàn thực phẩm nếu các tổ chức này đáp ứng được các tiêu chuẩn nhất định.
Thúc đẩy xuất khẩu nông sản

Nhật Bản đã thông qua một dự luật thúc đẩy xuất khẩu nông sản với việc thành lập một cơ quan có nhiệm vụ giải quyết các thủ tục xuất khẩu nông sản và đàm phán với các đối tác thương mại nhằm giảm nhẹ các hạn chế về xuất khẩu với luật mới có hiệu lực vào ngày 1-4-2020, cơ quan chuyên trách này sẽ được thành lập dưới sự lãnh đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp với các thành viên khác, gồm Bộ trưởng Nội vụ, Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Y tế.

Cơ quan này có nhiệm vụ xử lý các công việc vốn thường được các bộ, cơ quan khác nhau của chính phủ giải quyết; quản lý hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm; tổ chức các cuộc đàm phán nhằm dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu mà các nước khác áp đặt đối với một số sản phẩm nông nghiệp của Nhật Bản kể từ sau cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Fukushima. Ngoài ra, cơ quan này có nhiệm vụ đề ra lộ trình theo dõi những tiến bộ đạt được trong việc tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu thông qua việc tăng cường các biện pháp như thiết lập thêm các cơ sở chế biến thịt bò đáp ứng được các tiêu chuẩn nhập khẩu của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).


Theo quy định hiện hành, các cuộc kiểm tra an toàn thực phẩm ở Nhật Bản phải do Bộ Y tế và chính quyền các tỉnh thực hiện. Tuy nhiên, luật mới sẽ cho phép các tổ chức tư nhân kiểm tra an toàn thực phẩm nếu các tổ chức này đáp ứng được các tiêu chuẩn nhất định. Luật mới còn bổ sung điều khoản cho phép các bộ trưởng và tỉnh trưởng ban hành giấy chứng nhận xuất khẩu theo yêu cầu của các nước khác như giấy chứng nhận vệ sinh hay nguồn gốc của sản phẩm. 

Trong năm 2018, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Nhật Bản đã tăng kỷ lục lên 906,8 tỷ yen (8,35 tỷ USD), với Khu hành chính đặc biệt Hồng Công (Trung Quốc) là khách hàng nhập khẩu nông sản lớn nhất, tiếp theo là Trung Quốc và Mỹ. Hiện Nhật Bản đặt mục tiêu tăng kim ngạch xuất khẩu lên 1.000 tỷ yen trong năm nay.

Bên cạnh đó, để ngăn chặn việc canh tác trái phép các loại nông sản mới gồm trái cây và cây trồng các loại, Nhật Bản đang hướng tới việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của nông sản do Nhật Bản phát triển ở nước ngoài, đặc biệt là tại châu Á. Giới chuyên gia kinh tế cho rằng kế hoạch này cho thấy Nhật Bản đang tăng cường nỗ lực nhằm đảm bảo lợi nhuận từ trái cây cao cấp do nông dân nước này trồng. 

Theo Nikkei Asian Review, Bộ Nông nghiệp Nhật Bản đã hỗ trợ chi phí đăng ký thương hiệu sản phẩm Nhật Bản ở nước ngoài, nhưng đến nay chỉ có vài chục sản phẩm của quốc gia này được đăng ký. Đây cũng là lý do khiến nông dân Nhật Bản bỏ lỡ nhiều cơ hội xuất khẩu do không đăng ký bảo vệ thương hiệu cho sản phẩm ở nước ngoài. Một trong số những trường hợp này là giống nho cao cấp Shine Muscat được phát triển ban đầu ở Nhật Bản.

Sau khi được trồng ở Trung Quốc và Hàn Quốc, Shine Muscat đến thị trường ở Thái Lan và Hồng Công (Trung Quốc) dưới tên sản phẩm của Trung Quốc hoặc Hàn Quốc. Theo kế hoạch, Bộ Nông nghiệp Nhật Bản sẽ lựa chọn một tổ chức tư nhân trong tài khóa 2020 để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ các nông sản mới. Tổ chức này cũng sẽ được giao nhiệm vụ thúc đẩy quan hệ hợp tác cùng với các trang trại ở các quốc gia khác để phát triển các sản phẩm được đánh giá cao của Nhật Bản.

Các tin khác