Phóng viên Báo SGGP có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Thinh (ảnh), Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM, về công tác chuẩn bị cũng như tác động của chính sách đối với mục tiêu giảm nghèo bền vững của TP.
Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Lê Văn Thinh
PHÓNG VIÊN: Thưa ông, việc Nghị quyết 98 cho phép TPHCM bố trí ngân sách để hỗ trợ cho vay giảm nghèo, giải quyết việc làm có ý nghĩa như thế nào với người dân trong bối cảnh hiện nay?
* Ông LÊ VĂN THINH: Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 của TP có mục tiêu phấn đấu thực hiện giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 0,35%/năm và giảm tỷ lệ hộ cận nghèo bình quân 0,2%/năm. Đến cuối năm 2025, cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn nghèo cả nước, còn dưới 0,5% hộ nghèo theo chuẩn nghèo TP. Nghị quyết 98 mang lại nhiều ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, đem lại hiệu quả và lợi ích rất lớn đối với người dân, người lao động nghèo trên địa bàn.
Đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, dần thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh, dẫn đến một số lao động bị thất nghiệp, mất việc làm, ảnh hưởng đến cuộc sống. Nguồn vốn vay ưu đãi này sẽ góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, giảm tệ nạn tín dụng đen, giúp người lao động có vốn tự tổ chức sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, tạo nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống cho bản thân và gia đình.
Ông đánh giá như thế nào về nhu cầu vay vốn của người dân hiện nay, TP có mở rộng đối tượng được vay vốn?
* Nhu cầu vay vốn của người dân ngày càng tăng, mức vay ngày càng cao, đạt mức cho vay tối đa theo quy định là 100 triệu đồng/hộ đối với nguồn vốn cho vay hỗ trợ giảm nghèo và 100 triệu đồng/lao động đối với nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm. Nhu cầu vay vốn này tập trung vào việc tổ chức sản xuất, kinh doanh nhằm tạo việc làm tại chỗ cho lao động trong gia đình, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Nguồn vốn cho vay hỗ trợ giảm nghèo và giải quyết việc làm là nguồn vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi. Vì vậy, đối tượng được vay hỗ trợ giảm nghèo là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo để có nguồn vốn sản xuất, kinh doanh, sửa chữa nhà, mua sắm phương tiện học tập, học nghề, chăm sóc sức khỏe, trang trải kinh phí tham gia làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Đối tượng được vay giải quyết việc làm là người lao động để tổ chức sản xuất kinh doanh tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm và trang trải kinh phí cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đây là nguồn vốn cho vay để giảm nghèo từ xa nhằm giảm thiểu khả năng phát sinh hộ nghèo, hộ cận nghèo trong tương lai.
Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội quận 12, TPHCM hướng dẫn thủ tục vay vốn ưu đãi cho người dân. Ảnh: NGÔ BÌNH
TPHCM đã chuẩn bị như thế nào về cơ chế, nguồn vốn để triển khai thực hiện chính sách này?
* Sở LĐTB-XH đã phối hợp với Sở KH-ĐT tham mưu UBND TPHCM trình HĐND TPHCM bố trí nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để cho vay hỗ trợ giảm nghèo và cho vay giải quyết việc làm. Sở LĐTB-XH cũng phối hợp với sở, ngành liên quan tham mưu UBND TPHCM trình HĐND TPHCM ban hành nghị quyết quy định tiêu chí, điều kiện, mức, nội dung, hình thức và thời gian hỗ trợ của nguồn vốn cho vay hỗ trợ giảm nghèo và cho vay giải quyết việc làm. Ngày 12-7, HĐND TPHCM đã ban hành Nghị quyết 06/2023.
Về vốn dự kiến bổ sung, UBND TPHCM chấp thuận dự kiến phương án sử dụng nguồn vốn đầu tư công trung hạn tăng thêm bổ sung cho nguồn vốn hỗ trợ giảm nghèo và cho vay giải quyết việc làm trên địa bàn TP giai đoạn 2021-2025 là 4.726 tỷ đồng, vốn này sẽ được thành phố bổ sung hàng năm. Trong năm 2023 sẽ bổ sung 2.796 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công để cho vay hỗ trợ giảm nghèo và giải quyết việc làm.
Để được vay vốn ưu đãi, người dân phải đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn nào?
Đối với nguồn vốn hỗ trợ giảm nghèo, đối tượng cho vay là hộ nghèo, hộ cận nghèo TP giai đoạn 2021-2025, hộ mới thoát nghèo trong thời gian 36 tháng (kể từ thời điểm được công nhận thoát nghèo). Hộ có phương án vay vốn khả thi triển khai trên địa bàn TPHCM sẽ được vay tối đa 100 triệu đồng với nội dung sử dụng vốn vay đảm bảo theo quy định tại Quyết định 51/2021 ngày 15-12-2021 của UBND TPHCM (Quyết định 51) về quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay hỗ trợ giảm nghèo trên địa bàn.
Đối với nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, người vay phải là lao động cư trú hợp pháp tại địa phương nơi thực hiện dự án. Có phương án vay vốn khả thi triển khai trên địa bàn TPHCM. Người lao động được vay tối đa 100 triệu đồng với nội dung sử dụng vốn đảm bảo theo quy định tại Quyết định 51.
TP tính đến khả năng thu hồi vốn trong trường hợp người vay mất khả năng trả nợ ra sao?
mKhi người vay vốn sử dụng vốn vay đúng mục đích, mất khả năng trả nợ vì rủi ro khách quan xảy ra, TP đã thành lập Quỹ dự phòng rủi ro của nguồn vốn hỗ trợ giảm nghèo và cho vay giải quyết việc làm để xử lý rủi ro từng trường hợp cụ thể, đồng thời xem xét tiếp tục cho hộ vay vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh cải thiện cuộc sống.
Xin cảm ơn ông!