Thương hiệu cá nhân

(ĐTTCO)-Không chỉ gắn liền với những cá nhân trong lĩnh vực giải trí hoặc xã hội, thương hiệu cá nhân đang ngày trở lên quan trọng với người lao động ở nhiều lĩnh vực. 
Thương hiệu cá nhân
Thương hiệu cá nhân giúp xây dựng sự tín nhiệm, khẳng định giá trị của người lao động trên thị trường; từ đó mang đến tác động tích cực cho tổ chức, gồm cả lợi ích là khách hàng biết tới doanh nghiệp và sản phẩm của doanh nghiệp nhiều hơn.

Khảo sát của VietnamWorks với các ứng viên cấp cao đến từ cộng đồng PRIMUS - những người có mức lương trung bình từ 2.000USD trở lên và đang giữ vị trí quản lý tại các tổ chức hoạt động tại Việt Nam - cho thấy, 86% ứng viên là các nhà quản lý cấp trung, cấp cao tham gia khảo sát nhận xét, thương hiệu cá nhân và quản lý uy tín cá nhân ngày càng đóng vai trò quan trọng so với cách đây 5 năm.

Thương hiệu cá nhân sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn nữa vì sự phát triển của kỷ nguyên số hóa và thế giới phẳng. Bởi công nghệ tiên tiến kết nối không giới hạn, giúp người dùng có thể xây dựng thương hiệu cá nhân về chiều sâu lẫn chiều rộng; toàn cầu hóa gia tăng, mang đến cơ hội tự do tăng nhận diện thương hiệu cá nhân. Đặc biệt, thế hệ lao động trẻ đang tạo ra một văn hóa cởi mở và có tính kết nối trên cộng đồng số, kèm theo đó là sự trỗi dậy của thế hệ làm việc tự do (freelancer), vốn sẽ được hỗ trợ nhiều bởi thương hiệu cá nhân.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp từ các nước châu Âu có xu hướng tìm kiếm ứng viên làm việc độc lập (home based) tại Việt Nam và báo cáo về trụ sở tại châu Âu như: Ý, Đức, Pháp. Các ứng viên làm việc độc lập giữ vị trí cấp quản lý được trả mức lương vào khoảng 2.000 - 4.000USD/người/tháng; chi phí đi lại, công tác, liên lạc… cũng được doanh nghiệp chi trả toàn bộ. Các doanh nghiệp đề cao khả năng quản lý thời gian và tính tự kỷ luật trong công việc.

Ông Gaku Echizenya, Tổng Giám đốc Navigos Group Việt Nam, nhận xét công nghệ hóa và thế giới phẳng đã đem lại nhiều thuận lợi cho “thương hiệu cá nhân” trỗi dậy trên toàn cầu và được ghi nhận là công cụ để góp phần đẩy mạnh thương hiệu của chính doanh nghiệp. Đặc biệt, thương hiệu của những chuyên gia đầu ngành hoặc lãnh đạo doanh nghiệp có tác động rõ rệt trong chiến lược thu hút lao động giỏi.

Dưới những tác động tích cực này, ông Gaku Echizenya cho rằng, doanh nghiệp cần đầu tư hỗ trợ người lao động xây dựng thương hiệu cá nhân, đặc biệt ở các vị trí cấp cao như CEO (tổng giám đốc), các vị trí phó tổng giám đốc (C-level) và vị trí cấp quản lý khác. Họ cần được trang bị những kiến thức và phương pháp để xây dựng thương hiệu cá nhân, bảo vệ thương hiệu cá nhân, qua đó giúp đem đến giá trị cho doanh nghiệp.

Với người lao động, xác định rõ mục tiêu là yếu tố quan trọng nhất khi xây dựng thương hiệu cá nhân, trong khi các hành vi lạm dụng sẽ dẫn đến những tác động tiêu cực.

Các tin khác