Tại hội thảo, các nhà khoa học đã trình bày và thảo luận những kết quả nghiên cứu mới nhất về sự phát triển công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp và thủy sản theo hướng bền vững, trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu; đồng thời đề xuất những định hướng nghiên cứu trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm và tìm kiếm cơ hội hợp tác đào tạo, nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh về công nghệ sinh học và môi trường, giữa các viện nghiên cứu, trường đại học, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.
GS.TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường đại học Nam Cần Thơ, cho rằng không riêng Việt Nam mà cả thế giới cũng đang chịu tác động của biến đổi khí hậu, nguyên nhân do phát triển công nghiệp vô ý thức, phát triển nông lâm nghiệp, thủy sản không bền vững và những hành vi vô ý thức đối với môi trường. Biến đổi khí hậu không chỉ tác động trực tiếp đến đời sống, mà còn ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp, do đó phải có các biện pháp giảm thiểu tác động cũng như thích ứng trong tương lai.
Đặc biệt, cần phục hồi rừng ngập mặn ven biển và bảo tồn đa dạng sinh học của vùng; cần tìm những hệ thống canh tác tổng hợp thích nghi, chọn tạo giống cây trồng có khả năng chịu nhiệt, ngập nước và độ mặn; kháng những loài côn trùng và bệnh mới; đồng thời xây dựng hệ thống canh tác tổng hợp bền vững...
Theo TS. Nguyễn Minh Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Trà Vinh: Hội thảo lần này là diễn đàn trao đổi giữa các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà giáo dục, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp hợp tác, chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác quản lý, nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghệ sinh học gắn phát triển môi trường nền vững.