Nhiều giải pháp để thúc đẩy thị trường xuất khẩu cho cà phê đã được đưa ra tại Hội nghị bàn về giải pháp thúc đẩy xuất khẩu cà phê trong niên vụ mới do Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam tổ chức ngày 24-9 tại TPHCM.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết, trong năm 2102, xuất khẩu cà phê của Việt Nam tiếp tục thiết lập mức kỷ lục mới cả về lượng và kim ngạch, đạt tới trên 1,7 triệu tấn với kim ngạch 3,76 tỷ USD.
Ba năm vừa qua, kinh tế khó khăn nhưng thị trường cà phê vẫn giữ được mức giá ổn định. Giá cà phê Robusta luôn giữ ở mức giá cao 40-50 triệu/kg, đem lại đời sống ổn định cho người nông dân trồng cà phê.
Cà phê Robusta của Việt Nam trở thành mặt hàng không thể thiếu được trong danh mục cà phê được sử dụng trên toàn cầu. Tất cả các nhà rang xay, công ty lớn đều sử dụng cà phê của Việt Nam.
Tuy nhiên hiện nay, diễn biến theo chiều hướng “ không bình thường” theo quy luật, lẽ ra các doanh nghiệp Việt Nam sau một thời gian thoát ra khỏi khó khăn do ảnh hưởng từ nền kinh tế trong nước sẽ tiếp tục phát triển, nhưng hiện nay, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục ở trong tình trạng “bấp bênh” khi giá mua vào có khi còn cao hơn giá xuất khẩu.
Theo đánh giá của ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Vicofa, giá cà phê thế giới đang có xu hướng đi xuống bất lợi cho các nước xuất khẩu, giá cà phê Arabica rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 4 năm, giá Robusta thấp nhất trong vòng 3 năm. Theo đánh giá của các chuyên gia, ngành cà phê thế giới đang gặp những thách thức: Biến đổi khí hậu làm thay đổi niên vụ cà phê; giá thành cà phê tăng nhanh nhưng giá bán tăng theo không kịp; sâu bệnh gây thiệt hại cho ngành cà phê, ước tính lên tới 2 tỷ USD.
Theo nhận định của các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê tại Hội nghị, ngoài những diễn biến khó lường của giá cà phê trên thị trường thế giới, ngành cà phê của chúng ta còn phải đối mặt với sự cạnh tranh của 2 nước xuất khẩu cà phê lớn là Brazil và Indonesia. Nếu chúng ta không có những điều chỉnh và thích ứng với những diễn biến hiện nay của thị trường cà phê thế giới thì khả năng mất một số thị trường tiêu thụ là rất cao. Chính vì vậy việc liên kết các doanh nghiệp xuất khẩu lớn về cà phê nhằm phối hợp, hợp tác liên kết, cung cấp thông tin để ổn định thị trường là điều cần thiết.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Vicofa, cho rằng thời gian tới, các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê cần đẩy mạnh phát triển theo cách, phối hợp chặt chẽ với các hộ nông dân trông cà phê; hướng dẫn người nông dân trồng, chăm sóc và bảo quản cà phê sao cho đạt năng suất và chất lượng tốt nhất để từ đó “hàng gốc” từ người nông dân tới người tiêu dùng cuối cùng có chứng chỉ địa lý, và chất lượng rõ ràng.