Thương mại điện tử tăng trưởng ngoạn mục – cú huých cho hệ thống bán lẻ truyền thống

(ĐTTCO)- Những ngày cao điểm tiêu dùng mua sắm Tết Nguyên đán vừa qua, các sàn thương mại điện tử lớn đã ghi nhận sức mua của người dân tăng từ 40 - 100%.
Thương mại điện tử tăng trưởng ngoạn mục – cú huých cho hệ thống bán lẻ truyền thống

Đà tăng trưởng ngoạn mục của Thương mại điện tử (TMĐT) thời gian gần đây, cùng tiến trình chuyển đổi số dần hình thành ở hầu hết các lĩnh vực ngành nghề đang đặt ra câu hỏi lớn về tương lai của hệ thống bán lẻ truyền thống.

Hầu hết các doanh nghiệp thương mại điện tử đều cho rằng thực tiễn cuộc sống, đặc biệt tình huống bất khả kháng từ dịch bệnh Covid-19 vô tình đã thúc đẩy, tạo đà cho sự phát triển của thương mại điện tử.

Đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) khẳng định bằng những con số khảo sát được, đó là có tới "58% người tiêu dùng Việt Nam cho rằng sẽ tiếp tục mua sắm hàng bách hóa trên nền tảng thương mại điện tử bởi sự tiện lợi và thói quen này sẽ vẫn duy trì. 53% thừa nhận rằng mua hàng bách hóa trực tuyến đã trở thành một phần trong cuộc sống của họ”.

Điều đó có nghĩa, các cửa hàng bán lẻ truyền thống hoàn toàn có thể bắt tay-kết hợp với hệ sinh thái thương mại điện tử để phân phối sản phẩm tới người tiêu dùng. Sự tiện lợi của mua sắm trực tuyến và sự thay đổi thói quen tiêu dùng được nhận định sẽ giúp thương mại điện tử trở thành “một phần tất yếu trong cuộc sống xã hội Việt Nam”. Đây cũng là mục tiêu của Chính phủ khi kỳ vọng Thương mại điện tử trở thành lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số.

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho rằng: "Muốn nắm bắt thời cơ, thuận lợi này, doanh nghiệp cần chú ý thực tế sau: Mục tiêu TMĐT là đến năm 2025 sẽ làm cho cán cân thương mại điện tử TP.HCM-Hà Nội ngang bằng với các tỉnh còn lại.

Hiện nay tỷ lệ đang vênh khá cao, đó là TP.HCM, Hà Nội đang chiếm hơn 70% so với cả nước. Thời gian vừa qua, với cú huých là do đại dịch diễn ra đã làm chương  trình phát triển bền vững TMĐT tới từng địa phương được rút ngắn đến 2 năm. Năm 2022 này chúng ta sẽ cảm nhận TMĐT sẽ có bước đột phá, với nhiều chương trình cụ thể.

Chúng ta cần ý thức kết nối với thế giới, đưa được những hình ảnh sản xuất, nông trại, nông trường ra nước ngoài …Trước kia làm online như vậy thì khó và khó thuyết phục, bây giờ người ta nhìn nhận bằng nhiều hình thức-đơn giản hơn, kết nối sâu sắc hơn. Điều đó tạo ra những bước phát triển mạnh mẽ, bền vững nếu chúng ta có tư duy mở rộng, vươn tầm quốc tế".

Các tin khác