Giải nhất thuộc về giống gạo của Thái Lan. Thoạt nhìn, giải nhì cũng được xem là cao trong một cuộc thi gạo thế giới. Nhưng trớ trêu, cũng gạo ST25 này, năm 2019 Việt Nam mang đi thi đã đạt giải gạo ngon nhất thế giới. Vì sao đang là đương kim “hoa hậu” lại mang đi thi để chỉ giành được giải “á hậu 1”, đang là câu hỏi được cả giới doanh nghiệp, chuyên gia và dư luận quan tâm.
Trả lời báo chí, VFA cho rằng thành tích đứng thứ 2 vẫn là tin vui của gạo Việt Nam, không phải ăn may và không nên cho rằng đây là sự xuống hạng của gạo ngon Việt Nam. Nhưng ngược lại với giải thích của VFA, không ít doanh nghiệp than trời vì tin vui tụt hạng này. Trên trang cá nhân của mình, tổng giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu, than thở 1 năm xuất gạo bằng thương hiệu gạo ngon nhất thế giới, dân Mỹ bắt đầu ăn, giờ lại cho “em” nó đi thi đạt giải nhì, gạo ngon nhất thế giới biết phải làm sao, doanh nghiệp sẽ tiếp tục tiếp thị loại gạo này với khách hàng nước ngoài như thế nào. Nói rằng năm 2019 gạo này ngon nhất thế giới và năm 2020 ngon nhì hay sao. Nếu doanh nghiệp xuất khẩu bị thiệt hại do tin vui tụt hạng, ai sẽ đền cho họ. Họ đã phải thốt lên rằng tin vui này doanh nghiệp ôm không nổi.
Vẫn biết rằng khi tham gia thi phải đưa loại ngon nhất của mình đi, nhưng đâu có ai bắt phải mang loại gạo đã từng đạt danh hiệu cao nhất thế giới đi thi lại. Nếu không mang ST25 đi thi, danh hiệu ngon nhất thế giới vẫn còn đó, cơ hội nâng giá trị gạo Việt, cơ hội xuất khẩu mở rộng thị trường của doanh nghiệp rất lớn. Lâu nay Việt Nam vẫn nổi tiếng là nước nông nghiệp với thế mạnh lúa gạo và nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu.
Song chúng ta phải nhìn vào một thực tế, giải gạo ngon nhất thế giới 2019 là thành tích tốt nhất của gạo Việt Nam từ trước đến nay. Thậm chí nếu xét về các sản phẩm nông sản nói chung cũng chưa có sản phẩm nào được như ST25. Lẽ ra chúng ta phải giữ nguyên thành tích ấy làm bệ đỡ tiếp thị cho nông sản Việt, giúp nông sản Việt từng bước xây dựng thương hiệu của mình trên thị trường thế giới. Bởi thực tế, danh hiệu không phải chỉ để kiếm thêm nhiều tiền, còn là niềm tự hào không gì thay thế được.
Câu chuyện ST25 có lẽ sẽ là bài học lớn không chỉ cho ngành gạo của Việt Nam. Làm việc kiểu rập khuôn, hành chính sẽ chỉ giết chết những điều đang tốt đẹp. Chúng ta thực sự cần những chuyên gia quảng bá, xây dựng thương hiệu chuyên nghiệp. Đừng chỉ dừng ở những hội thảo nói mãi những câu chuyện cũ. Đi thi cũng là một nghệ thuật, chọn lựa như thế nào, tiếp thị, quảng bá, thể hiện ra sao, cũng quyết định đến kết quả chung cuộc. Việt Nam có rất nhiều chuyên gia giỏi thực sự, quan trọng là cánh cửa của hiệp hội, các ban ngành phụ trách có rộng mở cho họ vào hay không.
Vấn đề nữa đặt ra, chúng ta cũng phải có thêm những giống gạo chất lượng khác ngoài ST25 để mang đi thi. Nhiều người đang đùa rằng giải nhì là thành tích tốt nhất 2020, vậy cuộc thi 2021 chúng ta có mang ST25 đi thi nữa không. Nếu lại tụt xuống hạng 3 có còn vui nổi.
Nhìn lại cuộc thi năm nay, bên cạnh chuyện xuống hạn của ST25 còn một thực tế nhắc chúng ta nhớ 3 mẫu gạo ngon của Việt Nam đi thi đều không mang về bất cứ giải thưởng nào. Điều này đòi hỏi đầu tư cho nghiên cứu giống không nên dừng trong các hội thảo nữa. Phải có những thế hệ kế thừa ST25 thực thụ. Đừng để kéo dài câu chuyện là một trong 3 cường quốc xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, nhưng cho đến nay vẫn còn quá nhiều điều cần bàn với hạt gạo Việt Nam.