Tiền túi của tỷ phú Hứa Gia Ấn có thể giúp China Evergrande trả nợ?

(ĐTTCO) - Tỷ phú Hứa Gia Ấn nhận hơn 7 tỷ USD cổ tức kể từ khi China Evergrande chào sàn Hong Kong. Câu hỏi đặt ra là tiền của ông được cất ở đâu.

Tỷ phú Hứa Gia Ấn - nhà sáng lập China Evergrande - từng là doanh nhân giàu có nhất Trung Quốc. Giờ, ông đứng trước nguy cơ mất tất cả. Tập đoàn bất động sản của ông Hứa đã lún sâu trong hố bom nợ nần hơn 300 tỷ USD.

Các quan chức Bắc Kinh yêu cầu tỷ phú Hứa Gia Ấn - nhà sáng lập China Evergrande - bỏ tiền túi để trả một phần khoản nợ hơn 300 tỷ USD của tập đoàn bất động sản này.

Theo nguồn tin của Bloomberg, chính quyền Bắc Kinh đưa ra yêu cầu trên sau khi China Evergrande lần đầu thất bại trong việc thanh toán lãi trái phiếu coupon bằng đồng USD.

Câu hỏi được đặt ra là ông Hứa đang sở hữu bao nhiêu tiền và số tiền này chiếm bao nhiêu phần trong số khoản tiền phải trả khổng lồ của tập đoàn bất động sản.

Khủng hoảng nợ ảnh 1

Các quan chức Bắc Kinh yêu cầu tỷ phú Hứa Gia Ấn bỏ tiền túi để trả một phần khoản nợ hơn 300 tỷ USD của China Evergrande. Ảnh: Reuters.

Hàng tỷ USD cổ tức

Theo ước tính của Bloomberg Billionaires Index, giá trị tài sản ròng của ông Hứa đã giảm từ mức đỉnh 42 tỷ USD hồi năm 2017 xuống còn khoảng 7,8 tỷ USD.

Cổ phần của ông Hứa tại China Evergrande giảm giá trị hơn 80% trong năm nay. Nhưng ông đã nhận hơn 7 tỷ USD cổ tức kể từ khi công ty niêm yết trên sàn Hong Kong hồi năm 2009, nhiều nhất trong số 82 tỷ phú Trung Quốc được Bloomberg tổng hợp.

Câu hỏi đặt ra là tài sản cá nhân của ông Hứa được cất giữ ở đâu. Đó sẽ là lời giải đáp cho việc liệu China Evergrande có thể tiếp tục trả nợ trong tương lai gần hay không.

China Evergrande vừa thoát khỏi bờ vực vỡ nợ trong gang tấc. Hôm 22/10, China Evergrande đã trả 83,5 triệu USD lãi trái phiếu coupon ngay trước khi hết thời gian ân hạn ngày 23/10. Không rõ nguồn tiền đến từ đâu.

Theo Reuters, ông Hứa đã đồng ý bỏ tiền túi vào dự án khu dân cư có ràng buộc với một trái phiếu nhằm đảm bảo thanh toán cho các trái chủ. Nhưng China Evergrande vẫn phải đối mặt với một khoản thanh toán khác vào ngày 29/10. Năm 2022, khoảng 7,4 tỷ USD trái phiếu trong và ngoài nước của tập đoàn sẽ đáo hạn.

Khủng hoảng nợ ảnh 2

China Evergrande từng là nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc. Năm 2017, ông Hứa trở thành tỷ phú giàu nhất Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

China Evergrande đang cố gắng bán tài sản, chẳng hạn cổ phần trong đơn vị xe điện và công ty quản lý tài sản của tập đoàn. Tuy nhiên, quá trình này vẫn chưa có nhiều tiến triển.

Hồi đầu tháng, ông Hứa đã thế chấp 500 triệu cổ phiếu China Evergrande - tương đương 5% cổ phần tại tập đoàn - cho một tổ chức, nhưng không phải ngân hàng hay công ty tài chính. Một trong các cộng sự của ông sau đó đã thế chấp một ngôi nhà ở Hong Kong ước tính trị giá 38,6 triệu USD.

Ông Hứa đã tích lũy tài sản thông qua các công ty con của China Evergrande hoặc những công ty vỏ bọc ở nước ngoài. Đó là chiến thuật phổ biến của giới nhà giàu nhằm tránh sự giám sát của các chủ nợ, cơ quan thuế và công chúng.

Cuộc sống xa hoa

Ông Hứa cũng là một trong những đại gia châu Á xuất hiện trong Hồ sơ Panama vào năm 2016. Nhà sáng lập China Evergrande và vợ kiểm soát 77% cổ phần tại China Evergrande, hầu hết thông qua một công ty ở Quần đảo Virgin. Năm 2014, ông mua một biệt thự trị giá 30 triệu USD ở Sydney bằng cách sử dụng một loạt công ty vỏ bọc.

Ông Hứa và các tỷ phú tại Trung Quốc đã lọt vào tầm ngắm khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đẩy mạnh chiến dịch "thịnh vượng chung". Ông Hứa sinh ra tại một ngôi làng nhỏ ở thị trấn Gaoxian, tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc. Ông lớn lên trong vòng tay chăm sóc của bà nội.

Mẹ của ông Hứa qua đời vì căn bệnh ung thư khi ông chưa tròn 1 tuổi. Ông Hứa từng học luyện kim ở Viện Gang thép Vũ Hán, trước khi tìm việc làm tại nhà máy thép địa phương.

Năm 1987, một chính sách đã được ra đời theo yêu cầu cải cách của nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình. Chính quyền Thâm Quyến lần đầu bán quyền sử dụng đất cho một doanh nghiệp quốc doanh, tạo tiền đề cho việc sử dụng đất công làm nhà ở.

Tôi tin rằng China Evergrande có thể bước ra khỏi thời khắc đen tối nhất nhờ nỗ lực của ban lãnh đạo và nhân viên

Tỷ phú Hứa Gia Ấn, nhà sáng lập China Evergrande

Một năm sau động thái tiên phong của Thâm Quyến, Trung Quốc ban hành một luật quốc gia, chính thức xác định khái niệm nhà ở thuộc sở hữu tư nhân. Năm 1992, ông Hứa từ bỏ công việc tại nhà máy thép để đến miền nam Trung Quốc. Đây cũng là nơi ông bắt đầu công việc kinh doanh đầu tiên.

Bốn năm sau, ông Hứa đặt dấu mốc quan trọng đầu tiên trong sự nghiệp khi thành lập China Evergrande tại Quảng Châu. Tập đoàn đã bắt đầu xây dựng các căn chung cư cao tầng và bán cho người mua.

Năm 2017, khi tròn 21 tuổi, China Evergrande trở thành tập đoàn bất động sản lớn nhất thế giới tính theo doanh thu. Ông Hứa là tỷ phú giàu nhất Trung Quốc với khối tài sản ước tính khoảng 42 tỷ USD. China Evergrande cũng mua một đội bóng và chi bộn tiền để chiêu mộ các cầu thủ quốc tế. Ông Hứa còn tham vọng đánh chiếm thị trường xe điện.

Ông cũng là thành viên của Ủy ban Hiệp thương Chính trị, tư vấn về các chính sách cho chính phủ. Tập đoàn của ông Hứa tạo ra hàng triệu việc làm và trả hàng tỷ NDT tiền thuế.

Forbes xếp ông là nhà từ thiện hàng đầu của Trung Quốc. Nhà sáng lập China Evergrande được vinh danh là một trong 100 doanh nhân xuất sắc của quốc gia vào năm 2018.

Ông Desmond Shum - tác giả của Red Roulette - từng mô tả về chuyến mua sắm xa hoa của ông Hứa và quan chức Trung Quốc trên chiếc siêu du thuyền ngoài khơi bờ biển phía nam nước Pháp. Đó là một "cung điện nổi với rượu và đồ ăn". Ông Hứa cũng mua hai chiếc nhẫn với giá 1 triệu USD.

Dù thời thế đã thay đổi, nhà sáng lập China Evergrande vẫn thể hiện niềm hy vọng vào tương lai trong một lá thư gửi nhân viên.

“Tôi tin rằng China Evergrande có thể bước ra khỏi thời khắc đen tối nhất nhờ nỗ lực của ban lãnh đạo và nhân viên", ông viết. “Chúng ta sẽ giữ vững tinh thần đương đầu với mọi khó khăn, cố gắng để hoàn thành tốt trách nhiệm xã hội của mình", ông nhấn mạnh.

Các tin khác