Thưởng Tết bình quân 5 triệu đồng/lao động

Kết quả báo cáo của các địa phương qua khảo sát 11.656 doanh nghiệp cho biết 2,287 triệu lao động có tiền thưởng (chiếm 88,4% số doanh nghiệp báo cáo) với mức thưởng bình quân 5,03 triệu đồng, tăng 15% so với 2014.

Kết quả báo cáo của các địa phương qua khảo sát 11.656 doanh nghiệp cho biết 2,287 triệu lao động có tiền thưởng (chiếm 88,4% số doanh nghiệp báo cáo) với mức thưởng bình quân 5,03 triệu đồng, tăng 15% so với 2014.

Trả lời báo chí về tình hình thưởng Tết Ất Mùi 2015, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, năm 2014, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, tuy nhiên, theo các báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, phần lớn các doanh nghiệp đã có phương án duy trì giữ được mức lương, thưởng Tết bằng hoặc cao hơn năm trước.

Điều tra chuyên đề về tiền lương năm 2014 (với trên 2.000 doanh nghiệp ở 17 tỉnh, thành phố thuộc 3 vùng kinh tế trọng điểm) do Bộ LĐTB&XH thực hiện cho thấy: Tiền lương bình quân đạt 5,11 triệu đồng/người/tháng; thu nhập bình quân đạt 5,4 triệu đồng/người/tháng; tăng khoảng 6% so với năm 2013 (các năm trước thông thường tăng khoảng 13-15%).

Theo báo cáo của các địa phương, có 11.656 doanh nghiệp với 2,297 triệu lao động có tiền thưởng, chiếm 88,4% doanh nghiệp có báo cáo, mức thưởng bình quân Tết Ất Mùi là 5,03 triệu đồng, tăng 15% so với 2014.

Bên cạnh đó, tình trạng nợ lương cũng giảm hơn so với các năm trước song số địa phương có doanh nghiệp nợ lương người lao động lại tăng (từ 17 tỉnh, thành phố năm 2012 lên 22 tỉnh, thành phố năm 2013 và 31 tỉnh thành phố năm 2014). Tính đến hết 31/12/2014, vẫn còn 70 doanh nghiệp còn nợ 6.037 lao động với số tiền 59,7 tỷ đồng.

Hầu hết những doanh nghiệp nợ lương người lao động hoặc không có khả năng thưởng Tết là những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gặp khó khăn hoặc đã tạm dừng sản xuất, chờ thực hiện thủ tục giải thể, phá sản nên việc giải quyết nợ lương ở các doanh nghiệp này là khá khó khăn.

Một trong những giải pháp căn bản để giải quyết tình trạng nợ lương là hoàn thiện hệ thống luật pháp, trong đó có các nội dung quy định của Bộ luật lao động về tiền lương (như điều chỉnh mức lương tối thiểu, xây dựng thang, bảng lương, trả lương, thương lượng về tiền lương, tiền thưởng, chế tài xử lý vi phạm về trả lương chậm, trả lương không đúng quy định…

Đặc biệt Bộ LĐTB&XH cũng sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong hướng dẫn thực hiện Luật phá sản sửa đổi có hiệu lực thi hành từ 1/1/2015(trong đó có các nội dung mới như người lao động trực tiếp nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản không bắt buộc phải thông qua đại diện như trước đây; thời điểm nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản là hết 3 tháng kể từ ngày khoản nợ lương, trợ cấp đến hạn mà doanh nghiệp không thanh toán được; các khoản nợ lương, trợ cấp, bảo hiểm xã hội, và các quyền lợi khác của người lao động được ưu tiên thanh toán trong thứ tự phân chia tài sản) đây là một nhiệm vụ quan trọng, sẽ có tác động tích cực đến cải thiện tình hình nợ lương ở các doanh nghiệp hiện nay.

Trước một số ý kiến cho rằng thay vì thưởng Tết một lần vào dịp Tết Nguyên đán thì nên chia số lượng tiền thưởng nhiều lần trong năm để kích thích sản xuất và giữ chân người lao động, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng, theo quy định tại Điều 103 của Bộ luật Lao động thì tiền thưởng là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Đối với văn hoá của người Việt Nam, ngày Tết có nhiều ý nghĩa, cũng đồng nghĩa với nhu cầu chi tiêu trong dịp Tết cao hơn ngày thường. Vì vậy, việc các doanh nghiệp căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm để thưởng vào dịp Tết là phù hợp pháp luật hiện hành.

Tuy nhiên, Bộ luật Lao động cũng quy định Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở. Thực tế để khuyến khích người lao động làm việc có năng xuất, chất lượng, nhiều doanh nghiệp cũng đã thực hiện thưởng theo tháng, theo quý hoặc các dịp lễ lớn trong năm. Việc thưởng bao nhiêu, thưởng vào thời điểm nào trong năm để mang lại hiệu quả cao nhất là do người sử dụng lao động quyết định song phải được quy định cụ thể trong quy chế thưởng của doanh nghiệp và phải được ban hành theo quy định của pháp luật.

Các tin khác