Tiểu thương buôn bán ế ẩm
Chị Nguyễn Phương, một tiểu thương tại An Đông Plaza cho biết, tình hình kinh doanh gần đây rất khó khăn, có những lúc 3 ngày không bán được hàng, cuối tháng phải tìm cách xoay sở để đóng phí thuê sạp. Nay giá thuê quầy sạp lại tăng nên có thể chị sẽ không trả được tiền hàng. Chị Phương mong muốn công ty giảm giá thuê quầy sạp cho tiểu thương để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
“Tình hình khó khăn ế ẩm, hàng hóa tồn mà giá thuê sạp cao nên tiểu thương không có khả năng đóng phí mới xin giảm giá. Tiểu thương muốn Ban quản lý chợ An Đông giảm giá thuê cho các tiểu thương ở chợ”, chị Phương nói.
Bà Diễm, một tiểu thương ở đây cũng cho rằng: “Tăng giá mà không có khách đi mua nên người ta trụ không nổi. Ở An Đông Plaza giá rất cao, so với An Đông 1 thì cao gấp 3, gấp 4 lần. An Đông 1 mỗi tháng có vài triệu thì bên đây 1 tháng mấy chục triệu. Nên người ta lỗ, không chịu nổi, tạm thời rút lui coi tình hình sao. Nếu người ta giảm giá thỏa đáng thì mình vẫn tiếp tục làm việc”.
Chính sách cho thuê thay đổi nên tiểu thương càng khó
An Đông Plaza hiện có 1.200 quầy sạp cho thuê. Trong đó, gần 300 quầy sạp hết hạn hợp đồng thuê vào tháng 3 và tháng 4 này. Chủ đầu tư thông báo, các quầy sạp hết hợp đồng và ký lại thì chuyển từ hợp đồng cho thuê 5 năm trả tiền 1 lần sang 1 năm và 6 tháng trả tiền 1 lần.
An Đông Plaza ngày càng ế ẩm, ít khách ra vào, các tiểu thương lần lượt đóng cửa, gói hàng rồi dần dọn đi (Ảnh: Hoàng Minh)
Theo nhiều tiểu thương, chính sách này gây khó cho họ. Trước đây, tiểu thương thuê 5 năm trả tiền 1 lần thì sẽ được giảm giá 25%. Còn giờ thuê 1 năm trả tiền 1 lần thì chỉ được giảm 10% và hiện công ty đã đồng ý điều chỉnh giảm 20% sau nhiều lần tiểu thương kiến nghị.
Nhưng với tình hình kinh doanh đang khó khăn, ế ẩm như hiện nay thì nhiều tiểu thương cũng chưa đồng ý với mức giảm 20% tiền thuê mặt bằng.
Nhiều quầy sạp đóng cửa để phản đối giá cho thuê của công ty (Ảnh: Hoàng Minh)
Bà Trần Thị Thanh Thúy, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư An Đông giải thích, công ty phải chuyển hợp đồng từ 5 năm sang 1 năm vì quy định hiện nay không cho doanh nghiệp ký hợp đồng cho thuê 5 năm. Công ty đã đồng ý giảm giá nhiều, nhưng tiểu thương vẫn tiếp tục đề nghị giảm tiếp như thời điểm dịch bệnh, là rất khó. Những kiến nghị của tiểu thương sẽ được báo lên Hội đồng quản trị của công ty nhưng hội đồng này hiện chỉ còn 2 người (do có một số người liên quan đến vụ án Công ty Vạn Thịnh Phát vừa qua) nên càng khó quyết định.
Nhiều sạp hàng đã đóng cửa, trả mặt bằng (Ảnh: Hoàng Minh)
“Tất cả kiến nghị này chúng tôi sẽ trình lên Hội đồng quản trị để quyết định. Tiểu thương đòi giảm giá nhiều quá thì rất khó. Ví dụ như có người yêu cầu phải giảm giá 55% giá thuê, có người đề nghị miễn phí năm 2023, sang năm 2024 thì giảm giá 30%. Có người đề nghị giá cho thuê đó không chỉ 1 năm mà kéo dài 5 năm”, bà Trần Thị Thanh Thúy cho biết.
Nhiều ngày trước đây, rất đông tiểu thương, nhân viên bán hàng đóng cửa quầy sạp, tập trung trước cổng An Đông Plaza phản đối chính sách mới về cho thuê quầy sạp. Điều này ảnh hưởng đến an ninh trật tự và việc buôn bán của nhiều tiểu thương khác ở đây.
Những quầy sạp còn mở cửa hoạt động cũng vắng khách (Ảnh: Hoàng Minh)
Trước sự việc này, Phòng Kinh tế Quận 5 đã tuyên truyền, vận động tiểu thương nên giải quyết bằng cách thương thảo với nhau.
“Chúng tôi cũng tuyên truyền, vận động các thương nhân vì việc tụ tập của họ ở phía trước trung tâm thương mại như vậy là không đúng quy định và không giải quyết được vấn đề gì. Chúng tôi liên hệ với An Đông Plaza đề nghị họ bố trí chỗ để tiếp xúc với thương nhân, rồi thương thảo. Chúng tôi tạo điều kiện để 2 bên gặp nhau thống nhất với nhau giá cho thuê. Giá cho thuê thì không tăng, nhưng chính sách công ty giảm như thế nào cho phù hợp 2 bên”, ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng Phòng Kinh tế Quận 5 thông tin.
Nhiều cửa hàng dán địa chỉ mới để tránh mất khách cũ (Ảnh: Hoàng Minh)
Thực tế, cả tiểu thương kinh doanh và chủ đầu tư An Đông Plaza đều đang khó khăn nên càng cần ngồi lại với nhau bàn bạc, thương thảo, đảm bảo lợi ích để cả hai bên có thể tiếp tục kinh doanh.