Trong số 54 bị cáo, có 23 cựu quan chức bị cáo buộc nhận hối lộ, 21 người là lãnh đạo các doanh nghiệp bị cáo buộc đưa hối lộ để được cấp phép “chuyến bay giải cứu”. Những người còn lại bị cáo buộc môi giới hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Các bị cáo trong vụ án
Qua 2 tuần xét xử, các bị cáo tại Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, lãnh đạo doanh nghiệp… đều thừa nhận việc đưa, nhận hối lộ lên đến hàng chục tỷ đồng khi thực hiện cấp phép “chuyến bay giải cứu” thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh.
Trong đó, bị cáo Tô Anh Dũng thừa nhận đã gặp và nhận của doanh nghiệp 21,5 tỷ đồng; mặc dù bị cáo này cho rằng bản thân không hề “ép” các doanh nghiệp, nhưng vì nể nang nên đã gặp các chủ doanh nghiệp. Trong lời nói sau cùng, bị cáo Tô Anh Dũng cúi đầu nhận lỗi và xin lỗi lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân. Bị cáo cho rằng, việc hầu tòa trong những ngày qua là điều đau đớn và tủi hổ. Hiện, gia đình bị cáo Tô Anh Dũng đã khắc phục xong toàn bộ số tiền nhận từ doanh nghiệp.
Cấp dưới của bị cáo Tô Anh Dũng là bà Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự) suốt cả thời gian xét xử luôn nhận tội và thừa nhận nhận hối lộ từ các chủ doanh nghiệp 25 tỷ đồng.
Trước khi tòa nghị án, bị cáo Lan nói lời chua xót rằng, hối hận vì bản thân luôn nỗ lực, cố gắng trong 27 năm làm việc nhưng không vượt qua được những lời nói, sự khéo léo của các chủ doanh nghiệp và kết quả là bị cáo đã nhận quà cảm ơn hàng tỷ đồng.
Bị cáo Hoàng Văn Hưng
Đáng chú ý, trong 54 bị cáo thì có 1 người bị Viện kiểm sát đề nghị mức án tử hình, đó là bị cáo Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế). Bị cáo Kiên bị cáo buộc với những tình tiết tăng nặng trong vụ án, như số lần nhận hối lộ nhiều nhất (253 lần) với số tiền nhiều nhất (42,6 tỷ đồng).
Cơ quan điều tra và viện kiểm sát cũng cáo buộc bị cáo Kiên là người “ép” các chủ doanh nghiệp xin cấp phép chuyến bay phải chi tiền. Lời khai của một số chủ doanh nghiệp tại phiên tòa cũng thể hiện, bị cáo Kiên gây khó dễ trong quá trình xin cấp phép chuyến bay. Trước mức án đề nghị cao nhất từ viện kiểm sát, gia đình bị cáo Kiên đã nộp 42 tỷ đồng khắc phục.
Qua 2 tuần xét xử, nội dung luôn thu hút sự quan tâm của phiên tòa và dư luận là cựu điều tra viên của vụ án Hoàng Văn Hưng luôn một mực kêu oan. Từ giai đoạn xét hỏi đến tranh tụng và nói lời sau cùng, Hưng đều phủ nhận việc nhận tiền hàng triệu USD từ bị cáo Nguyễn Anh Tuấn (cựu Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội) để chạy án cho bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng và Lê Hồng Sơn, Phó Tổng và Tổng Giám đốc Công ty Blue Sky.
Đối với cáo buộc nhận chiếc cặp số bên trong có chứa 450.000 USD từ bị cáo Nguyễn Anh Tuấn gửi đến, Hưng phủ nhận và khẳng định bên trong cặp chỉ là 4 chai rượu vang, chứ không có tiền.
Trong bản luận tội, viện kiểm sát cho hay, vụ án có 21/54 bị cáo bị truy tố về tội nhận hối lộ. Trong phần thẩm vấn, có một số bị cáo cho rằng việc nhận tiền của chủ doanh nghiệp hoặc nhận tiền từ các bị cáo khác chỉ là sự cảm ơn đơn thuần, chứ không phải nhận hối lộ. Bác bỏ quan điểm này, viện kiểm sát cho rằng, lời khai như vậy là “đánh lận con đen”.
“Đây là việc đánh tráo khái niệm cực kỳ nguy hiểm, có thể gây ra tiền lệ xấu cho xã hội. Do vậy, cần phải nhận thức cho đúng để loại bỏ văn hóa phong bì ra khỏi đời sống xã hội. Vì thế, chúng tôi khẳng định rằng, hành vi nhận tiền của các bị cáo đó là hành vi nhận hối lộ”, viện kiểm sát nêu. Hành vi đưa, nhận tiền của các bị cáo diễn ra trong thời gian dài, giai đoạn từ đầu năm 2020 đến tháng 1-2022.