TPHCM 20 năm hiến đất mở rộng hẻm: Những người tiên phong

(ĐTTCO) - Mỗi mét vuông đất là cả một khối tài sản của người dân. Vì vậy mà những năm đầu, công tác vận động nhân dân hiến đất mở rộng hẻm ở TPHCM không dễ dàng.

 Trong khó khăn, nhiều cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên các cấp đã làm tốt vai trò nêu gương hiến đất mở hẻm. 

Đường Cô Giang (quận Phú Nhuận) rộng thênh thang sau khi người dân hiến đất mở rộng. ẢNH: QUỐC THANH

Đường Cô Giang (quận Phú Nhuận) rộng thênh thang sau khi người dân hiến đất mở rộng. ẢNH: QUỐC THANH

Tại TPHCM, phong trào hiến đất mở rộng đường, hẻm khởi xướng từ những năm 2000, được người dân đồng thuận ủng hộ. Qua 20 năm, người dân TPHCM đã hiến gần 5,4 triệu m2 đất để những con đường, hẻm nhỏ được mở rộng, khang trang, sạch đẹp. Phong trào hiến đất làm đường, mở rộng hẻm với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đã trở thành điểm sáng trong phong trào vận động nhân dân của TPHCM, góp phần làm thay đổi diện mạo của nhiều khu dân cư. Báo SGGP giới thiệu đến bạn đọc những thành quả ấn tượng từ công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất mở rộng đường, hẻm trên địa bàn TPHCM.

Quyết định đúng đắn

Ngồi trong căn nhà khang trang, uống tách trà và đọc tờ báo buổi sáng, ông Võ Thành Minh (cán bộ hưu trí, ngụ hẻm 127 Cô Giang, phường 1, quận Phú Nhuận) chia sẻ: “Giờ gia đình tôi sống ổn định từ nguồn cho thuê mặt bằng 3 kiốt và lương hưu. Đó là thành quả chúng tôi có được sau khi hiến đất mở rộng con hẻm này”.

Năm 2009, nhiều người bất ngờ khi hay tin gia đình ông Minh quyết định hiến gần 40m2 đất để nhà nước mở rộng hẻm. Phần đất hiến chạy dọc căn nhà (rộng 2m, dài 20m). Theo lẽ thông thường, khi mở rộng hẻm thì hai bên sẽ lùi vào mỗi bên hơn 1m, nhưng ông Minh quyết định hiến nhiều đất hơn để phía nhà đối diện không cần hiến. “Các nhà ấy có diện tích nhỏ, lại rất ngắn, chỉ tầm 3m. Nếu họ phải lùi 1m sẽ thành nhà siêu mỏng thì lấy đâu đủ diện tích cho vợ chồng, con cái, thậm chí ông bà cùng ở. Nghĩ nhà mình nếu lùi 2m vẫn còn đủ diện tích để ở nên tôi bàn với gia đình và địa phương chỉ lấy phần đất phía nhà tôi”, ông Minh kể.

Quyết định ấy không chỉ nghĩ đến bà con nhà đối diện mà còn mang ý nghĩa lớn cho cái chung. Bởi nếu không giải quyết thỏa đáng cho cuộc sống người dân sau khi hiến đất thì công tác vận động của địa phương sẽ không có kết quả. Giờ nhìn lại việc gia đình mình hiến phần đất gần bằng diện tích một căn nhà, rồi phải đi vay tiền các nơi để xây lại căn nhà đã mất đi phần móng, ông Minh vẫn thấy quyết định khi ấy rất đúng đắn và kịp thời. Nghĩ đơn giản rằng cái gì vì việc chung, vì cộng đồng thì đảng viên phải xung phong đi đầu nên ông làm. Dù bị thiệt một chút mà nhiều người được hưởng lợi thì không phải bận tâm.

Nhờ sự tiên phong của gia đình ông Võ Thành Minh mà 23 hộ dân khác cũng tình nguyện hiến phần đất của mình để hẻm 127 Cô Giang mở rộng từ 2m lên 6m. Từ đó, taxi, xe chữa cháy, xe cấp cứu ra vào dễ dàng hơn, người dân cũng kinh doanh thuận lợi, cuộc sống nhà nhà thêm ổn định.

Bà Ngô Thị Tý (ngụ phường Tây Thạnh, quận Tân Phú) luôn thấy quyết định của mình khi hiến 400m2 đất làm đường Chế Lan Viên là đúng đắn. “Ngày trước, đây là con đường đất nhỏ xíu, giờ mở rộng 30m khang trang, giúp giao thông thuận lợi và mỹ quan đô thị quận nhà được nâng lên”, bà Tý cho biết. 

Cho đi để gặt trái ngọt

Nhắc đến tuyến đường Võ Thị Bàng, ông Bùi Văn Đèo (ngụ ấp Phú Hiệp, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi) cười sảng khoái: “Đường rộng lắm, con đường lên, sáng sủa cả một vùng. Khi nhà nước vận động người dân hiến đất làm đường, bà con đồng thuận. Không lâu sau con đường rộng, đẹp đã được hình thành”. 

Ông Bùi Văn Đèo miêu tả chi tiết đường Võ Thị Bàng về cách nó được hình thành với niềm tự hào lớn, bởi để có con đường là nhờ sự hiến đất của gần 100 gia đình ở đây, trong đó có gần 1.000m2 đất của nhà ông. “Ngày đó nhà nước vận động hiến đất, không hỗ trợ gì. Tôi nghĩ mình là đảng viên, là tổ trưởng tổ nhân dân, nếu mình không đồng ý thì sao bà con đồng thuận hiến đất. Vậy nên nhà nước cần bao nhiêu, gia đình tôi sẵn sàng giao đất bấy nhiêu. Giờ nhìn mấy tuyến đường băng trên nền đất vườn, ruộng của mình rộng rãi, khang trang, điện đèn đầy đủ, người dân đi lại thuận lợi là mừng chứ không tiếc gì”, ông Đèo bày tỏ.

Theo ông Huỳnh Hiếu Nhân, Chủ tịch UBND xã Phú Mỹ Hưng, tuyến đường Võ Thị Bàng khởi công từ năm 2010, dài 3.900m, rộng 6m, được hình thành với sự tham gia hiến đất của 147 hộ dân. Một trong những hộ dân đi đầu tham gia hiến đất là gia đình ông Bùi Văn Đèo. Ngoài đường Võ Thị Bàng, gia đình ông Đèo còn hiến đất ở 3 thửa khác với tổng diện tích hiến là 3.000m2 để làm đường Cánh Đồng Dược (trước Đền thờ Bến Dược) và các công trình nông thôn khác.

TPHCM 20 năm hiến đất mở rộng hẻm: Những người tiên phong ảnh 1Đường Cô Giang (quận Phú Nhuận) rộng thênh thang sau khi người dân hiến đất mở đường. Ảnh: QUỐC THANH

Quận Phú Nhuận cũng là địa phương đẩy mạnh phong trào vận động nhân dân hiến đất, biến những con hẻm nhỏ hẹp, ngoằn ngoèo trở thành những tuyến hẻm khang trang 4,5-8m. Song ít ai biết rằng, từ những năm 1990, người dân đã đề đạt nguyện vọng được hiến đất để mở rộng hẻm nhằm giúp giao thông được thuận tiện. Để có được con hẻm bê tông sạch đẹp, rộng hơn 9m trước cửa nhà, ít ai biết người dân sống trên con hẻm 74 Trương Quốc Dung (phường 10, quận Phú Nhuận) đã 2 lần hiến đất để nhà nước nâng cấp. Đến giờ, bà Nguyễn Thị Thanh (68 tuổi, ngụ tại số 74/24 Trương Quốc Dung) vẫn nhớ như in buổi họp tổ dân phố vào năm 1990. Đó là lần đầu tiên nhiều người dân có ý kiến mong muốn mở rộng con hẻm...

“Lúc đó con hẻm nhỏ xíu, lầy lội, đi lại rất bất tiện nên ai cũng vui mừng khi nghe mở hẻm. Nhưng nghĩ đến chuyện phải mất một phần nhà, đất thì nhiều người không hào hứng lắm”, bà Thanh nhớ lại. Qua nhiều đêm suy tính, nghĩ đến một con đường sạch sẽ, rộng rãi trước cửa nhà, bà Thanh quyết định sẽ lùi nhà vào khoảng 2m để nhà nước có đất mở rộng hẻm. Nhận thấy tinh thần vì cộng đồng của bà Thanh, nhà phía đối diện cũng xin hiến gần 50m2. Thế rồi, nhiều gia đình khác dọc con hẻm cũng noi gương. Có đất, năm 1994, con hẻm được địa phương nâng cấp rộng rãi, khang trang hơn. Nhận thấy lợi ích lớn khi hẻm mở rộng, nên vào năm 2004, khi nhà nước có chủ trương mở rộng hẻm 74 Trương Quốc Dung, người dân tiếp tục hiến thêm một phần đất của mình để con hẻm nay rộng rãi như một con đường lớn...

Trị giá vật chất do 168.139 hộ dân hiến trong 20 năm qua


Hiến gần 5.400.000 m2 đất (ước tính hơn 10.050 tỷ đồng)

Phục vụ 5.230 công trình

Góp kinh phí hơn 458 tỷ đồng

Ông NGUYỄN ĐÔNG TÙNG - Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận:

Thành quả trong công tác vận động nhân dân hiến đất mở rộng hẻm tại quận Phú Nhuận chính nhờ vào sự nỗ lực cao độ của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người dân. Đây là kết tinh những tấm lòng cao quý của các hộ dân đã tình nguyện hiến từng mét vuông nhà, đất để phục vụ lợi ích chung của cộng đồng.

Bà HUỲNH THỊ MỸ - Nguyên Chủ tịch UBND phường 10, quận Phú Nhuận:

Hẻm 74 Trương Quốc Dung có thể xem là con hẻm đầu tiên mở đầu cho phong trào mở rộng hẻm theo hình thức nhà nước và nhân dân cùng làm tại quận Phú Nhuận. Sự thành công của con hẻm nằm ở việc phát huy thực hiện quy chế dân chủ, công khai các chính sách, tạo điều kiện để người dân tham gia bàn bạc các giải pháp. Trong đó, vai trò của người dân là rất lớn. Bởi chỉ khi người dân đồng tình ủng hộ và tình nguyện đóng góp quỹ đất của mình thì mới có những con hẻm khang trang, rộng rãi.

Ông VÕ THÀNH MINH - Cán bộ hưu trí, hẻm 127 Cô Giang, phường 1, quận Phú Nhuận:

Đây là cuộc vận động hợp lòng dân, mang lại nhiều lợi ích thì dân đồng thuận. Bên cạnh đó, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã giúp người dân hiểu hơn về ý nghĩa nhân văn của cuộc vận động. Theo tôi, điều làm nên thành công còn nằm ở sự vào cuộc của từng thành viên trong mỗi gia đình; và gia đình này vận động, thuyết phục, giúp gia đình kia hiểu rõ giá trị của việc hiến đất”.

Các tin khác