(ĐTTCO)-Mục tiêu đạt trên 7 tỉ USD cho xuất khẩu thủy sản trong năm 2016 sẽ rất khó trở thành hiện thực nếu không tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh.
Thủy sản đã có một năm 2015 không như mong đợi với kim ngạch xuất khẩu ước chỉ đạt 84,5% so với cùng kỳ, tương đương 6,7 tỉ USD, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep). Ông Ngô Văn Ích, Chủ tịch Vasep, nhận định, chưa bao giờ cả 3 mặt hàng thủy sản chính gồm tôm, cá tra và cá ngừ đều đồng loạt giảm như năm nay. Tôm đã rơi từ mức kỷ lục 4 tỉ USD năm 2014 còn khoảng 3 tỉ USD năm 2015. Cá tra cũng ước giảm 10% so với cùng kỳ.
Không chỉ suy giảm về giá trị, một số thị trường xuất khẩu chính của thủy sản Việt Nam như Mỹ, châu Âu (EU) đã bị mất 1-2% thị phần so với năm trước đó. Tỉ lệ hàng xuất đi bị trả về cũng gia tăng. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2015, số lô hàng thủy sản bị trả về gần bằng năm trước, chủ yếu do nhiễm kháng sinh, vi chất, cùng với các loại tạp chất khác.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 27 lô hàng bị Nhật khước từ. Diễn biến cũng tương tự ở thị trường EU. Với Mỹ, số lô hàng cá, tôm bị trả về với cùng lý do vi phạm chỉ tiêu kháng sinh tăng gấp 6 lần so với cả năm 2014. Úc, EU, Hàn Quốc đều đưa ra cảnh báo sẽ dùng biện pháp mạnh hơn như kiểm tra tất cả các sản phẩm hoặc ngừng nhập khẩu thủy sản Việt Nam nếu tỉ lệ vi phạm dư lượng kháng sinh vẫn gia tăng.
Với thực trạng đó, bức tranh xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2016 được dự báo sẽ tiếp tục khó khăn. Cụ thể, Vasep ước tính, mặt hàng tôm của Việt Nam vẫn bị ảnh hưởng bởi làn sóng giảm giá và áp lực cạnh tranh. Riêng về cá tra, dự báo sẽ khó có “đất sống” trên thị trường Mỹ do điều kiện xuất khẩu ngày một khắc nghiệt.
Về thuế, theo phán quyết sơ bộ về thuế chống bán phá giá lần thứ 11 (POR11) cho giai đoạn từ 1.8.2013-31.7.2014 của Bộ Thương mại Mỹ (DOC), mức thuế áp cho cá tra của Công ty Hùng Vương và Thuận An lần lượt là 0,36 USD/kg và 0,84 USD/kg; 16 công ty khác chịu mức thuế 0,6 USD/kg. Dù đây mới chỉ là phán quyết sơ bộ và đã thấp hơn so với POR10, nhưng ông Ích, Vasep, cho rằng vẫn rất khó để các doanh nghiệp cá tra Việt Nam có thể đưa hàng vào Mỹ.
Các doanh nghiệp xuất khẩu cá da trơn Việt Nam còn phải đối mặt với quy chuẩn mới trong xuất khẩu vào Mỹ. Từ tháng 9.2017, tức 18 tháng cho giai đoạn chuyển tiếp sau khi Đạo luật Nông trại có hiệu lực, thủy sản Việt Nam muốn vào Mỹ bắt buộc phải theo quy chuẩn của Cục Thanh tra và An toàn thực phẩm Mỹ (FSIS), thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), thay vì quy chuẩn của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) như lâu nay
Đây là quy chuẩn rất khác biệt và Việt Nam có thể phải mất nhiều năm mới chuyển đổi được. Bởi lẽ, thay vì kiểm tra 1% sản phẩm, FSIS yêu cầu rà soát 100% sản phẩm nhập khẩu. FSIS quy định nghiêm ngặt việc kiểm soát theo từng công đoạn (từ con giống, thức ăn, dư lượng kháng sinh, chất tồn dư thuốc thú y, vận chuyển, nhà máy...), theo từng ca trước ngày xuất hàng và chế biến sản phẩm giá trị gia tăng phải có thiết bị riêng. Những yêu cầu này đều làm tăng chi phí đầu vào trong quá trình nuôi. FSIS còn quy định thủy sản ngoại muốn vào Mỹ phải đạt kỹ thuật nuôi tương đương như ở Mỹ. Nghĩa là muốn tiếp tục xuất khẩu, phía Việt Nam phải đăng ký danh sách và chứng minh cho thấy mình đạt chuẩn theo yêu cầu của FSIS.
Từ trước đến nay, FSIS thường mất ít nhất 8 năm để xem xét công nhận tiêu chuẩn tương đồng cho các nước nhập khẩu thịt, thịt lợn và thịt gia cầm vào Mỹ. Chưa có quốc gia Đông Nam Á nào đạt được chứng nhận tương đồng. Cho dẫu đạt được, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Vasep, quan ngại, nếu Mỹ vẫn đánh giá sản xuất thủy sản ở Việt Nam không tương đương với Mỹ thì các doanh nghiệp cũng không thể làm gì được.
Đạo luật Nông trại được đề xuất từ năm 2008, trong bối cảnh thủy sản Việt Nam, Trung Quốc và một số nước đã chiếm hơn 75% doanh số tiêu thụ tại Mỹ, đẩy 20% hoạt động nuôi cá da trơn của Mỹ vào chỗ đóng cửa. Vì thế, theo các chuyên gia, đây là quy định mang tính rào cản, nhằm bảo hộ nền sản xuất cá da trơn của Mỹ.
Trong điều kiện Việt Nam đã gia nhập WTO và sắp tới sẽ gia nhập TPP, ông John Connelly, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Mỹ, thừa nhận, áp dụng các quy chuẩn của FSIS là không công bằng với Việt Nam. Vụ châu Mỹ (Bộ Ngoại giao) cũng cho rằng, nếu quy định mới của Mỹ gây thiệt hại kinh doanh, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang Mỹ có thể khởi kiện. Thế nhưng, doanh nghiệp Việt lại có tâm lý e ngại kiện tụng với nước ngoài. Bởi lẽ, hầu hết doanh nghiệp đều gặp hạn chế trong hiểu biết về phòng vệ thương mại và khó huy động tài chính để theo đuổi vụ kiện, theo khảo sát của Hội đồng Tư vấn phòng vệ thương mại, Trung tâm WTO và Hội nhập, VCCI.
Ở thị trường lớn khác và ở các mặt hàng khác, nhu cầu tiêu dùng của thế giới giảm, giá thành sản xuất cao hơn so với các nước đối thủ, sự biến động tiền tệ, vấn đề dư lượng kháng sinh... tiếp tục là những thách thức lớn cho ngành thủy sản.
Từ những thách thức này, trước mắt năm 2016, mục tiêu xuất khẩu riêng cá tra ước giảm 5%. Với mục tiêu trên 7 tỉ USD cho xuất khẩu toàn ngành thủy sản , theo Vasep, sẽ khó đạt nếu không tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh.
Thực tế, những doanh nghiệp có chuẩn bị, đầu tư từ sớm đã không bị bất ngờ trước các biến động và thay đổi trên thị trường. Như Vĩnh Hoàn từ lâu đã đạt các yêu cầu tiêu chuẩn như HACCP, BAP... và vẫn xuất đi Mỹ với thuế chống bán phá giá 0%. Quý II/2016, với nhà máy mới, Vĩnh Hoàn dự kiến sẽ tăng công suất lên 120 tấn nguyên liệu/ngày. Các mặt hàng sản xuất thêm như collagen, dầu cá được Công ty Chứng khoán Bảo Việt đánh giá sẽ gia tăng lợi nhuận trong năm 2016 cho Vĩnh Hoàn.
Về phía Hùng Vương, trong chia sẻ mới đây tại một hội nghị của ngành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Dương Ngọc Minh cho rằng, không quan tâm nhiều đến thị trường Mỹ, chú ý đến tiêu thụ nội địa và các thị trường khác sẽ giúp doanh nghiệp vượt khó. Bằng chứng là từ tháng 4.2014, công ty con của Hùng Vương là Agifish đã không còn xuất khẩu các mặt hàng cá tra sang Mỹ. Thay vào đó, Agifish chuyển hướng tập trung vào thị trường châu Âu, châu Á và Trung Đông. Xa hơn, Hùng Vương đầu tư thêm nhà máy chế biến cá, chế biến tôm và kho lạnh để tận dụng cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan.