Am hiểu sâu sắc về văn hóa
Là nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, đồng thời là một nhà văn hóa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đặc biệt quan tâm, dành nhiều tâm huyết cho sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam - vấn đề mang tính trọng tâm, đột phá chiến lược, là nền tảng tinh thần, động lực và nguồn lực nội sinh đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, đồng thời, đồng chí cũng quan tâm chỉ đạo với những định hướng giải pháp thiết thực từ những vấn đề bao quát cho đến các lĩnh vực, các khía cạnh cụ thể của văn hóa.
Tháng 6 vừa qua, cuốn sách Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra mắt được nhận định đã nâng tầm lý luận về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Các trang viết trong tác phẩm cũng định hướng nhiệm vụ cho sự phát triển văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới. 92 bài viết, bài phát biểu, bài nói, lược ghi, trả lời phỏng vấn, thư... của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời gian 60 năm qua được tuyển chọn trong cuốn sách đã hệ thống hóa sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Cuốn sách thể hiện sự am hiểu sâu sắc, tư duy chiến lược, toàn diện của đồng chí Tổng Bí thư về bản chất và các đặc trưng của văn hoá. Cùng với những vấn đề bao quát, các lĩnh vực, các khía cạnh cụ thể của văn hoá cũng được đồng chí quan tâm chỉ đạo với những định hướng giải pháp thiết thực, góp phần thể hiện diện mạo vô cùng đa dạng, phong phú, đặc sắc của nền văn hoá Việt Nam.
Lễ ra mắt cuốn sách Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức tháng 6-2024
Năm 1998, sau khi Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII về văn hóa được ban hành, để luận giải rõ hơn những nhiệm vụ được chỉ ra trong Nghị quyết, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã giải thích: "Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng".
Viết về cuốn sách, Trưởng ban Tuyên giáo Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ: Với kiến thức chuyên sâu và sự am hiểu về đặc trưng của từng loại hình văn hóa, từ văn học, sân khấu đến mỹ thuật nhiếp ảnh, thể dục thể thao, từ ca dao, dân ca đến ca trù, quan họ, từ những làn điệu chèo đến những câu hò ví dặm, hay đờn ca tài tử,... phản ánh bản sắc văn hóa của từng vùng, miền, địa phương trên cả nước như Thăng Long - Hà Nội, Bắc Ninh - Kinh Bắc đến Phú Thọ, Thái Bình, dân ca Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ..., đồng chí Nguyễn Phú Trọng có những dẫn chứng rất sinh động và lập luận thuyết phục, định hướng vừa mang tầm chiến lược, bao quát, nhìn xa trông rộng, lại vừa rất cụ thể, gần gũi.
Nói về vai trò của văn học, nghệ thuật - "tiếng nói của tình cảm" và các nhà văn - "người dự báo", "thư ký của thời đại", đồng chí chỉ rõ: "Mỗi tác phẩm văn học nghệ thuật thật sự có giá trị phải có sức lay động công chúng, độc giả bằng trách nhiệm, tấm lòng, trái tim của người nghệ sĩ"; "Sự nghiệp sáng tạo văn học đòi hỏi phải có những người có tài năng, có tâm hồn, có nhân cách, đặc biệt là có chỗ đứng và cách nhìn đúng đắn"…
Nhấn mạnh vai trò của văn hóa, văn nghệ trong giáo dục, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, nhân cách con người, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: "Văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục, bồi dưỡng phẩm chất, đạo đức, nhân cách con người, nâng cao bản lĩnh và ý thức dân tộc, giữ gìn bản sắc dân tộc, làm cho phát triển kinh tế thị trường mà không băng hoại giá trị đạo đức xã hội, "hội nhập mà không hòa tan".
Đảng, Nhà nước ta luôn khuyến khích, tạo điều kiện, có cơ chế đặc thù và tôn trọng tự do sáng tạo của người nghệ sĩ, song mỗi người nghệ sĩ cũng phải "vừa có bản lĩnh, sự tỉnh táo, vừa có trình độ, tầm nhìn, cách nghĩ và phương thức thể hiện mới trong sáng tạo nghệ thuật, phù hợp với yêu cầu thực tiễn".
Chỉ khi có khát vọng và hoài bão lớn lao, tầm nhìn xa rộng và tư duy sâu sắc thì người nghệ sĩ mới có tác phẩm hay, có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, những tác phẩm phản ánh tâm hồn và tính cách dân tộc, những điều lớn lao, mạnh mẽ của con người và dự báo cho cả tương lai.
Cuốn sách được nhận định đã nâng tầm lý luận về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc
Định hướng dẫn dắt hành động
Theo Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng, cuốn sách có giá trị vô cùng to lớn, bởi đây không chỉ là sản phẩm trí tuệ, tâm huyết của riêng Tổng Bí thư, mà quan trọng hơn là một công trình khoa học có tính chất hệ thống, tập hợp những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo, những phát biểu, bài viết của Người đứng đầu Đảng ta về bản chất và đặc trưng của văn hóa Việt Nam, về vai trò, sứ mệnh của văn hóa như nguồn lực nội sinh cho phát triển - sự gắn kết của văn hóa với kinh tế, chính trị, xã hội; về giữ gìn giá trị văn hoá truyền thống và cách mạng, về phát triển văn hóa trong thời kỳ mới; ý nghĩa trung tâm của con người là chủ thể sáng tạo, đội ngũ văn nghệ sĩ giữ vai trò quan trọng của phát triển văn hoá; gắn với xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam; qua đó góp phần quan trọng làm giàu thêm những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
“Tiếp cận cuốn sách của Tổng Bí thư không chỉ đơn thuần hiểu đây là kho tàng tri thức của nhân loại mà đây còn là "cuốn cẩm nang" cho những người công tác trong lĩnh vực văn hóa. Vượt ra khỏi khuôn khổ của những luận điểm cơ bản, đó còn là những vấn đề mà Tổng Bí thư đang gửi gắm trong cuốn sách.
Thông qua cuốn sách, đội ngũ những người công tác trong lĩnh vực văn hóa được nâng cao nhận thức một cách sâu sắc những chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa; nắm được những vấn đề về lý luận từ tổng kết thực tiễn mà Tổng Bí thư đã gửi gắm trong cuốn sách quý này”, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL nêu rõ.
“Qua cuốn sách, một lần nữa chúng tôi nhận thức sâu hơn về những vấn đề lý luận và thực tiễn đã và đang đặt ra đối với sự nghiệp văn hóa, văn học, nghệ thuật nước nhà”, PGS-TS - nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam bày tỏ.
GS-TS Phùng Hữu Phú sau khi đọc cuốn sách của Tổng Bí thư đã viết: “Tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có sức cảm hóa, lan tỏa sâu rộng, định hướng nhận thức, dẫn dắt hành động đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp xây dựng, phát triển nền văn hóa dân tộc trong thời kỳ phát triển mới của đất nước.
Sức sống của tác phẩm, phần do giá trị tư tưởng, tầm trí tuệ kết tinh trong từng bài viết, bài nói, phần quan trọng hơn, bởi đây chính là tâm huyết, sự gửi gắm và kỳ vọng của Tổng Bí thư - nhà lãnh đạo tâm đức, nhà văn hóa lớn, nhân cách văn hóa lớn, hết lòng vì Đảng, vì dân, được nhân dân kính trọng, yêu mến, tin tưởng”.