Nhu cầu tiền ảo vẫn có
Nhiều người dân Việt Nam hiểu tiền chỉ là tiền giấy/tiền xu (notes&coins), do NHNN phát hành, được dùng cho các ứng dụng thanh toán, các loại thẻ tín dụng và cho phép thanh toán, chi trả hàng hóa dịch vụ.
Tuy nhiên, trên thực tế với sự phát triển của công nghệ, khái niệm tiền gồm 3 loại, ngoài tiền giấy/tiền xu còn có tiền điện tử và tiền ảo.
Tiền điện tử (e-money) là cách thức thể hiện dưới dạng số giá trị tiền pháp định của một quốc gia (thí dụ VNĐ, USD, EUR...) được bảo đảm bởi NHTW quốc gia đó hay các tổ chức tài chính chịu sự quản lý của NHTW. Tiền ảo, hay còn gọi là tiền mã hóa (crypto-currency) hoạt động phân tán, mang tính ẩn danh cao, không chịu sự quản lý, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Nó không phải là tiền pháp định, không được phát hành hay bảo đảm bởi bất kỳ Chính phủ hay NHTW/cơ quan quản lý tiền tệ ở bất kỳ quốc gia nào. Đồng tiền ảo nổi tiếng nhất hiện nay là bitcoin, vận hành trên công nghệ nền tảng (underlying) là blockchain.
Nhật Bản và Hàn Quốc công nhận vì đa phần dân Nhật Bản và Hàn Quốc yêu thích, hiểu biết công nghệ, quốc gia có nhiều công ty về công nghệ. Dù chưa chứng minh lợi hơn hay hại hơn, nhưng đối với công dân việc sử dụng đồng bitcoin cũng là một cách thể hiện trình độ của mình. Còn Chính phủ 2 nước có quan điểm tương đối lạc quan về tương lai của tiền ảo, họ muốn thử để xem đáp án thế nào. Ông Leonhard A. Weese, Chủ tịch Hiệp hội bitcoin Hồng Công |
Tiền ảo có đặc tính rất dễ chia nhỏ và có thể dễ dàng hoán đổi. Bất kỳ ai cũng có thể chạy phần mềm ứng dụng và tham gia mạng lưới tiền mã hóa. Chính sách cung tiền mã hóa thường được xác định trước lộ trình phát hành ra thị trường, theo tỷ lệ giảm dần trong khoảng 150 năm. Giao thức là đoạn mã chương trình (code) cho phép tạo ra nhiều tài khoản, giao dịch chuyển giao và “hợp đồng thông minh”. Tiền ảo được quản lý bởi đoạn mã phần mềm.
Lý do số người sử dụng tiền mã hóa có xu hướng tăng hiện nay, theo ông Leonhard A. Weese, Chủ tịch Hiệp hội bitcoin Hồng Công, trước hết là do hoạt động đầu cơ của một số nhà đầu tư (NĐT), họ kỳ vọng tiền mã hóa có thể trở thành đồng tiền quốc tế và có giá trị ngày càng tăng.
Có tổ chức, cá nhân sử dụng tiền mã hóa để lưu trữ giá trị tài sản, bởi đó là lựa chọn tốt hơn trong một quốc gia độ lạm phát cao bất thường, hoặc khó khăn khi dùng các phương tiện thanh toán khác để giao dịch. Tiền mã hóa cũng còn là phương tiện trao đổi (thanh toán trực tuyến, thanh toán quốc tế) dành cho các chuyên gia công nghệ, giới trẻ, nhóm yếu thế, giới trẻ, công dân toàn cầu.
“Trên thế giới tại một số quốc gia đang có chiến tranh, bị cấm vận, hoặc hệ thống NH chưa phát triển, những chuyên gia, nghệ sĩ... làm việc tự do trên mạng, cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho toàn cầu, nhưng việc nhận thù lao qua hệ thống NH rất khó khăn, nên họ chấp nhận thanh toán bằng bitcoin, rồi bán đi lấy tiền mặt chi tiêu” - ông Leonhard A. Weese phân tích và cho biết, trên thế giới hiện có đến 2 tỷ người không có tài khoản NH.
3 tỷ người chưa được sử dụng dịch vụ NH (thanh toán quốc tế, thanh toán trực tuyến, nhận thanh toán) đầy đủ, nên tiền mã hóa có thể coi như tiền mặt điện tử (electronic cash) để đáp ứng nhu cầu của nhóm người này.
Ứng xử của các quốc gia với tiền ảo
Nhìn chung, các quốc gia hiện vẫn chưa đạt tới sự đồng thuận về tính pháp lý, cách thức đối xử, cơ chế quản lý giám sát bitcoin và tiền ảo tương tự sao cho hiệu quả, tránh gây bất ổn đến thị trường tài chính. Trong khi đó, Nhật Bản và Hàn Quốc coi tiền ảo là phương tiện thanh toán (means of payment), thì Nga, Ấn Độ, Bangladesh, Bolivia, Ecuador cấm không được sử dụng tiền ảo trên lãnh thổ quốc gia mình.
Ở Mỹ tùy quan điểm từng bang, thậm chí từng bộ, ngành coi tiền mã hóa là phương tiện thanh toán hoặc tài sản, hàng hóa, chứng khoán. Hồng Công coi tiền mã hóa là hàng hóa ảo (virtual commodity).
Còn Việt Nam, quan điểm của NHNN từ lần ra thông cáo báo chí đầu tiên liên quan đến bitcoin và các loại tiền ảo tương tự vào tháng 2-2014, đến cuối tháng 10-2017 và cho đến nay vẫn không công nhận bitcoin và các đồng tiền ảo khác là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam, cấm các TCTD, tổ chức trung gian thanh toán không được thực hiện các giao dịch cung ứng dịch vụ thanh toán, giao dịch thẻ, cấp tín dụng qua thẻ , hỗ trợ xử lý thanh toán, chuyển tiền, bù trừ và quyết toán, chuyển đổi tiền tệ, thực hiện giao dịch thanh toán, chuyển tiền qua biên giới liên quan đến giao dịch tiền ảo cho khách hàng do có thể phát sinh những rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố, gian lận, trốn thuế.
Có nhiều rủi ro cho các quốc gia, tổ chức, cá nhân khi đối mặt với tiền mã hóa, đó là không quen với các giao dịch đảo ngược so với giao dịch truyền thống; dao động rất lớn về giá trị (có thể từ đỉnh xấp xỉ 20.000USD giảm về quanh 4.000USD/bitcoin); khó lần theo và thu hồi các khoản tiền bị đánh cắp; an ninh mạng chưa có lời giải; hầu hết các tiền mã hóa chưa được phân quyền hay chưa được bảo mật; khung pháp lý hiện nay trên toàn thế giới không tương tích với tiền mã hóa...
Theo đại diện Vụ Thanh toán của NHNN, đến nay bitcoin và các đồng tiền mã hóa nhìn chung “thất bại” trong việc trở thành phương tiện thanh toán, có khả năng thách thức các đồng tiền quốc gia, mạng thanh toán hiện hành vì xử lý giao dịch trở nên chậm chạp, không ổn định như đa số các đồng tiền quốc gia, rất ít tổ chức hạch toán, kế toán, lập báo cáo tài chính quy đổi theo tiền ảo… Và hiện nay chỉ mang bản chất của một loại tài sản/công cụ đầu cơ tài chính nhiều hơn.
Song theo ông Leonhard A. Weese, “quan niệm đầu tư vào bitcoin cũng như đầu tư các đồng tiền mã hóa khác có rất nhiều hệ lụy rủi ro. Nếu bạn không phải NĐT chuyên nghiệp không nên làm. Còn đào tiền mã hóa cũng không có lời, bởi giá điện ngày càng đắt.
Đặc biệt, mọi người nên tránh bị lôi kéo vào các nhóm kêu gọi góp vốn đào tiền ảo trên mạng, rất dễ bị lừa đảo. Nếu bạn quyết định đầu tư vào một đồng tiền nào đó phải cân nhắc kỹ dự án, gắn với một sản phẩm nào đó của một công ty uy tín, không nên đầu cơ”.