Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam vừa tiếp tục có công văn số 168/HHNH-PLNV gửi tới Bộ Thông tin và Truyền thông về việc đề nghị giảm cước tin nhắn đối với các dịch vụ tài chính-ngân hàng.
Trước đó, ngày 9/4, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã có văn bản đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông giảm cước tin nhắn (SMS) đối với các dịch vụ tài chính-ngân hàng và ngày 14/5/2020 tiếp tục có ý kiến trực tiếp tại cuộc họp giữa Cục Viễn thông, các doanh nghiệp viễn thông di động và một số ngân hàng thương mại.
Tiếp theo, ngày 17/6, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã có công văn gửi tới Bộ Thông tin và Truyền thông về nội dung này.
Tuy nhiên, cho đến nay, hiệp hội vẫn chưa nhận được thông tin kết quả xử lý của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như các doanh nghiệp viễn thông di động chưa có động thái giải quyết yêu cầu của các ngân hàng.
Đây là lần thứ 3 trong vòng hơn 3 tháng, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam có công văn đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông điều chỉnh giảm giá cước tin nhắn.
Theo thông tin từ các ngân hàng, thực tế, một ngân hàng miễn phí cho khách hàng đang phải chi trả và chịu lỗ chi phí tin nhắn bình quân là 1.640 đồng/giao dịch thanh toán. Bình quân mỗi khách hàng có từ 15-20 giao dịch/tháng, tương đương 25-30 tin nhắn/tháng, thì mức chi cho phí SMS khoảng 20.000-25.000 đồng/tháng (trong khi ngân hàng chỉ thu tối đa của khách hàng là 11.000 đồng/tháng).
Giá cước tin nhắn mà các doanh nghiệp viễn thông đang áp dụng đối với ngân hàng cao gấp 3 lần so với tin nhắn thông thường.
“Hàng tháng, một ngân hàng quy mô nhỏ phát sinh khoảng 9-11 triệu tin nhắn/tháng phải trả doanh nghiệp viễn thông từ 7,5-9 tỷ đồng/tháng,” công văn của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nêu rõ.
Trên cơ sở đó, Hiệp hội Ngân hàng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông khẩn trương thực hiện điều chỉnh giảm giá cước tin nhắn đối với các dịch vụ tài chính ngân hàng; sớm thông báo kết quả xử lý về Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, để đáp ứng yêu cầu các tổ chức ngân hàng-tài chính trong điều kiện hiện nay.