Bên cạnh đó là công tác điều trị, chăm sóc cho F0 tại nhà với hơn 400 trạm y tế lưu động vừa được thành lập. Không chỉ là góp sức, góp công, mà còn là tấm lòng của cả nước hướng về TPHCM trong lúc khó khăn nhất.
Cán bộ đoàn y tế Hòa Bình tham gia lấy mẫu cho người dân quận 5, TPHCM
Nhiễm Covid-19 khi lấy mẫu, chăm sóc F0
Ngày 21-7, đoàn công tác tỉnh Hòa Bình gồm 26 cán bộ, y, bác sĩ có mặt tại TPHCM nhận nhiệm vụ. Anh Phạm Đức Hưng, 30 tuổi, gửi gắm vợ và con thơ mới 19 tháng tuổi ở quê nhà, tình nguyện vào điểm nóng chống dịch. Theo phân công của Sở Y tế TPHCM, đoàn y tế tỉnh Hòa Bình hỗ trợ địa bàn quận 5 với công việc chính là lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng. Nguy cơ lây nhiễm là thường trực.
Đến ngày 1-8, anh Phạm Đức Hưng và 5 cán bộ khác mắc Covid-19. “Những ngày phải điều trị ở bệnh viện dã chiến, lòng mình như lửa đốt. Mình tình nguyện từ Hòa Bình vào TPHCM hỗ trợ chống dịch, giờ cảm giác trở thành gánh nặng. Phải khỏe thật nhanh để xuất viện!”, anh Phạm Đức Hưng chia sẻ.
Vừa khỏi bệnh, anh lại cùng đồng nghiệp lao vào tâm dịch. “Nằm trong bệnh viện dã chiến số 5, các anh em chỉ biết dặn nhau phải rút kinh nghiệm, cẩn thận hết sức, vì một người nhiễm bệnh là người khác phải gánh việc”, anh Hưng nhớ lại. Vừa kết thúc thời gian điều trị với 4 lần xét nghiệm âm tính, anh Hưng và đồng nghiệp lập tức xin trưởng đoàn được trở lại làm việc vào ngày hôm sau. Đoàn y tế Hòa Bình lại đầy đủ quân số, nhân lực như ngày đầu tiên.
Tương tự, Trương Quang Anh, sinh năm 1998, sinh viên Y5 trường Đại học Y Dược Thái Nguyên, cũng nhiễm bệnh trong thời gian công tác tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh. Trong 100 cán bộ, sinh viên, giảng viên Đại học Y Dược Thái Nguyên tại huyện Bình Chánh, đã có 5 trường hợp mắc Covid-19. Tuy nhiên, không vì thế mà tinh thần sinh viên tình nguyện bị ảnh hưởng.
Quang Anh khẳng định: “Lúc bị dương tính, tôi chỉ lo mọi người có thể bị lây nhiễm từ mình. Chúng tôi toàn thanh niên, lại được tiêm vaccine rồi, sức khỏe tốt lắm. Bệnh đấy nhưng sáng mai lại làm việc thoải mái”.
TS.BS Nguyễn Xuân Hòa, Trưởng đoàn công tác Đại học Y Dược Thái Nguyên tại huyện Bình Chánh, cho biết, các trường hợp nhiễm bệnh sau khi hoàn thành thời gian cách ly đều xông xáo trở lại nhận nhiệm vụ. “Đó là tinh thần và bản lĩnh khi các em sinh viên đã quyết tâm đăng ký vào TPHCM chống dịch”, TS.BS Nguyễn Xuân Hòa chia sẻ. Không tránh khỏi những lo lắng nhất định, nhưng TS.BS Hòa cũng không giấu niềm tự hào về tấm lòng mà các sinh viên của mình dành cho TPHCM.
Địa phương quan tâm, người dân thương mến
Theo BS Nguyễn Thị Minh Phương, Trưởng đoàn y tế tỉnh Hòa Bình tại quận 5 (TPHCM), đoàn hiện có 3 nhiệm vụ chính, gồm: tham gia xét nghiệm cộng đồng, tham gia điều trị tại bệnh viện dã chiến, tham gia điều trị F0 tại nhà. Khi xuất hiện 6 ca mắc Covid-19 trong đoàn, BS Minh Phương lập tức báo với chính quyền quận 5, tiến hành cách ly điều trị cán bộ, đảm bảo an toàn cho tập thể.
Trong hơn 1 tháng hỗ trợ địa bàn, đoàn công tác được bố trí lưu trú tại 1 khách sạn trên đường Châu Văn Liêm, có phương tiện đưa đón do địa phương sắp xếp. Bất cứ vấn đề phát sinh nào, chính quyền địa phương luôn nhanh chóng giải quyết, tạo điều kiện tối đa cho đoàn công tác. Theo BS Minh Phương, lãnh đạo quận 5 đã trực tiếp chia sẻ, động viên từng cán bộ trẻ khi nhiễm bệnh, tạo động lực cho cán bộ hoàn thành nhiệm vụ với người dân TPHCM.
Trong khi đó, tại huyện Bình Chánh, hiện có lực lượng Trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai, đoàn bác sĩ tỉnh Quảng Ngãi, đoàn Đại học Y Dược Thái Nguyên, đoàn Đại học Y tế công cộng đang hỗ trợ địa bàn. Đoàn Thái Nguyên là đơn vị có mặt sớm nhất, từ 21-7, và được phân công xuống các xã theo yêu cầu thực tế. Ngay thời điểm đoàn ghi nhận 5 ca mắc Covid-19, ông Đào Gia Vượng, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, đã trực tiếp gọi điện thăm hỏi, động viên từng sinh viên. “Các em sinh viên rất năng nổ, dễ thương và không nề hà khó khăn.
Ngay cả khi đã mắc Covid-19, tinh thần các em vẫn vững vàng và trở lại làm việc ngay sau khi khỏi bệnh. Cùng với lực lượng y tế tại chỗ, đội chi viện đã cùng địa phương chăm sóc sức khỏe người dân và đáp ứng tốt các yêu cầu phòng chống dịch”, ông Đào Gia Vượng cho hay.
“Tại xã Bình Hưng, điểm nóng của dịch Covid-19, cán bộ trong ban phòng chống dịch chạy xe máy đưa đón chúng tôi hàng ngày. Một đồng chí trưởng ấp có ô tô riêng cũng dành xe để đưa đón các em sinh viên và giảng viên đi lấy mẫu cộng đồng. Chúng tôi rất xúc động với tình cảm của người dân Bình Chánh, dù là lần đầu tiên hỗ trợ bà con nhưng lại rất chân tình và thân quen”, TS Hòa bày tỏ cảm xúc sau thời gian ăn, ở cùng bà con huyện ngoại thành.
Khó khăn và cũng là kỷ niệm với cán bộ y tế tỉnh Hòa Bình chính là ngôn ngữ. Do địa hình quận 5 nhiều ngõ hẻm, để tìm nhà, nhân viên y tế phải hỏi đường người dân địa phương. “Tiếng miền Nam dễ thương lắm nhưng mình nghe mà không hiểu ngay. Các cô chú phải nói đi nói lại nhiều lần, vậy mà cô chú không hề nổi nóng, vẫn nhiệt tình lắm”, anh Phạm Đức Hưng chia sẻ kỷ niệm trong 1 lần lấy mẫu cộng đồng. |
Ngày 24-7, ông Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, có thư ngỏ kêu gọi toàn bộ hệ thống y tế, nhân viên y tế đang làm việc và đã nghỉ hưu, các giảng viên, sinh viên khối ngành chăm sóc sức khỏe tham gia hoạt động chống dịch tại TPHCM. Đến nay, vẫn còn nhiều đoàn y tế với khoảng trên 3.000 người đã đăng ký và đang chờ lệnh, sẵn sàng có mặt tại TPHCM sớm nhất để đồng hành chống dịch.
|
Thêm nhiều cán bộ y tế của Hà Tĩnh, Bình Định chi viện Bình Dương, TPHCM
|
Tuyển tình nguyện viên từng là F0 hỗ trợ bệnh viện
|