Tìm đầu ra cho công nghiệp hỗ trợ

Hôm qua 11-5, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO) đã mở Trung tâm Lập quan hệ đối tác và phát triển thầu phụ công nghiệp (SPX Việt Nam).

Hôm qua 11-5, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO) đã mở Trung tâm Lập quan hệ đối tác và phát triển thầu phụ công nghiệp (SPX Việt Nam).

SPX Việt Nam sẽ giúp phát triển năng lực thầu phụ công nghiệp cho các DN nhỏ và vừa trong nước để đáp ứng cho các DN lớn trong và ngoài nước có nhu cầu. Theo lộ trình hội nhập, đến năm 2015 nước ta sẽ tham gia đầy đủ Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA). Chính vì vậy, nếu không có năng lực cạnh tranh quốc tế mạnh mẽ, công nghiệp chế tạo của Việt Nam sẽ bị suy thoái do sản phẩm công nghiệp nhập khẩu tăng.

Đáng lo ngại hơn, trong bối cảnh hiện nay, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam còn rất yếu kém, lệ thuộc đến gần 80% vào nguồn nguyên liệu, phụ tùng, linh kiện nhập khẩu bên ngoài. Do đó, theo VCCI, SPX Việt Nam hướng tới các công ty công nghiệp chế tạo và đặc biệt là nhóm ngành có tiềm năng lớn về thầu phụ công nghiệp. Các nhóm ngành ban đầu được lựa chọn gồm cơ khí, nhựa và cao su công nghiệp, điện - điện tử và năng lượng. Bước đầu, SPX Việt Nam đã xây dựng 301 bộ hồ sơ năng lực của các DN cung ứng trong nước, tập trung ở một số tỉnh, thành phố phía Bắc như Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình… Trong thời gian tới, SPX Việt Nam sẽ mở rộng hoạt động tại miền Trung và miền Nam. SPX Việt Nam dự kiến đến cuối tháng 9-2011 sẽ tiếp tục hoàn thành thêm 180 bộ hồ sơ năng lực của các DN cung ứng.

SPX Việt Nam là một hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Hệ thống theo dõi đầu tư và phát triển nhà cung cấp tại Việt Nam”. Theo ông Nguyễn Văn Nội, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), mục tiêu dài hạn của dự án là tăng cường năng lực sản xuất và nâng cao sức cạnh tranh của khu vực tư nhân nhằm chủ động hội nhập vào các dòng thương mại và đầu tư quốc tế, tăng thêm của cải vật chất. Mục tiêu cụ thể là quản lý tốt hơn luồng vốn và nâng cao chất lượng đầu tư vào các ngành sản xuất cũng như tăng khả năng kết nối toàn cầu, tăng khả năng cạnh tranh của DN. Cục Đầu tư nước ngoài đã điều tra 1.500 DN công nghiệp trong nước và nước ngoài nhằm xây dựng dữ liệu ban đầu cho hệ thống theo dõi đầu tư.

Hoạt động tiếp theo của SPX Việt Nam là liên kết các DN mua với các DN cung cấp. Ngoài ra, sẽ hỗ trợ nhiều DN đã lập hồ sơ năng lực từng bước phát triển, nâng cao hơn nữa năng lực kỹ thuật và quản lý, trở thành những nhà cung cấp, nhà thầu phụ có tính cạnh tranh cao hơn đối với các DN mua lớn. Đây được coi là nét độc đáo của SPX Việt Nam so với các chương trình phát triển thầu phụ khác đã được thực hiện tại Việt Nam.

Theo ông Đinh Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ DN nhỏ và vừa, chuyên gia SPX Việt Nam, những DN lớn, nhà lắp ráp sẽ có nhiều lợi ích từ SPX Việt Nam khi được hỗ trợ tìm nhà cung ứng phù hợp; được mời tham gia các cuộc chắp mối kinh doanh với các nhà cung ứng đã được chọn lọc; được tiếp cận một cơ sở dữ liệu tin cậy và khổng lồ về các nhà cung ứng địa phương. Còn nhà cung ứng và DN nhỏ và vừa sẽ được lợi khi được VCCI xúc tiến, giới thiệu với các DN khách hàng chính; xác định được những khách hàng mới; được đánh giá khách quan tình hình DN của mình so với các DN trong cùng ngành; được hỗ trợ nâng cao năng lực, kỹ năng để đáp ứng nhu cầu của các DN lớn.

Các tin khác