Trao đổi với PV Báo SGGP, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Võ Trung Trực cho biết: Đây là số vốn lớn nhất trong lịch sử công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (BT-GPMB), hỗ trợ, tái định cư của TPHCM. Nếu cứ làm theo cách cũ thì rất khó đạt kế hoạch.
Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Võ Trung Trực |
* PHÓNG VIÊN: “Làm theo cách cũ” là làm như thế nào, xin ông nói rõ thêm?
- Ông VÕ TRUNG TRỰC: Nhiều năm làm công tác BT-GPMB, tôi cho rằng có nhiều yếu tố quyết định đến việc người dân sớm đồng thuận, bàn giao mặt bằng. Trước tiên vẫn là yếu tố giá, có được sát giá thị trường hay không; đi cùng đó là chính sách tái định cư và các phương án hỗ trợ khác; công tác vận động, thuyết phục có tốt không; sự gần gũi, thân thiện của chính quyền cơ sở; sự phối hợp của các sở ngành.
Thực tế ở một số nơi, khi chủ tịch, phó chủ tịch UBND quận - huyện ký quyết định thu hồi đất thì chuyển xuống ban BT-GPMB. Ban phối hợp phường - xã mời người dân lên nhận quyết định. Khi người dân lên thì thuyết phục qua loa, người dân đồng ý nhận tiền thì chi trả, không đồng thuận thì chuyển tiền vào kho bạc, xem như hoàn thành nhiệm vụ. Hàng tuần, hàng tháng có họp, báo cáo, nhưng không có giải pháp cụ thể để thực hiện dứt dạt. Từ đó, có những dự án thực hiện công tác BT-GPMB kéo dài từ năm này qua năm khác, không dứt điểm được.
* Liệu có khẳng định được rằng, nơi nào lãnh đạo thực sự quan tâm, vào cuộc, hòa mình với anh em, người dân thì ở đó công tác BT-GPMB tốt hơn hẳn những nơi khác?
- Thẳng thắn mà nói, thời gian qua UBND TPHCM đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc nhưng tinh thần chấp hành của một số địa phương chưa tốt. Nhiều lúc sở mời lên họp về bồi thường, quận - huyện chỉ cử trưởng phòng, thậm chí chuyên viên họp, không quyết định được.
Mới đây, trong 2 ngày 17 và 18-5, Sở TN-MT chủ trì 4 cuộc họp với tất cả quận, huyện, TP Thủ Đức (trừ quận 1 không có vốn bồi thường trong năm nay). Đáng mừng là nhiều phó chủ tịch quận, huyện đã tham dự và trực tiếp trao đổi, thảo luận các vướng mắc cụ thể, nhờ đó đã tìm ra giải pháp giải quyết vụ việc hiệu quả.
Như trường hợp của quận 5, năm 2023 được giao hơn 580 tỷ đồng bồi thường dự án Kênh Hàng Bàng. Ban đầu, quận cho biết tiến độ là đến tháng 12 mới bắt đầu chi trả tiền bồi thường và đến quý 1-2024 mới có thể hoàn thành. Tại cuộc họp vừa qua, có Phó Chủ tịch UBND quận 5 dự và chúng tôi đã trao đổi cụ thể, giải quyết được nhiều vấn đề vướng mắc. Lãnh đạo quận 5 khẳng định, trong tháng 8 có thể chi trả và tháng 10 năm nay có thể bàn giao được mặt bằng.
Các hộ dân ở xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè đồng thuận bàn giao mặt bằng, nhờ đó cầu Long Kiểng được đẩy nhanh tiến độ thi công, dự kiến hoàn thành vào dịp 2-9 |
* Như vậy, giải pháp đột phá trong công tác BT-GPMB là gì, thưa ông?
- Đó là, sự vào cuộc thực sự của cấp ủy, chính quyền các cấp. Sở TN-MT sẽ đề xuất UBND TPHCM thành lập 4 tổ, với thành viên là các quận, huyện, TP Thủ Đức, ký giao ước thi đua với nhau. Ở mỗi địa phương, khi có dự án mà số trường hợp người dân bị ảnh hưởng lên tới hàng trăm, thì phải lập ra các tổ công tác. Mỗi tổ do một đồng chí trong Ban Thường vụ quận, huyện ủy phụ trách, chịu trách nhiệm xuyên suốt vận động, thuyết phục người dân.
Từ đó, các tổ công tác xuống tận xã, phường, thị trấn, tổ chức mời người dân nhận quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đồng thời với việc vận động người dân đồng thuận nhận tiền, bàn giao mặt bằng thì khả năng thành công đã đạt hơn 70%. Đối với các trường hợp người dân chưa đến, thì tổ xuống tận nhà thực hiện trao quyết định cho người dân, vận động người dân thì sẽ được thêm 15% nữa.
Trường hợp người dân chưa đồng thuận, thì lắng nghe, trao đổi, ghi nhận ý kiến để giải quyết theo thẩm quyền. Nói tóm lại, phải có phương pháp làm việc tận tâm, tận lực thì việc BT-GPMB mới đạt hiệu quả.
Trong công tác BT-GPMB dự án Vành đai 3, huyện Hóc Môn đang có tiến độ nhanh nhất, hiện đã có hơn 200 hộ trong tổng số 332 trường hợp đồng ý bàn giao mặt bằng, phấn đấu đến ngày 30-6 thì hoàn thành toàn bộ.
Theo một lãnh đạo huyện, kinh nghiệm ở đây là phải bám sát công việc, lắng nghe tâm tư của người dân, giải quyết rốt ráo.
Cụ thể, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn đến từng nhà dân, lắng nghe những nội dung nào phù hợp thì kiến nghị, đề xuất cấp trên. Thực tế phương án về giá, chính sách bồi thường tái định cư sau khi lấy ý kiến người dân có rất nhiều thay đổi so với dự thảo ban đầu. Rồi cán bộ xuống động viên, trực tiếp đo vẽ và cấp phép, làm lại giấy tờ cho người dân; những hộ khó khăn thì tìm nguồn xã hội hóa để xây nhà tình thương…