Thuốc chữa bệnh là mặt hàng thiết yếu có ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và tính mạng của người sử dụng, nên việc đảm bảo an toàn chất lượng thuốc chữa bệnh có vai trò quan trọng đối với công tác điều trị. Dù chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong số hàng vạn mặt hàng thuốc trên thị trường dược phẩm nhưng thuốc giả, thuốc kém chất lượng lại là mối nguy hại vô cùng lớn - không chỉ với sức khỏe người sử dụng mà còn ảnh hưởng kinh tế - xã hội.
Nguyên liệu từ… thức ăn chăn nuôi
Công an quận 8 (TPHCM) vừa triệt phá thành công đường dây sản xuất tân dược giả, bắt giữ 7 đối tượng và thu giữ lượng lớn thuốc giả nhãn hiệu nổi tiếng các loại. Địa điểm sản xuất thuốc giả là bãi xe không số nằm trên đường Cao Lỗ, phường 4, quận 8. Qua khám xét, công an thu giữ gần 9.000 sản phẩm thuốc chữa bệnh các loại, như: Terpin Codein, Decotyl, Asmacort, Glotal… Đây là các loại thuốc kháng sinh, trị ho, hen suyễn, giảm đau. Khai nhận tại cơ quan điều tra, các đối tượng thừa nhận sản xuất tân dược giả là thuốc tây chữa bệnh, sau đó bỏ mối cho các đại lý kinh doanh thuốc để tuồn vào các cửa hàng, chợ thuốc ở TPHCM. Mở rộng phạm vi điều tra, tại các địa điểm trên địa bàn TPHCM, tỉnh Đồng Nai, cơ quan chức năng đã thu giữ gần 30.000 hộp thuốc giả nhãn hiệu các loại. Ước tính số tân dược giả được thu giữ trị giá hàng tỷ đồng.
Công an quận 8, TPHCM vừa phối hợp với các đơn vị chức năng triệt phá đường dây sản xuất tân dược quy mô lớn |
Trước đó, lực lượng chức năng của Hà Nội đã phát hiện một cơ sở sản xuất tân dược giả quy mô lớn ở thôn Cánh Chủ, xã Bình Yên, huyện Thạch Thất. Tại cơ sở này, lực lượng chức năng phát hiện hệ thống máy dập vỉ thuốc, máy nén viên và tủ sấy thuốc. Cùng với đó là hơn 90kg thuốc thành phẩm dạng viên nén màu hồng, với 2 loại thành phẩm thuốc có ghi nhãn mác: thuốc Tetracyclin TW3 (250mg) (48 hộp/thùng, 400 viên/hộp), trên nhãn ghi LSX 0321, NSX 07/07/2021, HD: 07/07/2024; và thuốc Sabumol 2mg có số lượng 4.330 vỉ (10 viên/vỉ). Đặc biệt, khi tiến hành kiểm tra về nguồn gốc nguyên liệu, phụ gia, lực lượng chức năng phát hiện 30 bao Lactose loại 25kg/bao, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài và nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, trên nhãn có ghi công dụng là nguyên liệu dùng trong sản xuất… thức ăn chăn nuôi!
Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng vừa kiểm tra đột xuất một căn hộ ở tầng 18 chung cư Hanoi Center Point (27 đường Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân), phát hiện kho tàng trữ thuốc do nước ngoài sản xuất nhưng không có hóa đơn, chứng từ về nguồn gốc xuất xứ, chứng nhận chất lượng. Lực lượng chức năng đã thu giữ gần 150.000 đơn vị thuốc, gồm nhiều loại như: thuốc kháng sinh Tavanic, thuốc chữa ung bướu Femera, thuốc thần kinh Depakin, thuốc huyết áp Plavix, thuốc điều trị mỡ máu Crestor, thuốc trị tiểu đường các loại.
Không chỉ nhiều loại tân dược bị làm giả, mà đông dược cũng bị làm giả rất tinh vi. Cục Quản lý y dược cổ truyền (Bộ Y tế) vừa có thông báo thu hồi thuốc giả Phong tê nhức Hổ Cốt Hoàn. Qua kiểm tra, trên nhãn sản phẩm này ghi số đăng ký VD-93312-13; Cơ sở đông nam dược Thái Sơn (399 Trần Hưng Đạo, Ba Đình, Hà Nội) sản xuất, nhưng thực tế cơ sở này chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược và thuốc có trộn Paracetamol.
Đủ chiêu qua mặt cơ quan chức năng
Theo thống kê của Bộ Y tế, trung bình mỗi năm, tỷ lệ thuốc giả, thuốc kém chất lượng bị phát hiện chỉ chiếm từ 0,5%-1% trong số hàng vạn mặt hàng thuốc đang lưu hành trên thị trường. Tuy nhiên, đáng báo động là mặt hàng thuốc giả, thuốc kém chất lượng được phát hiện gần đây ngày càng tinh vi và có chiều hướng gia tăng.
Bà Nguyễn Diệu Hà, Chánh văn phòng kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam, cho biết, nhiều loại thuốc giả chỉ có thể bị phát hiện khi đặt thuốc thật và thuốc giả cạnh nhau để so sánh vỏ hộp, tờ hướng dẫn sử dụng, tuy nhiên người tiêu dùng rất khó phân biệt điều này.
“Thuốc giả không chỉ bất hợp pháp mà còn là mối quan ngại lớn đối với sức khỏe cộng đồng. Các thuốc giả được sản xuất tại cơ sở không đảm bảo điều kiện và tiêu chuẩn quy định có thể chứa nhiều vi khuẩn, nấm mốc, điều này đặc biệt nghiêm trọng đối với trường hợp các thuốc dùng đường tiêm hoặc trên những người bệnh bị suy giảm miễn dịch”, bà Nguyễn Diệu Hà nhấn mạnh.
Công an quận 8 (TPHCM) vừa phối hợp với các đơn vị chức năng triệt phá đường dây sản xuất tân dược giả quy mô lớn. Ảnh: CHÍ THẠCH |
Theo PGS-TS Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký thuốc (Bộ Y tế), chia sẻ, quy mô thị trường thuốc giả khoảng 80 tỷ USD/năm. Bên cạnh một số nước tập trung nhiều đường dây sản xuất thuốc giả, thì nhiều nước lại là những thị trường trung chuyển, từ đó xâm nhập vào các quốc gia và khu vực trên thế giới. Nạn thuốc giả, thuốc kém chất lượng hiện diện khắp nơi trên thế giới, nhưng đặc biệt nghiêm trọng ở các nước đang phát triển, nơi có các kênh phân phối phi chính thức phát triển rất mạnh và không an toàn.
Tại Việt Nam, ngoài dược phẩm, thị trường sản phẩm bảo vệ sức khỏe cũng tăng vọt do mô hình bệnh tật đang chuyển đổi sang mô hình các bệnh mạn tính, do tuổi thọ tăng, do thu nhập của người dân tăng và khuynh hướng bồi dưỡng, nâng cao sức khỏe để phòng chống dịch bệnh. Sức hút của thị trường làm cho số nhà sản xuất và kinh doanh các mặt hàng thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe tăng vọt.
Cùng với đó là bùng nổ tình trạng kinh doanh trực tuyến, quảng cáo qua mạng xã hội, internet, tư vấn trực tiếp cho người dùng qua điện thoại, chat box, bán hàng đa cấp, chuyển hàng qua bưu điện, hoặc qua người vận chuyển khiến tình trạng thuốc giả ngày càng phức tạp.
Theo PGS-TS Lê Văn Truyền, trong bối cảnh hiện nay, các nhà quản lý và sản xuất cần sử dụng các biện pháp công nghệ tiên tiến khác nhau để tự bảo vệ sản phẩm của mình, như: công nghệ chuỗi khối truyền tải dữ liệu an toàn hệ thống mã hóa, nhận dạng qua tần số vô tuyến, xử lý ảnh kỹ thuật số, đặc biệt là sử dụng trường điện từ tự động nhận dạng và theo dõi các thẻ hỗ trợ được gắn vào sản phẩm để theo dõi sản phẩm từ khâu sản xuất và quá trình phân phối đến tận người tiêu dùng.