Theo ông Nguyễn Như Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc HNX, với các quy định hiện hành và sự phát triển của thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) hiện nay, đã hội đủ yếu tố để hình thành thị trường hợp đồng tương lai (HĐTL) TPCP.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Phòng chứng khoán phái sinh (HNX), thị trường TPCP vừa qua phát triển mạnh mẽ. Sau 13 năm, khối lượng huy động vốn qua HNX từ 205 tỷ đồng năm 2005 tăng lên mức cao nhất 316.729 tỷ đồng năm 2016, đạt 194.315 tỷ đồng năm 2017 và 6 tháng đầu năm 74.581 tỷ đồng.
Thị trường sơ cấp có một số đặc điểm lớn như: quy mô trúng thầu trên thị trường cơ sở tăng trưởng tốt; phát hành đa dạng các loại kỳ hạn trái phiếu từ 5 năm đến 30 năm, trong đó cơ cấu phát hành ngày càng dài hạn: kỳ hạn phát hành bình quân của trái phiếu Kho bạc Nhà nước được kéo dài lên 12,86 năm; cơ cấu nhà đầu tư cũng dần chuyển dịch, tỷ lệ tham gia của các quỹ bảo hiểm và các quỹ đầu tư tính trong 7 tháng đầu năm 2017 đã tăng lên 53,2%.
Đặc điểm trên thị trường thứ cấp, theo bà Hà đó là quy mô niêm yết tăng mạnh: so với cuối năm 2010, tính đến 31-12-2017, quy mô niêm yết tăng gấp 5 lần; quy mô giao dịch cũng tăng trưởng mạnh (năm 2017 gấp 24 lần so với năm 2010) với giá trị giao dịch bình quân tăng từ mức 375 tỷ đồng/phiên năm 2010 lên 9.000 tỷ đồng/phiên trong năm 2017 và 10.099 tỷ đồng/phiên trong 7 tháng đầu năm; tỷ trọng giao dịch repo tăng mạnh, chiếm 52,3% giao dịch toàn thị trường.
Dự kiến mẫu HĐTL với TPCP 5 năm bao gồm: tài sản cơ sở là TPCP kỳ hạn 5 năm, mệnh giá 100.000 đồng, lãi suất danh nghĩa 5%/năm, trả lãi định kỳ cuối kỳ 12 tháng/lần, trả gốc 1 lần khi đáo hạn; quy mô hợp đồng là 1 tỷ đồng; hệ số nhân 10.000; tháng đáo hạn là 3 tháng cuối 3 quý gần nhất; biên độ dao động +/-3% so với giá tham chiếu; tiêu chuẩn trái phiếu giao hàng là TPCP do Kho bạc Nhà nước phát hành, có kỳ hạn 3-7 năm tính đến ngày thanh toán cuối cùng, có giá trị niêm yết tối thiểu 2.000 tỷ đồng và hệ số chuyển đổi được tính theo lãi suất danh nghĩa 5%/năm; giới hạn lệnh là 500 hợp đồng/lệnh…
Mục đích giao dịch HĐTL TPCP ở góc độ phòng ngừa rủi ro: nhà đầu tư có thể phòng ngừa rủi ro giá trị trái phiếu bị giảm khi lãi suất tăng bằng cách bán HĐTL TPCP; nhà đầu tư có ý định mua trái phiếu nhưng lo sợ giá trái phiếu sẽ tăng cũng có thể phòng ngừa bằng cách mua HĐTL TPCP.
Mục đích thứ hai là giao dịch chênh lệch giá. Các nhà đầu tư chuyên nghiệp thường lợi dụng sự thay đổi bất hợp lý giữa các thị trường HĐTL, trái phiếu cơ sở và repo để giao dịch chênh lệch giá. Với mục đích thứ ba là đầu cơ: nhà đầu tư giao dịch với mục đích đầu cơ sẽ dựa trên tính chất đòn bẩy của HĐTL TPCP để kiếm lời trên sự biến động của lãi suất.
Theo bà Hà, một số chiến lược có thể dùng khi giao dịch HĐTL TPCP như: bán khống (HĐTL TPCP cho phép nhà đầu tư có thể thu lời từ việc lãi suất thay đổi ngay cả khi họ không nắm giữ trái phiếu); thay đổi thời gian đáo hạn bình quân của rổ trái phiếu; thay đổi tỷ trọng của danh mục đầu tư một cách dễ dàng mà không làm thay đổi cấu phần bằng cách mua/bán HĐTL; phòng ngừa rủi ro biến động lãi suất cho danh mục đầu tư trái phiếu.