Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1-2012 chỉ tăng 1% so với tháng 12-2011 cho thấy việc thắt lưng buộc bụng của người tiêu dùng, cùng với các biện pháp kiểm soát lạm phát quyết liệt theo Nghị quyết 11 của Chính phủ đang phát huy tác dụng tích cực trong việc hãm đà tăng của CPI.
Như vậy, cùng với CPI tháng 1-2003 (tăng 0,9%), tháng 1-2009 (tăng 0,32%), tháng 1-2012 có chỉ số CPI tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.
Trong bối cảnh nền kinh tế đang đối mặt với không ít khó khăn do những tác động bất ổn của kinh tế thế giới, sự biến động giá cả hàng hóa, nguyên liệu trên toàn cầu cùng với những khó khăn của kinh tế trong nước (cả năm vừa qua vật lộn với việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô), CPI tháng đầu năm nay chỉ tăng 1% là kết quả đáng khích lệ.
Điều đó cũng cho thấy những giải pháp quyết liệt của Nghị quyết 11 ban hành đầu năm 2011 (trong đó tập trung vào những giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, như thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng; phối hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để kiềm chế lạm phát; kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng, tổng phương tiện thanh toán…) là những quyết sách kịp thời, đúng đắn.
Nhờ đó, từ tháng 5 đến hết năm 2011 CPI đã giảm mạnh, đặc biệt từ tháng 8-12, CPI chỉ tăng dưới 1%. Kết quả này đã góp phần tích cực để CPI tháng 1-2012 giảm tốc độ so với cùng kỳ nhiều năm.
Một trong những biện pháp giúp giá cả tháng 1 không tăng mạnh như nhiều năm còn do chương trình bình ổn giá ngày càng phát huy hiệu quả. Theo Bộ Công Thương, chương trình bình ổn giá hàng hóa so với Tết Nhâm Thìn đã có 30 tỉnh, thành phố trong cả nước thực hiện.
Đi đầu là TPHCM và Hà Nội. Trong đó, Hà Nội có 655 điểm bán hàng bình ổn, tăng gấp đôi so với dịp Tết Tân Mão 2011; đặc biệt có 304 điểm bán hàng ở khu vực ngoại thành (gấp 4 lần năm 2011). Còn tại TPHCM, hàng bình ổn chiếm 20-30% thị phần và được tiêu thụ trong mạng lưới hơn 4.000 điểm kinh doanh.
Dù có những ý kiến khác nhau về chương trình bình ổn giá, nhưng rõ ràng hoạt động này đã góp phần rất lớn vào việc kiềm chế giá cả trong thời gian qua (CPI Hà Nội và TPHCM tăng lần lượt 0,96% và 0,89%, thấp hơn mức bình quân cả nước). Bên cạnh đó, chính sách “thắt lưng buộc bụng” của Chính phủ với những biện pháp chống lạm phát mạnh mẽ đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người tiêu dùng.
Sự đồng điệu giữa chính sách và vận hành trong thực tế, cho đến thời điểm này, đã góp phần hữu hiệu vào thành công trong việc kéo giảm lạm phát.
Năm 2012, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6-6,5%, nhưng ưu tiên quan trọng nhất vẫn là kiềm chế lạm phát ở mức một con số. Cho đến thời điểm này, có thể xem lạm phát đang theo xu hướng giảm dần, song thách thức vẫn còn khi những biến động của tình hình kinh tế, chính trị thế giới rất khó lường.
Trong nước, những khó khăn nội tại của nền kinh tế vẫn đặt ra, trong khi chúng ta phải tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số lĩnh vực quan trọng như điện, xăng dầu, than; viện phí, học phí; bên cạnh đó là các khó khăn khó lường như thiên tai, dịch bệnh… vẫn là những áp lực không nhỏ trong việc kiềm chế lạm phát.
Chính vì vậy, năm 2012, người dân, doanh nghiệp đòi hỏi các chính sách điều hành nền kinh tế phải tạo bước ngoặt để xoay chuyển, ổn định vững chắc tình hình, không để lạm phát cao quay trở lại, nhằm khôi phục lòng tin của người dân, doanh nghiệp, tạo điều kiện để họ sớm thoát khỏi tình thế khó khăn trong cuộc sống cũng như sản xuất và kinh doanh.
Năm 2012 nền kinh tế sẽ còn đối mặt với rất nhiều thách thức, nhưng tín hiệu tích cực về chỉ số giá cả hàng hóa giảm mạnh ngay từ tháng đầu năm đã phần nào cho thấy tín hiệu lạc quan kết quả chống lạm phát trong năm nay, cho thấy Nghị quyết 11 đang đi đúng hướng và cần kiên trì thực hiện xuyên suốt với quyết tâm cao các chủ trương, chính sách đã đề ra.
Bên cạnh đó, các yếu tố tích cực về kinh nghiệm chỉ đạo, điều hành chống lạm phát, tăng trưởng, nhập siêu, tiền tệ, tài chính… của năm 2011 sẽ tạo tiền đề tốt cho việc thực hiện kế hoạch năm 2012.
Theo đó, từ Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt, kéo giảm lạm phát xuống một con số và ổn định vĩ mô là điều có thể thực hiện, có tính khả thi.