Từ ngày 29 đến 3103, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - Tổ trưởng Tổ công tác số 4 - đã kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 với tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa.
Tại Thái Bình, đoàn công tác đã kiểm tra tình hình giải ngân các công trình trọng điểm, có tính liên kết vùng trên địa bàn tỉnh và kiểm tra công tác chuẩn bị đầu tư dự án đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua địa bàn tỉnh Thái Bình, Nam Định.
Chia sẻ khó khăn do giá nguyên, nhiên liệu tăng cao, Bộ trưởng yêu cầu nhà thầu huy động tối đa nhân lực, vật tư, phương tiện đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục còn lại, bảo đảm chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật sớm đưa vào khai thác tạo kết nối vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thái Bình cũng như các tỉnh trong khu vực.
Kiểm tra tại khu công nghiệp Liên Hà Thái, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận, đánh giá cao công tác giải phóng mặt bằng. Đến nay, dự án đã hoàn thành giải phóng mặt bằng gần 600 ha, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư hạ tầng.
Tại Nam Định, đoàn công tác đã làm việc về tình hình phân bổ, giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2023 và tiến độ triển khai các dự án thuộc Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội; đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định; xây dựng cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Ninh Bình với Nam Định thuộc tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng.
Năm 2023, kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh Nam Định là 8.560 tỷ đồng. Ngay quý I/2023, tỉnh đã giải ngân được 19% kế hoạch vốn đầu tư công, xếp thứ 4 toàn quốc.
Tại Ninh Bình, tổ công tác đã tiến hành khảo sát thực địa mặt bằng chuẩn bị cho công tác đầu tư Dự án đầu tư xây dựng dự án tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình. UBND tỉnh Ninh Bình đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ phân cấp cho UBND tỉnh Ninh Bình là cơ quan chủ quản dự án đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng. Sau khi thi công hoàn thành, quyết toán, sẽ bàn giao lại tuyến cho Bộ Giao thông Vận tải quản lý, khai thác, bảo trì theo quy định.
Tại Thanh Hóa, đoàn công tác đã kiểm tra tình hình giải ngân các công trình trọng điểm, có tính liên kết vùng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và kiểm tra thực tế và nghe báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa tại tuyến đường bộ ven biển qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa như: dự án đầu tư xây dựng công trình tuyến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa, dài 23,7km; dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn Hoằng Hóa - Sầm Sơn và đoạn Quảng Xương - Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn), tỉnh Thanh Hóa theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng BOT), dài 29,9 km.
Tỉnh Thanh Hóa đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ xem xét, cho phép doanh nghiệp dự án PPP được tạm ứng vốn đầu tư công để thực hiện dự án. Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có hướng dẫn chi tiết hơn về việc thanh toán đối với phần khối lượng đã hoàn thành.
Theo Tiền Phong