TMĐT: Cuộc vượt vũ môn

Kinh doanh trên internet tại Việt Nam đã trải qua gần một thập kỷ phát triển và chịu sự sàng lọc của thị trường. Bài viết như một ghi nhận ban đầu, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến, phản hồi nhằm cùng phác hoạ bức tranh thực tế của mô hình kinh doanh này.

Kinh doanh trên internet tại Việt Nam đã trải qua gần một thập kỷ phát triển và chịu sự sàng lọc của thị trường. Bài viết như một ghi nhận ban đầu, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến, phản hồi nhằm cùng phác hoạ bức tranh thực tế của mô hình kinh doanh này.

Quỹ CyberAgent của Nhật cho biết kế hoạch giải ngân 50 triệu USD cho đến năm 2013. Trong gần 5 năm qua CyberAgent đã đầu tư vào 10 công ty và tiếp tục tìm kiếm các dự án về dịch vụ ứng dụng cho người dùng mạng internet và di động, các dự án thương mại điện tử B2C (business to customer), các dịch vụ giáo dục trực tuyến, tìm kiếm việc làm…

Năm 2011, kênh bán hàng online tại Thế Giới Di Động chiếm 9% tổng doanh thu 6.000 tỷ đồng.

Năm 2011, kênh bán hàng online tại Thế Giới Di Động
chiếm 9% tổng doanh thu 6.000 tỷ đồng.
 

Đón đầu và hướng tới chuỗi cung ứng hoàn thiện

Bên cạnh việc đầu tư thúc đẩy tăng trưởng cho các website đối tác, họ còn cần lợi thế sẵn có của các website có lượng truy cập lớn để phát triển các dịch vụ mới. Ông Nguyễn Mạnh Dũng, trưởng đại diện quỹ CyberAgent, thừa nhận: “Việc tìm kiếm khoảng 20 – 30 dự án đầu tư đến năm 2013 quả thật không dễ dàng”.

Còn theo ông Nguyễn Hồng Trường, giám đốc phát triển kinh doanh và công nghệ quỹ đầu tư IDG Ventures Vietnam, thương mại điện tử (TMĐT) tại các thị trường mới nổi đang là mục tiêu đầu tư của các tổ chức tài chính, và Việt Nam hấp dẫn nhờ có thị trường bán lẻ thường xuyên ở tốp 5 toàn cầu.

Vì thế cho dù điều kiện về hạ tầng thanh toán, giao nhận, chất lượng hàng hoá, độ tin cậy giao dịch ở Việt Nam chưa hoàn thiện, thì việc đầu tư đón đầu là bước đi hợp lý của những tổ chức giàu tham vọng.

“Nhờ làn sóng đầu tư này mà các yếu tố còn chưa hoàn chỉnh ở môi trường Việt Nam sẽ được cải thiện nhanh chóng hơn, mang lợi ích cho cả người tiêu dùng và cho các công ty thương mại điện tử thành công”, ông Trường nói.

Nếu trong giai đoạn đầu, đa số các công ty khởi nghiệp có quy mô nhỏ, từ vốn của quỹ đầu tư thì hiện một xu hướng khác đang diễn ra. Những công ty lớn đang nhảy vào làm TMĐT là những đối thủ đáng gờm trên thị trường.

Một bên chuyên về kênh online lâu nay đã có nền tảng cơ sở dữ liệu về sản phẩm, khách hàng và người bán, đã có thời gian tạo được rào cản về lượng truy cập (như vatgia.com, chodientu.vn, 5giay.vn…); thì một bên đang có lợi thế về chuỗi cung ứng (ví dụ Thế Giới Di Động, Nguyễn Kim, Co.opmart…); hoặc cả VNG, FPT, VTC cũng đang xây dựng hệ thống này.

Theo ông Nguyễn Ngọc Điệp, tổng giám đốc công ty cổ phần Vật Giá, xu hướng này tựa như bước đi giữa Amazon và Walmart – xu hướng bình thường trên thế giới đang diễn ra ở Việt Nam để hướng tới chuỗi cung ứng hoàn thiện.

Càng làm càng khó

Sàn giao dịch vatgia.com đang dẫn đầu mảng thương mại điện tử với 1,3 triệu lượt truy cập hàng ngày, nhưng ông Điệp thừa nhận bốn năm qua vẫn ở giai đoạn đầu tư, năm 2011 chỉ mới thu đủ bù chi. Càng làm thì càng lộ ra nhiều khó khăn: ban đầu doanh nghiệp xây dựng nền tảng quản lý thông tin hàng hoá, tiếp theo phải tự đi xây dựng phương tiện thanh toán.

Nhưng khi phát triển đạt quy mô nhất định thì đến lượt khó khăn về kho vận hàng hoá. Chi phí kho vận đắt đỏ trong khi yêu cầu của TMĐT là nhanh, rẻ và bảo đảm hàng hoá. Hiện tại doanh nghiệp phải tự làm dịch vụ này, làm yếu tính cạnh tranh của TMĐT là cung cấp thông tin đúng nơi đúng lúc và tiết kiệm chi phí cho xã hội.

“Hạ tầng chuỗi cung ứng là cuộc chơi quá khó khăn đối với doanh nghiệp TMĐT, nếu thị trường không tăng trưởng gấp hai lần hàng năm trong giai đoạn đầu thì doanh nghiệp xem như thất bại”, ông Điệp nói.

Theo ông Nguyễn Hoà Bình, tổng giám đốc công ty Peacesoft, khi kinh tế khủng hoảng, các doanh nghiệp gặp ngưỡng ở mảng bán lẻ truyền thống và bị giới hạn về tìm kiếm nguồn khách hàng mới, nên nhiều nhà bán lẻ đã tìm động lực ở mảng trực tuyến.

Các mô hình TMĐT hiện đã đầy đủ nhưng vấn đề là toàn hệ thống đã không theo kịp xu hướng thế giới. Sự phát triển vì thế vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, mới chiếm khoảng 0,3% tổng hàng hoá bán lẻ.

“Nguồn nhân lực cho TMĐT trong doanh nghiệp còn yếu và thiếu, kỹ năng xử lý thông tin, sản phẩm và bán hàng online còn nhiều hạn chế. Cần một thời gian và sự tác động đủ để nâng cao năng lực của các doanh nghiệp”, theo ông Bình.

Ông Trường cho rằng thách thức lớn của doanh nghiệp là người dùng hiện nay có cơ hội tiếp cận nhiều loại hình dịch vụ cả trong và ngoài nước, việc thay đổi dịch vụ từ nhà cung cấp này sang nhà cung cấp khác là rất dễ dàng. Khó khăn hơn nữa, làm thế nào để khai thác hiệu quả kinh doanh từ một nền tảng người dùng dễ dàng thay đổi?

Vì vậy, các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với ba thách thức: thu hút người dùng, giữ chân người dùng và tạo ra các hình thức mang lại doanh thu (monetization). Một doanh nghiệp thành công thì không tách rời ba nhân tố này trong mô hình kinh doanh mà phải xử lý cả ba cùng lúc mới có thể tạo ra nền tảng người dùng bền vững.

Các tin khác