Thực phẩm Tết: Quyết liệt chống hàng bẩn

(ĐTTCO) - Tết Nguyên đán Bính Thân và Lễ hội Xuân 2016 đang đến gần. Đây là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn nhất trong năm, vì thế, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) càng trở nên cấp thiết.

(ĐTTCO) - Tết Nguyên đán Bính Thân và Lễ hội Xuân 2016 đang đến gần. Đây là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn nhất trong năm, vì thế, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) càng trở nên cấp thiết.

Xử lý nghiêm các đối tượng sản xuất, buôn bán thực phẩm “bẩn”

Bên cạnh vấn đề ATTP đang diễn biến khá phức tạp, thời điểm áp Tết, các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, làm hàng giả, hàng nhái hoạt động mạnh; các hành vi găm hàng, tăng giá xuất hiện trên thị trường.

Trước vấn nạn này, lãnh đạo các Bộ NN&PTNT, Y tế, Công Thương đã ban hành nhiều chỉ thị yêu cầu các đơn vị chức năng tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát việc sản xuất, vận chuyển, buôn bán, sử dụng mặt hàng thực phẩm.

 

Mới đây nhất, Bộ NN&PTNT có công văn gửi các Sở NN&PTNT tỉnh, thành phố yêu cầu chỉ đạo chi Cục Quản lý nông lâm và thủy sản chủ trì phối hợp với các ban, ngành và các tổ chức chính trị-xã hội cùng địa phương đẩy mạnh truyền thông, quảng bá sản phẩm nông, lâm, thủy sản cũng như cơ sở sản xuất kinh doanh các sản phẩm an toàn, giới thiệu cơ sở bán sản phẩm an toàn có xác nhận cho người tiêu dùng.

Cùng với đó là tổ chức các đợt kiểm tra, thanh tra đột xuất các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm được dùng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán thuộc phạm vi quản lý của ngành như thịt, cá, trứng, giò, chả, nem… và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm theo quy định.

Trước đó, Bộ Y tế cho biết, từ 20/12/2015 đến 25/3/2016, Bộ thành lập 6 đoàn kiểm tra liên ngành thanh, kiểm tra ATVSTP dịp Tết Nguyên đán tại 12 tỉnh, thành phố.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương thành lập đoàn thanh tra liên ngành từ tỉnh đến các quận, huyện, xã, phường. Mục tiêu đợt ra quân này nhằm giảm 10% số vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán và sau Tết.

Ngoài việc yêu cầu bảo đảm nguồn cung hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, ngay từ cuối tháng 12/2015, Bộ Công Thương đã ban hành chỉ thị yêu cầu Cục Quản lý thị trường phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai quyết liệt các kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường, cao điểm là các tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán.

Các cơ quan này cần kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm ATTP và các hành vi gian lận trong thương mại. Đồng thời, vận động các hộ kinh doanh ký cam kết không tham gia và tiếp tay trong việc tiêu thụ hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng...

Cùng với các bộ, ngành, rất nhiều địa phương đã triển khai các hoạt động bảo đảm ATTP dịp Tết Nguyên đán.

Cụ thể, từ 20/12/2015 đến 25/3/2016, Hà Nội triển khai đồng bộ các giải pháp tăng cường công tác truyền thông, phổ biến kế hoạch triển khai công tác bảo đảm ATTP, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm.

Hà Nội cũng tổ chức 6 đoàn thanh, kiểm tra liên ngành ATVSTP kiểm tra công tác triển khai kế hoạch của các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn và các sở, ngành

UBND TP. Hà Nội quyết tâm không để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân và Lễ hội Xuân năm 2016

Không lo thiếu thực phẩm an toàn

Bên cạnh việc chống thực phẩm “bẩn”, các cơ quan chức năng cũng chú trọng đến việc cung cấp thực phẩm sạch ra thị trường.

Ngay từ giữa tháng 12/2015, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm phát triển theo mô hình chuỗi an toàn, thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về vệ sinh ATTP, Bộ Công Thương đã tiến hành hoạt động xây dựng mô hình chuỗi cửa hàng bảo đảm ATTP đối với một số ngành hàng thuộc phạm vi quản lý của Bộ.

Là một trong những bộ, ngành quản lý các đơn vị sản xuất, phân phối các mặt hàng thực phẩm, từ năm 2013 đến 2015, Bộ NN&PTNT đã triển khai xây dựng trên 40 mô hình điểm chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn từ nguồn kinh phí Chương trình Mục tiêu quốc gia về ATVSTP.

Thời điểm cuối năm và gần Tết Nguyên đán 2016, Bộ tiếp tục hướng dẫn để các địa phương triển khai, tăng cường quảng bá những sản phẩm rau, thực phẩm an toàn tại các siêu thị, cửa hàng.

Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, nhờ các địa phương phát triển vùng sản xuất rau tập trung và tăng cường các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nên lượng rau xanh bảo đảm cung ứng đủ cho thị trường. Hiện tại, cả nước có khoảng 172.000 ha rau với sản lượng dự toán xấp xỉ 3 triệu tấn rau phục vụ vụ Đông, nhất là dịp Tết Nguyên đán.  

Các thành phố lớn trên cả nước cũng tích cực vào cuộc trong việc xây dựng và quảng bá các chuỗi liên kết sản xuất-tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.

Chẳng hạn tại Hà Nội, Sở Công Thương phối hợp với Sở NN&PTNT xây dựng được 18 chuỗi liên kết sản xuất-tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, trong đó có 5 chuỗi thịt lợn, 8 chuỗi gia cầm, 4 chuỗi kết hợp cả gia cầm và thịt lợn và 1 chuỗi về sữa bò.

Các chuỗi này đang thu hút trên 3.000 trại, trang trại tham gia và cung cấp cho các siêu thị, trường học, bệnh viện, bếp ăn tập thể trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Còn Sở Công thương TPHCM cho biết, sự khác biệt trong việc chuẩn bị hàng hóa cho Tết Bính Thân so với Tết năm ngoái là ngành công thương và các doanh nghiệp TPHCM đã tổ chức hệ thống cửa hàng chuỗi thực phẩm an toàn, các mặt hàng lương thực, thực phẩm đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP... gắn logo chuỗi, giúp cho người tiêu dùng chọn được hàng Tết chất lượng cao.

Bắt đầu từ đầu tháng 12/2015, 176 điểm bán hàng của hệ thống Saigon Co.op đồng loạt bán các loại nhu yếu phẩm như thịt heo, rau củ đạt chuẩn an toàn và thực phẩm tươi sống theo chuẩn VietGAP, VietGAP nhãn xanh. Hệ thống Vissan cũng đồng loạt bán thực phẩm sạch tại 221 điểm, bao gồm các cửa hàng tiện lợi, siêu thị...  

Ngoài ra, các doanh nghiệp tại TPHCM (với 3.800 điểm) và Hà Nội (hơn 800 điểm) cũng đã cam kết chỉ sử dụng nguồn hàng thực phẩm an toàn để cung ứng cho thị trường trong dịp Tết Nguyên đán.

Các tin khác