Tiềm năng Hồng Công

Là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Hồng Công tại ASEAN, Việt Nam không chỉ có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu tiêu dùng sang thị trường này mà còn có thể tái xuất sang các nước khác.

Là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Hồng Công tại ASEAN, Việt Nam không chỉ có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu tiêu dùng sang thị trường này mà còn có thể tái xuất sang các nước khác.

Tăng trưởng thương mại

Những ngày đầu tháng 5, Công ty TNHH Trại Việt đã xuất khẩu lô trứng gà tươi đầu tiên sang thị trường Hồng Công. Trước đây, Hồng Công thường nhập khẩu trứng của Trung Quốc nhưng gần đây do lo ngại chất lượng nên một số DN đã tìm đến đối tác Việt Nam.

Ông Đàm Văn Hoạt, Tổng giám đốc Trại Việt, cho hay xuất khẩu sang Hồng Công không khó và từ tháng 6 này mỗi tuần công ty sẽ cho xuất 2 container trứng tươi sang Hồng Công. Trứng tươi được xem là một trong những mặt hàng mới nhất tiếp nối khá nhiều hàng hóa DN Việt Nam đã xuất khẩu thành công vào thị trường tiềm năng này.

Gian hàng thực phẩm Việt Nam tại một hội chợ triển lãm ở Hồng Công.

Gian hàng thực phẩm Việt Nam tại một hội chợ triển lãm ở Hồng Công.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, năm 2011 Hồng Công nhập khẩu hơn 2,2 tỷ USD các mặt hàng nông - thủy sản Việt Nam, trong đó mặt hàng gạo chiếm đa số. Tính đến thời điểm này, gạo Việt Nam đã chiếm 35% thị trường Hồng Công.

Kim ngạch thương mại 2 chiều Việt Nam - Hồng Công năm 2011 đạt 8,4 tỷ USD, tăng 34,7% so với năm 2010. Tính trung bình, trong 5 năm qua kim ngạch trao đổi thương mại 2 bên tăng khoảng 29%/năm.

Những mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Hồng Công chủ yếu là điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; gạo, hàng thủy sản; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện; hàng dệt may, giày dép các loại; dây điện và dây cáp điện; xơ, sợi dệt các loại; gỗ và sản phẩm gỗ…

Như đã nói, gạo Việt Nam đang là mặt hàng được ưa chuộng ở Hồng Công vì chất lượng đang ngày một cải tiến và giá rẻ hơn so với Thái Lan.

Ông Phạm Văn Công, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hồng Công và Ma Cao, chia sẻ: “10 năm trước, gạo nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm chưa đến 1% lượng gạo tiêu thụ tại Hồng Công. Tuy nhiên, tới năm 2010 có sự đột phá, chiếm gần 20% thị phần, năm 2011 tiếp tục tăng thêm khoảng 10%, chiếm gần 30% thị phần và 3 tháng đầu năm nay thị phần gạo Việt Nam tại Hồng Công đã vượt mốc 30%.

Dự kiến năm 2012, thị phần gạo Việt Nam tại thị trường Hồng Công sẽ đạt từ 50-60%, vượt qua Thái Lan, trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất vào Hồng Công”. Song cũng theo ông Công, nếu các DN Việt Nam chỉ nhắm đến thị trường Hồng Công như một thị trường tiêu thụ sẽ rất lãng phí.

Bởi Hồng Công là một thị trường tiêu thụ có quy mô không lớn, chỉ khoảng 7 triệu người tiêu dùng. Tuy nhiên, nếu DN nhắm đến Hồng Công như một thị trường trung chuyển tìm kiếm các nhà phân phối để tái xuất đi nước thứ 3 thì khả năng tăng trưởng của hàng hóa Việt Nam vào thị trường này là rất lớn.

Cơ hội tái xuất

Theo thống kê, hiện có khoảng hơn 45% hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Hồng Công được tái xuất đi nước thứ 3, nhưng con số này vẫn là tỷ lệ khiêm tốn so với tỷ lệ tái xuất chung của thị trường này. Hồng Công hiện đang giữ vị trí cửa ngõ giao thương với các nước trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc.

Hiện Hồng Công có khoảng 7.000 DN Trung Quốc đang kinh doanh và nhiều năm qua luôn được coi là cửa ngõ để thâm nhập thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, Hồng Công còn được xem như trạm trung chuyển đến các thị trường tiềm năng khác như châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản vì có cảng container lớn thứ 3 thế giới và cơ sở hạ tầng hiện đại.

Các DN Việt Nam có thể tìm kiếm đối tác thông qua các hội chợ được tổ chức khá thường xuyên tại đây. “Các hội chợ rất thường xuyên được tổ chức tại Hồng Công vì đây được xem là trung tâm giao thương của châu Á. Chỉ tính riêng năm 2011 đã có tới 160 hội chợ và triển lãm hàng đầu thế giới được tổ chức tại đây.

Các DN xuất nhập khẩu trên toàn thế giới đã đến đây để tìm kiếm đối tác” - đại diện Hội đồng Phát triển Thương mại Hồng Công (HKTDC) tại Việt Nam chia sẻ tại hội thảo diễn ra hồi cuối tháng 5 vừa qua.

Ông Dương Quốc Nam, Tổng giám đốc Công ty Hoàng Nam (thương hiệu nội thất Phố Xinh), khẳng định: “Tham gia các hội chợ quốc tế chính là con đường ngắn nhất để quảng bá sản phẩm, thương hiệu và tìm kiếm đối tác”. Nội thất Phố Xinh đã tìm được một số đối tác sau khi tham gia hội chợ nội thất tại Hồng Công.

Tương tự, không ít DN trong ngành thủy sản cũng tìm kiếm được cơ hội thông qua một số hội chợ như hội chợ thực phẩm và hội chợ thủy sản châu Á được tổ chức tại đặc khu này. Để tạo điều kiện tốt nhất cho DN Việt Nam, HKTDC đã giới thiệu chương trình quảng cáo miễn phí trên Cổng Thương mại Điện tử.

Các DN có thể giới thiệu ngành nghề và các sản phẩm của mình tại website này. Với hơn 1 triệu thành viên, Cổng Thương mại Điện tử của HKTDC là nơi DN Việt Nam có thể tìm kiếm đối tác, tăng thêm cơ hội bán hàng.

Cơ hội đến Hồng Công đang rộng mở cho nhiều DN Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. Song không phải không có những lưu ý đáng quan tâm cho DN khi quyết định xuất khẩu vào thị trường này. Chẳng hạn những điều như người Hồng Công chuộng những sản phẩm được đóng thành gói nhỏ, ít chiếm chỗ.

Hay như việc thanh toán cũng là điều các DN hết sức lưu ý. DN nên yêu cầu khách hàng mở tín dụng thư thanh toán qua ngân hàng để hạn chế rủi ro. Cũng không ít trường hợp DN Việt Nam bị lừa bởi đối tác Hồng Công nhưng đó là những rủi ro DN phải tỉnh táo để không mắc phải.

Các tin khác