Tiến thoái lưỡng nan

(ĐTTCO)-Các diễn biến mới nhất liên quan đến Triều Tiên như việc hai tổng thống Hàn Quốc và Mỹ thống nhất phải tiếp tục thúc đẩy đối thoại với Triều Tiên; tuyên bố của nhà lãnh đạo Triều Tiên và Tổng thống Mỹ về khả năng có thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 3 đã cho thấy Mỹ - Triều Tiên - Hàn Quốc vẫn mong muốn duy trì và thúc đẩy đối thoại.
Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên trong cuộc hội đàm mở rộng ngày 28-2
Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên trong cuộc hội đàm mở rộng ngày 28-2

 Dù xuất hiện rất nhiều phát ngôn cứng rắn sau thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2, nhưng 3 nước vẫn giữ thái độ cởi mở và lạc quan đối với việc khởi động lại đối thoại.

Tuy nhiên, việc không tìm được tiếng nói chung tại thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 cũng đã làm gia tăng trở ngại cho việc tiếp tục đàm phán. Bình Nhưỡng và Washington đều chỉ trích lẫn nhau về cuộc gặp này và thực hiện biện pháp cứng rắn để cảnh báo đối phương, muốn duy trì hợp tác thì bên kia phải đưa ra nhượng bộ.

Hai bên đều muốn thử áp dụng chính sách táo bạo hơn để khiến cho đối phương hiểu được hậu quả nghiêm trọng nếu không nhượng bộ, nhưng chính sách cứng rắn khiến cho việc nhượng bộ lẫn nhau càng khó thực hiện.

Điều này đẩy Mỹ - Triều Tiên - Hàn Quốc vào thế tiến thoái lưỡng nan khi rất khó tiến lên phía trước nhưng đồng thời cũng cố gắng tránh quá kích động đối phương, tránh quay lại con đường cũ đối kháng với nhau.

Khó khăn trong quá trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên xuất phát từ mục tiêu khác nhau mà các bên liên quan theo đuổi. Triều Tiên thì cần được dỡ bỏ trừng phạt, mối quan tâm lớn nhất của Bình Nhưỡng tại thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2, để phát triển kinh tế trong nước.

Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump muốn thực hiện ít nhất 3 mục tiêu. Một là, không thể ngồi nhìn mọi nỗ lực biến thành bong bóng khi mà ông Donald Trump đã đầu tư rất nhiều thời gian để gây dựng mối quan hệ với ông Kim Jong-un.

Hai là, chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020, ông Donald Trump cần ổn định tình hình bán đảo Triều Tiên, không để nảy sinh rối ren tránh mất điểm.

Ba là, dựa vào vấn đề này để thúc đẩy quan hệ Mỹ - Hàn Quốc và Mỹ - Nhật Bản. Còn với Hàn Quốc, một mặt, Tổng thống Moon Jae-in đã “đặt cược sinh mệnh chính trị” vào việc giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Mặt khác, sức ép trong nước buộc ông Moon Jae-in phải vượt qua các thách thức. Thống kê của Công ty thăm dò dư luận Hàn Quốc (Realmeter) công bố ngày 18-3 cho thấy tỷ lệ ủng hộ hoạt động hành pháp của Tổng thống Moon Jae-in đã giảm xuống còn 44,9%, mức thấp nhất kể từ khi lên cầm quyền, mà nguyên nhân chủ yếu là do tình hình bán đảo Triều Tiên xấu đi sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2.

Theo giới quan sát, Mỹ - Triều Tiên - Hàn Quốc đang nỗ lực tìm cách thoát khỏi thế tiến thoái lưỡng nan. Ba nước đang tăng cường hợp tác với Trung Quốc, Nga và Nhật Bản, nhất là với Nga. Việc nhấn mạnh vai trò của Trung Quốc, Nhật Bản và Nga đã cho thấy rõ sự bế tắc trong thúc đẩy đối thoại.

Triều Tiên, Mỹ và Hàn Quốc tuy mong muốn duy trì đối thoại nhưng lập trường cứng rắn của các bên đã làm thu hẹp không gian khởi động lại đối thoại nên cần có sự tham gia của các nước liên quan có ảnh hưởng. Ngoài ra, các bên cũng đang nghiên cứu tính khả thi của giải pháp “khôi phục tức thì”.

Theo đó, trước tiên dỡ bỏ trừng phạt đối với Triều Tiên, nhưng nếu nước này vi phạm hiệp định thì lập tức khôi phục biện pháp trừng phạt. Giải pháp này đã từng được đề cập trong thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2.

Các tin khác