Bức xúc việc nâng giá thiết bị phòng chống dịch Covid-19
Theo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 10 của Quốc hội, trước những khó khăn, thách thức do dịch Covid-19 gây ra, cử tri và nhân dân đánh giá cao kết quả triển khai thực hiện “mục tiêu kép”: vừa quyết liệt phòng chống dịch hiệu quả, vừa tập trung phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, tháo gỡ khó khăn sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công…
Tuy nhiên, việc triển khai Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ về thực hiện gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng cho các nhóm đối tượng bị tác động của dịch Covid-19 thời gian qua còn chậm, ở một số nơi còn thiếu sót và trùng đối tượng thụ hưởng; việc hỗ trợ các hộ kinh doanh, doanh nghiệp, người lao động còn bất cập… Cử tri và nhân dân cũng bức xúc về một số dự án đầu tư công triển khai rất chậm, chất lượng thấp, gây lãng phí nguồn lực quốc gia.
Về giáo dục và đào tạo, cử tri và nhân dân ghi nhận những nỗ lực của ngành giáo dục trong tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra phức tạp. Mặc dù vậy, lĩnh vực này nổi lên một số vấn đề bất cập, như giá sách giáo khoa (SGK) tăng cao so với năm học trước, có dấu hiệu “lợi ích nhóm”. Cơ quan quản lý thiếu hướng dẫn và thông tin chưa rõ ràng về việc sử dụng SGK trong nhà trường; tình trạng lạm thu đầu năm học vẫn tồn tại…
Cử tri và nhân dân cũng bày tỏ bức xúc về các hành vi nâng giá thiết bị phục vụ phòng chống dịch Covid-19, lợi dụng chủ trương xã hội hóa để nâng khống giá thiết bị, vật tư y tế; nâng giá dịch vụ khám chữa bệnh của một số cơ sở y tế công…
Trên cơ sở ý kiến của cử tri và nhân dân, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động vượt qua khó khăn do dịch Covid-19, nhanh chóng khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân.
Vẫn còn tình trạng trả lời chung chung
Theo Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV do Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình trình bày, các cơ quan của Quốc hội đã tiếp nhận và trả lời 69/69 kiến nghị, đạt tỷ lệ 100%. Các bộ ngành Trung ương tiếp nhận 2.265 kiến nghị của cử tri; đã giải quyết, trả lời 2.158 kiến nghị, đạt tỷ lệ 95,28%. Một số vấn đề cử tri đã kiến nghị nhiều lần chưa được giải quyết dứt điểm tại một số kỳ họp trước, nay đã được xem xét, giải quyết tại kỳ họp này. Tuy nhiên, vẫn còn một số văn bản trả lời chung chung, chưa đúng nội dung cử tri kiến nghị. Một số kiến nghị của cử tri chưa được giải quyết do chưa phân định rõ trách nhiệm giữa các cơ quan nhà nước...
Mặc dù tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng việc tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu UBND các cấp có sự chuyển biến rõ rệt so với kỳ báo cáo trước. Tỷ lệ bình quân chủ tịch UBND cấp huyện, xã tiếp dân định kỳ tăng nhiều so với kỳ trước
Yêu cầu “nhặt sạn” trong SGK
Quá trình thảo luận, một trong những vấn đề được các thành viên UBTVQH quan tâm là những bất cập trong nội dung chương trình SGK lớp 1. Phát biểu tại phiên họp, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nhìn nhận, năm nay là năm đầu tiên triển khai Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình - SGK. Việc triển khai có 3 nội dung, là chương trình - SGK, đội ngũ giảng dạy và cơ sở vật chất.
Qua giám sát, ủy ban nhận thấy, một số địa phương gặp khó khăn về cơ sở vật chất để triển khai chương trình dạy lớp 1. Về SGK, nhìn chung, Bộ GD-ĐT đã ban hành các quy định, quy trình tương đối đầy đủ song trong triển khai vẫn còn nhiều khiếm khuyết. Có 5 bộ sách, nhưng bộ sách Cánh Diều đang có nhiều “hạt sạn”. Điều đáng tiếc, đây lại là bộ sách do tổng chủ biên chủ trì soạn thảo. Trước vấn đề này, Chính phủ đã làm việc với Bộ GD-ĐT, yêu cầu hội đồng thẩm định phải rà soát lại những nội dung này để báo cáo. Ủy ban cũng đã yêu cầu Bộ GD-ĐT báo cáo lại sau khi rà soát và sẽ sớm có báo cáo chính thức gửi UBTVQH về nội dung này
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý thêm, việc biên tập SGK phải chú ý cân nhắc ngôn từ để cho học sinh cả 3 miền đều hiểu, đặc biệt lưu ý những từ mà các miền dùng khác nhau như “quẹo trái”, “quẹo phải” (miền Nam) và “rẽ trái”, “rẽ phải” (miền Bắc). Tương tự là cá lóc/cá quả, cái thìa/ cái muỗng...