Theo nhóm nghiên cứu, kiệt sức nghề nghiệp hay hội chứng Burnout là phản ứng tâm lý kéo dài của những cá nhân làm công việc liên quan đến con người. Kiệt sức nghề nghiệp gồm 3 khía cạnh: kiệt sức tinh thần, thái độ tiêu cực, và giảm hiệu năng. Đặc biệt, kiệt sức nghề nghiệp là phản ứng bình thường đối với stress, nhưng bao gồm nhiều triệu chứng phức tạp và đa dạng, làm khó khăn cho việc nhận diện và xử lý.
Tại Hoa Kỳ, nghiên cứu của Lisa S. Rotenstein và cộng sự (năm 2018) cho thấy tỷ lệ kiệt sức của các bác sĩ đạt 67% về tổng thể, 72% về cảm xúc, 68% về mất nhân cách, và 63% về thành tích cá nhân thấp.
Nghiên cứu tại Trung Quốc của Hui Wu và cộng sự (năm 2013) trên 1.618 bác sĩ cho thấy, điểm số kiệt sức cảm xúc trung bình là 11,46, thái độ tiêu cực 6,93, và giảm thành tích cá nhân 24,07.
Ở Việt Nam, các nghiên cứu cũng chỉ ra tình trạng kiệt sức nghề nghiệp cao trong nhân viên y tế. Tuy nhiên, hiện nay chưa có nghiên cứu nào tại tỉnh Sóc Trăng về kiệt sức nghề nghiệp.
BS.CKII. Chung Tấn Định, Giám đốc Bệnh viện chuyên khoa Sản - Nhi tỉnh Sóc Trăng, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu, cho biết: Trong bối cảnh xã hội phát triển nhanh, stress nghề nghiệp trong nhân viên y tế trở nên ngày càng phổ biến. Việc nghiên cứu vấn đề này để xây dựng kế hoạch ngăn chặn là cần thiết, giúp củng cố tinh thần cho nhân viên y tế.
Qua khảo sát tại Sóc Trăng, nhóm nghiên cứu đặt ra các mục tiêu cụ thể như: Xác định tỷ lệ kiệt sức nghề nghiệp của nhân viên y tế khối hồi sức và cấp cứu tại các bệnh viện và trung tâm y tế công lập tại Sóc Trăng; Xác định các yếu tố liên quan đến kiệt sức nghề nghiệp của nhân viên y tế khối hồi sức và cấp cứu tại địa phương; Đề xuất các giải pháp cải thiện kiệt sức nghề nghiệp cho nhân viên y tế.
Những giải pháp sẽ được thử nghiệm tại Bệnh viện Chuyên khoa Sản Nhi tỉnh Sóc Trăng để đánh giá hiệu quả ban đầu, sau đó sẽ áp dụng rộng rãi tại các cơ sở y tế công lập trên toàn tỉnh Sóc Trăng. Việc này không chỉ giữ chân nguồn lực quan trọng, mà còn cải thiện chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân.
BS.CKII. Chung Tấn Định nhấn mạnh: “Việc giảm thiểu stress nghề nghiệp là cách hiệu quả để cải thiện các vấn đề phát sinh khi làm việc, đồng thời hướng tới sự hài lòng của bệnh nhân và nâng cao hiệu quả công tác khám chữa bệnh. Đây cũng là yếu tố thúc đẩy phát triển kinh tế không chỉ của đơn vị y tế mà còn của cả tỉnh Sóc Trăng”.
Kiệt sức nghề nghiệp là một vấn đề nghiêm trọng cần được quan tâm và giải quyết. Qua các nghiên cứu và giải pháp đưa ra, hy vọng rằng nhân viên y tế tại Sóc Trăng sẽ có một môi trường làm việc tốt hơn, giảm thiểu stress và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho cộng đồng.