Thụy Điển chính thức gia nhập NATO

(ĐTTCO) - Thụy Điển chính thức trở thành thành viên thứ 32 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), chấm dứt hàng thập kỷ trung lập sau Thế chiến II và gần 2 năm nỗ lực vượt qua các rào cản.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc

Theo AP, ngày 7/3 (giờ địa phương), Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson đã có mặt tại Washington để bàn giao văn kiện gia nhập NATO cho Chính phủ Mỹ.

“Đây là thời khắc lịch sử của Thụy Điển, của liên minh và của mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Liên minh NATO của chúng ta giờ đây mạnh hơn, lớn hơn bao giờ hết,” Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu sau khi tiếp nhận văn kiện gia nhập NATO từ Thủ tướng Kristersson.

Thủ tướng Ulf Kristersson cho biết: “Hôm nay thực sự là một ngày lịch sử. Chúng tôi khiêm tốn nhưng cũng rất tự hào về điều này. Chúng tôi sẽ đáp ứng những kỳ vọng cao từ tất cả các đồng minh NATO. Chúng ta cùng đoàn kết vững mạnh”.

Trong một tuyên bố, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg mô tả đây là “một ngày lịch sử”, nhấn mạnh rằng “sự gia nhập của Thụy Điển làm cho NATO mạnh hơn, Thụy Điển an toàn hơn và toàn bộ liên minh an toàn hơn”. Ông nói thêm rằng động thái này “chứng minh rằng cánh cửa của NATO vẫn mở và mọi quốc gia đều có quyền lựa chọn con đường riêng của mình”.

Quốc kỳ Thụy Điển sẽ được kéo lên bên ngoài trụ sở NATO vào thứ hai tuần sau. Ông Stoltenberg tuyên bố quốc gia Bắc Âu này “hiện được hưởng sự bảo vệ theo Điều khoản 5 của Hiệp ước NATO, sự đảm bảo cuối cùng cho tự do và an ninh của các đồng minh”.

Kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra, Thụy Điển và Phần Lan đều đã nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 5/2022 do các lo ngại về an ninh quốc gia. Để một quốc gia có thể thành công trở thành một phần của liên minh, tất cả các thành viên NATO cần phê duyệt đơn đăng ký.

Trong khi Helsinki đã chính thức trở thành thành viên thứ 31 của NATO hồi tháng 4/2023, thì Stockholm đã vấp phải sự phản đối từ phía Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary. Vào thời điểm đó, nguyên nhân mà Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra là do Thụy Điển chưa đủ tích cực để đối phó với các nhóm được nước này cho là khủng bố. Còn Hungary cho rằng Thụy Điển vì "có thái độ thù địch công khai" khi nhiều lần chỉ trích về các vấn đề pháp quyền của Budapest.

Đến ngày 23/1, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã phê chuẩn nghị định thư trở thành thành viên NATO của Thụy Điển. Sau đó vài ngày, Quốc hội Hungary cũng đã bỏ phiếu phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển, gỡ bỏ rào cản cuối cùng để mở đường cho quốc gia Bắc Âu trở thành thành viên thứ 32 của liên minh quân sự.

Nga chưa bình luận về sự kiện Thụy Điển chính thức gia nhập NATO.

Moscow từng cho biết họ không có vấn đề gì đối với hai quốc gia Bắc Âu, nhưng sẽ có phản ứng nếu họ gia nhập NATO. Nước này cũng nhấn mạnh rằng việc NATO mở rộng khối về phía đông, bắt đầu từ năm 1999, là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Nga và là một trong những nguyên nhân sâu xa của cuộc xung đột tại Ukraine.

Các tin khác