Dự án càng lớn, khó khăn càng nhiều
Theo Bộ GTVT, các dự án mới khởi công tập trung chủ yếu trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, các dự án đường sắt thuộc danh mục vốn dư trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự án nhà ga T3, Cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Tân Sơn Nhất. Đây là các dự án đặc biệt quan trọng, được kỳ vọng sẽ làm tăng năng lực hạ tầng giao thông quốc gia.
Trong đó, dự án nâng cấp, cải tạo kết cấu hạ tầng tuyến đường sắt Hà Nội - TPHCM với kinh phí khoảng 7.000 tỷ đồng, đã được Bộ GTVT trình Chính phủ xem xét. Việc triển khai dự án này sẽ không chỉ cải thiện năng lực chạy tàu mà còn giải quyết được căn bản các vấn đề liên quan đến an toàn giao thông đường sắt khi xóa bỏ được hầu hết các đường ngang dân sinh.
Tuy nhiên, theo Bộ GTVT, muốn dự án này thành công và phát huy hiệu quả cần sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương có đường sắt đi qua. Trên thực tế, thời gian qua, rất nhiều địa phương lơ là, phối hợp không tốt với ngành đường sắt và Bộ GTVT trong việc xử lý đường ngang.
Với dự án xây dựng nhà ga T3, CHKQT Tân Sơn Nhất, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, hiện Bộ GTVT đang chờ Bộ KH-ĐT có ý kiến về cơ sở pháp lý để Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư theo hướng không sử dụng ngân sách nhà nước. Nếu thuận lợi, dự án này có thể hoàn thành xây dựng trong 37 tháng từ khi phê duyệt chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, tiến độ này khó khả thi vì dự án phải thực hiện theo quy trình: thi tuyển kiến trúc; lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật; tổ chức lựa chọn nhà thầu xây dựng…
Với dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, sau khi có kết quả sơ tuyển, Bộ GTVT dự kiến phát hành hồ sơ mời thầu trong tháng 2 để tháng 5 chọn xong nhà đầu tư. Tuy nhiên, do yêu cầu tiêu chuẩn nhà đầu tư rất cao so với năng lực hiện có của các nhà đầu tư trong nước, Bộ GTVT cho biết rất có thể có những dự án không có nhà đầu tư vượt qua vòng sơ tuyển.
Trong trường hợp này, Bộ GTVT sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc hoặc vẫn tiếp tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) hoặc kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép sử dụng vốn ngân sách để đầu tư, sau đó bán quyền thu phí cho các doanh nghiệp, lấy tiền để đầu tư tiếp. Bộ GTVT cũng đã đặt ra phương án phát hành trái phiếu chính phủ, trái phiếu công trình để thực hiện các dự án không tìm được nhà đầu tư.
Sẽ công khai danh mục dự án
Theo đại diện Vụ Đối tác công tư (Bộ GTVT), hầu hết các dự án giao thông trọng điểm đều đang gặp khó khăn về vốn, do đó, vấn đề quan trọng đặt ra vẫn là tạo cơ chế để thu hút vốn đầu tư. Hiện Bộ GTVT đang cùng với các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ KH-ĐT tham mưu cho Chính phủ sớm ban hành Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư nhằm tạo cơ chế thu hút vốn đầu tư tư nhân.
Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng kế hoạch triển khai chi tiết dự án CHKQT Long Thành, trong đó đầu năm 2020 lựa chọn xong nhà đầu tư, để thực hiện bước tiếp theo là chuẩn bị hồ sơ mời thầu, tổ chức đấu thầu để lựa chọn tư vấn lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật và dự toán. Bộ GTVT cũng đang cùng các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư theo nghị quyết của Quốc hội. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo đủ 1.810ha cho giai đoạn 1 để khởi công dự án trong năm 2021. |
Với các dự án được bố trí vốn ngân sách, Bộ trưởng GTVT cũng cho biết sẽ có cơ chế quản lý đảm bảo chất lượng và tiến độ dự án. Cụ thể, năm 2020, Bộ GTVT đã được bố trí khoảng 35.000 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước cho công tác xây dựng cơ bản.
Với các quy định mới sau khi Luật Đầu tư công (sửa đổi) có hiệu lực từ đầu năm nay, Bộ GTVT được quyền điều chỉnh nguồn lực trong 35.000 tỷ đồng này cho những dự án có tiến độ triển khai tốt. Những dự án dù nằm trong danh mục nhận vốn nhưng nếu tiến độ triển khai chậm, sẽ bị cắt giảm hoặc điều chuyển. Bên cạnh vấn đề vốn, một số vướng mắc trong công tác giải ngân, hạn chế trong công tác quản lý chất lượng công trình của năm 2019 cũng sẽ được khắc phục trong thời gian tới.