Thưởng nhân viên bằng gói du lịch trải nghiệm

(ĐTTCO) - Kỳ nghỉ Giáng sinh và năm mới 2022, nhiều doanh nghiệp Mỹ đã chọn cách thưởng cho nhân viên bằng các gói trải nghiệm du lịch thay vì tiền mặt hay các quà tặng vật chất. Và điều này cũng đang trở thành xu hướng kích cầu du lịch sau đại dịch. Triển vọng cho ngành du lịch trong năm 2022 được kỳ vọng sẽ trở nên sáng sủa hơn khi đại dịch đã giúp cho mọi người nhận ra điều gì là thực sự quan trọng đối với họ. 
Tại Việt Nam, nếu các công ty du lịch kết hợp cùng với các doanh nghiệp tổ chức thưởng nhân viên bằng những gói du lịch trải nghiệm cũng sẽ kích cầu một phần cho ngành du lịch.
Tại Việt Nam, nếu các công ty du lịch kết hợp cùng với các doanh nghiệp tổ chức thưởng nhân viên bằng những gói du lịch trải nghiệm cũng sẽ kích cầu một phần cho ngành du lịch.
Cú hích từ đại dịch
Nhu cầu du lịch trong thời kỳ Covid-19 đã có một “kế hoạch” riêng của nó, và nhiều chuyến đi đã bị hoãn vô thời hạn một lần nữa. Theo số liệu thống kê của Skift Travel Tracker hồi tháng 8-2021, chỉ 35% người Mỹ nói rằng họ “chắc chắn” sẽ du lịch vào năm 2022, một sự sụt giảm đáng kể so với con số 49% hồi tháng 6-2021.
Tuy vậy, sự bấp bênh về tương lai của tình hình dịch bệnh không đủ mạnh để làm nản lòng những người đam mê du lịch. Theo khảo sát của yPulse, du lịch là hoạt động được mong chờ số một sau đại dịch đối với thế hệ millennials (những người có năm sinh từ 1981-1996) và Gen Z (những người có năm sinh từ 1997-2012). 
Nhiều nghiên cứu cho thấy thế hệ millennials đang có xu hướng chi tiêu vào những hoạt động mang tính trải nghiệm hơn là vật chất. Theo một nghiên cứu của Eventbrite and Harris Interactive, gần 80% nói rằng nếu đứng trước một lựa chọn chi tiêu, họ sẽ ưu tiên cho trải nghiệm hơn là mua một món đồ gì đó. 
Thực ra ngay từ trước khi Covid-19 bùng phát, xu hướng tặng trải nghiệm du lịch đã bắt đầu vượt lên xu hướng tặng quà vật chất. Theo một nghiên cứu của Eventbrite vào năm 2018, 63% người Mỹ thuộc mọi độ tuổi nói rằng họ thích được tặng quà trải nghiệm, và cũng sẽ chọn dạng quà tặng đó cho người khác.
Đáng lưu ý hơn, 85% người tham gia nghiên cứu đồng ý rằng, việc thực hiện các trải nghiệm du lịch cùng người nhận món quà là “cách tuyệt vời”. Xu hướng này tiếp tục tăng trưởng mạnh đến năm 2021, khi 20% người thuộc thế hệ millenials nói rằng họ đã chọn hình thức quà tặng trải nghiệm trong suốt 12 tháng đầu bùng phát dịch bệnh.
Tuy nhiên, không chỉ thế hệ millenials hay Gen Z mới thuộc xu hướng này. Sự đứt gãy chuỗi cung ứng do dịch cũng góp phần gia tăng xu hướng này với người thuộc mọi độ tuổi. Theo khảo sát của Travel Agent Central, 62% người tham gia trả lời họ ưu tiên quà tặng trải nghiệm hơn là những món đồ vật chất. Gần một nửa (49%) nói những món quà họ dự định tặng đã hết hàng, hoặc đang trong quá trình đặt hàng lại từ nước ngoài.
Trong số những lựa chọn trải nghiệm, những cuộc phiêu lưu ngoài trời được ưu tiên hàng đầu (được chọn bởi 50% đàn ông, 34% phụ nữ), tour khám phá ẩm thực là ưu tiên tiếp theo (được chọn bởi 44% đàn ông, 34% phụ nữ).
 
Quà du lịch đa dạng để chọn lựa
Với một món quà vật chất, người tặng là người quyết định món quà. Nhưng đối với quà tặng trải nghiệm, người nhận mới là người có vô vàn lựa chọn. Khi nhận được gói quà tặng, khách hàng sẽ được chọn địa điểm, thời gian mà họ mong muốn.
Ví dụ, với gói quà tặng “Trải nghiệm thế giới” (Experience the world) được cung cấp bởi Tinggly, người nhận sẽ có hơn 1.000 trải nghiệm tại hơn 100 quốc gia trên thế giới để lựa chọn. Họ có thể chọn tham quan tháp nghiêng Pisa ở Ý, hay chọn một chuyến du ngoạn trên sông gần tháp Eiffel ở Pháp, hoặc một ngày trải nghiệm làm thợ lặn tại Bali…
Trên hết, Tinggly cung cấp cho khách hàng lựa chọn hoàn tiền 100% để gia tăng tính linh hoạt – một yếu tố cần thiết khi dịch bệnh diễn biến khó lường.
Đối với người chỉ muốn một kỳ nghỉ ngắn ngày (thay vì một chuyến du lịch nước ngoài), việc tặng họ một chuyến dã ngoại vào cuối tuần là lựa chọn đang được nhiều người ưu tiên. Campspot là một website tương tự Airbnb, nhưng thiên về hoạt động cắm trại, kết nối những người thích du lịch với những khu cắm trại, trại chăn nuôi hay khu nghỉ dưỡng thiên nhiên. Nhiều nơi trong số đó có giá dưới 50 USD (hơn 1 triệu VNĐ) một đêm.
Ngoài ra, theo CNBC, hình thức du lịch trên xe RV đang ngày càng phổ biến ở nước Mỹ. RV (recreational vehicle) là một dạng xe chuyên dụng dành cho những chuyến du lịch xa, với đầy đủ các tiện nghi được trang bị như tủ lạnh, lò vi sóng, điều hòa, giường, tủ quần áo… 
Nằm trong xu hướng du lịch này, gói quà tặng thành viên tại Harvest Hosts đang được nhiều người lựa chọn. Harvest Hosts là một nền tảng website liên kết giữa những người sở hữu RV với các nhà máy sản xuất rượu, bia, trang trại, bảo tàng và hơn 2.700 địa điểm tham quan độc đáo khác trên khắp nước Mỹ.
Với phí thành viên 99 USD/năm, khách hàng có thể lái chiếc RV của mình đến những địa điểm này mà không cần phải tốn thêm bất cứ một chi phí nào khác, với thời lượng cắm trại tối đa 24 giờ/lần.
Theo tờ Skift, quà tặng du lịch có thể ở dưới nhiều dạng thức khác nhau. Trong thời kỳ đại dịch, cuộc sống của mỗi người đã có những chuyển biến riêng biệt, dẫn đến nhu cầu sau đại dịch sẽ rất khác nhau. “Có người sẽ muốn chăm sóc bản thân, có người muốn vun đắp một mối quan hệ lãng mạn, có người muốn đưa gia đình đi nghỉ dưỡng, kết nối với bạn bè. Tuy vậy, có một sự thật rõ ràng rằng họ muốn bù đắp lại cho bản thân hoặc cho những người khác những gì đã bị thiếu trong suốt 18 tháng qua” - tờ báo nhận định.

Mua quà tặng trải nghiệm du lịch
Migle Rakauskaite, Giám đốc tiếp thị tại website trải nghiệm du lịch Tinggly.com, cho biết đại dịch đang thúc đẩy xu hướng mua quà tặng trải nghiệm du lịch. Việc chọn lựa quà tặng trên website được đơn giản đến mức tối đa.
Thay vì dành ra hàng giờ đồng hồ để chọn quà tại các trung tâm mua sắm, giờ đây người tặng chỉ cần truy cập website, chọn một gói quà tặng trải nghiệm mà họ thấy ưng ý, tất cả chỉ cần vài thao tác lướt chuột.  
Linas Ceikus, người đồng sáng lập Tinggly, nói: “Tinggly là một giải pháp quà tặng toàn cầu”. Người tặng có thể chọn một trong 3 phương thức tặng quà: hoặc in eVoucher và tặng trực tiếp cho người nhận, hoặc gửi eVoucher đó đến email người nhận, hoặc đặt một hộp quà có chứa eVoucher bên trong. Nhờ 3 phương thức tặng quà linh hoạt, khoảng cách địa lý đã không còn là rào cản giữa người tặng và người nhận - một yếu tố quan trọng trong thời kỳ giãn cách. 

Các tin khác