Tìm giải pháp nâng cao chuỗi giá trị cây dừa

(ĐTTCO) - Trồng dừa không chỉ là ngành nông nghiệp mà khai thác các sản phẩm từ dừa còn là một ngành công nghiệp quan trọng của thế giới. 

Tìm giải pháp nâng cao chuỗi giá trị cây dừa

Chiều 13-12, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (Hội DN HVNCLC) phối hợp cùng Câu lạc bộ Doanh nhân Bến Tre tại TPHCM (HBBC) tổ chức tọa đàm: “Nâng cao chuỗi giá trị dừa trong xu hướng xanh hóa nền kinh tế”.

Là một trong những hoạt động quan trọng thuộc chuỗi sự kiện tiền Mekong Connect 2024, tọa đàm không chỉ mang ý nghĩa khởi động mà còn là hành động cụ thể, khẳng định quyết tâm thực hiện các sáng kiến xanh hóa, phát triển bền vững trong lĩnh vực kinh tế vùng ĐBSCL.

Phát biểu đề dẫn, ông Nguyễn Phạm Hà Minh, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) cũng cho rằng, tài nguyên bản địa là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam.

“Chúng ta không có năng lực sản xuất như Trung Quốc, cũng không cạnh tranh bằng giá rẻ. Vậy chúng ta phải có cái gì mà Trung Quốc không thể bắt chước, không thể làm theo được, đó chính là tài nguyên bản địa. Đó là dựa vào những sản phẩm chỉ nuôi, trồng, phát triển ở Việt Nam. Thành công của trái sầu riêng thời gian qua là một minh chứng”, ông Minh nói.

Nói về câu chuyện dừa, TS Huỳnh Kỳ Trân, Chủ nhiệm HBBC đã nêu ra nhiều vấn đề để nâng cao giá trị của ngành dừa. Theo đó, phải tìm cách phát triển các sản phẩm chế biến sâu từ trái dừa. Nghiên cứu và tìm cách khai thác các giá trị dược liệu từ trái dừa từ những kinh nghiệm và kiến thức bản địa, tạo ra một nét đặc sắc không đâu có từ trái dừa Bến Tre.

Tại tọa đàm, phân tích về những đổi mới và tác động của công nghệ đối với các sản phẩm nông nghiệp nói chung và cây dừa nói riêng, TS. Lê Hoài Quốc, Chủ tịch Hội Tự động hóa TPHCM, cho rằng chúng ta đã có những bước tiến vững chắc trong công nghệ chế biến sâu các sản phẩm từ cây dừa, mỹ phẩm, thực phẩm và dược phẩm.

Theo TS. Quốc, trồng dừa không chỉ là ngành nông nghiệp mà khai thác các sản phẩm từ dừa còn là một ngành công nghiệp quan trọng của thế giới. Nhưng cũng như mọi ngành công nghiệp khác, ngành công nghiệp khai thác, chế biến dừa cũng phải thích ứng với những bối cảnh mới của công nghệ và môi trường.

Ở góc độ của DN xuất khẩu, ông Nguyễn Phong Phú, Phó Giám đốc kỹ thuật Tập đoàn Vina T&T, nhấn mạnh Việt Nam có thuận lợi về vùng trồng với sản lượng cao và ổn đinh, cùng đó là nằm ở trung tâm một khu vực thị trường lớn. Chưa kể, những thuận lợi về cảng biển và kể cả đường bộ với những kho hàng lớn.

Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất của trái dừa Việt Nam. Trung Quốc hiện chỉ mua dừa tươi số lượng nhỏ, nhưng dừa khô, sữa dừa thì họ nhập rất lớn. Một doanh nghiệp Trung Quốc có thể mua 5-10 công nước sữa dừa, 1 container nước sữa dừa tương đương 100.000 trái dừa tươi, tức là số lượng rất lớn.

Song cũng khó những khó khăn khi xuất khẩu dừa. Cụ thể, ông Phú nhắc đến một số vấn đề như dừa rất khó trong bảo quản, trong quá trình vận chuyển với trái dừa khô, nhất là những đơn vị xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ. Yêu cầu bảo quản nghiêm ngặt về bảo quản trong quá trình vận chuyển đường dài.

Tiếp đến là các tiêu chuẩn chất lượng, nghiêm ngặt đến từ các thị trường châu Âu và Mỹ, cũng như mã số vùng trồng với thị trường Trung Quốc. Tình trạng mua bán mã số vùng trồng trong ngành dừa và nông sản xuất khẩu đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và khả năng cạnh tranh của Việt Nam trên thi trường quốc tế, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp hoặc cá nhân đã thực hiện các hành vi gian lận như bán hoặc cho thuê mã số vùng trồng, gia lận nguồn gốc sản phẩm. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực làm mất uy tín quốc gia, vi phạm trong mã số vùng trồng có thể dẫn đến việc các nước nhập khẩu đặc biệt là Trung Quốc siết chặt kiểm soát, thậm chí đình chỉ nhập khẩu từ Việt Nam.

Chia sẻ thêm tại toạ đàm lần này, ông Nguyễn Huy, Giám đốc Dịch vụ đảm bảo kinh doanh và thực phẩm, Công ty Tiêu chuẩn toàn cầu INTERTEK, cho rằng để có thể xuất khẩu bền vững thì cần những doanh nghiệp dẫn đầu để kết nối các hợp tác xã, người nông dân. Để làm được điều đó thì phải giải quyết hai thách thức chuyển đổi xanh, chuyển đổi số là bắt buộc. Sản phẩm dừa phải đáp ứng được các tiêu chuẩn trên toàn cầu, từ việc theo dõi vùng trồng đến nhà máy chế biến.

Các tin khác