Khuyến khích chuyển đổi xanh
Là trung tâm kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật của cả nước, TPHCM đang đối mặt với nhiều thách thức trong việc phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Chính vì vậy, việc xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế xanh là một giải pháp quan trọng, giúp TPHCM phát triển bền vững trong điều kiện hiện nay.
Để khuyến khích các doanh nghiệp (DN) chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh, TPHCM cần xây dựng cơ chế tài chính hỗ trợ, bao gồm các khoản vay ưu đãi, giảm thuế, miễn giảm các chi phí liên quan đến đầu tư vào công nghệ sạch, năng lượng tái tạo. TPHCM cũng có thể lập các quỹ hỗ trợ, cung cấp tài chính cho các dự án đầu tư vào công nghệ xanh, đặc biệt là những DN nhỏ và vừa. Đặc biệt, các DN sản xuất và cung cấp sản phẩm thân thiện với môi trường cần được hỗ trợ marketing và kết nối thị trường.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu và áp dụng các công nghệ mới vào sản xuất, từ năng lượng tái tạo, vật liệu xanh đến các giải pháp tiết kiệm năng lượng. TPHCM cần tăng cường đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu, hỗ trợ các viện nghiên cứu, trường đại học và DN trong việc phát triển công nghệ mới và cải tiến quy trình sản xuất thân thiện với môi trường.
TPHCM có thể tạo ra các quỹ hỗ trợ nghiên cứu, triển khai thử nghiệm và ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong sản xuất và tiêu dùng bền vững. Do vậy, cơ chế tài chính cần được thực hiện linh hoạt, có tính mở cao đối với các dự án nghiên cứu, sản xuất xanh, nhất là dành cho các DN.
TPHCM cần xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo để giảm phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch và bảo vệ môi trường. Việc hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp cho các hộ gia đình, DN và tổ chức đầu tư vào hệ thống điện sạch cần được triển khai. Bên cạnh đó, chính quyền cần có chính sách khuyến khích các DN sản xuất thiết bị năng lượng tái tạo tại TPHCM để tạo ra thị trường nội địa, giảm giá thành sản phẩm và thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp năng lượng xanh.
Thí dụ, các dự án đốt rác để sản xuất điện dù được nhắc đến nhiều lần nhưng hiện vẫn chưa được vận hành thực sự có hiệu quả. Tất cả những điều đó cần được nghiên cứu thấu đáo và có giải pháp tháo gỡ để bảo đảm việc thay thế dần các năng lượng hóa thạch được thúc đẩy nhanh hơn.
Ưu đãi phương tiện giao thông xanh
Giao thông đô thị là một trong những nguồn phát thải khí nhà kính lớn tại các thành phố lớn. Do vậy, TPHCM cần ưu tiên phát triển giao thông công cộng, như xe buýt điện, tàu điện và các phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch, trước hết là các phương tiện công cộng.
Các chính sách hỗ trợ DN đầu tư vào phương tiện giao thông xanh cần được thực hiện đồng bộ, mạnh mẽ, lâu dài. Ngoài ra, TPHCM cũng cần cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng cho phương tiện giao thông xanh như trạm sạc điện cho ô tô và xe máy điện.
TPHCM cũng cần có cơ chế khuyến khích các DN đầu tư vào ngành công nghiệp tái chế, xử lý chất thải. Các chính sách hỗ trợ nên gồm việc giảm thủ tục cấp phép, miễn giảm thuế, cung cấp các khoản vay ưu đãi cho các DN công nghệ cao trong lĩnh vực này. Đồng thời, TPHCM cần thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, nơi tài nguyên được sử dụng tối đa và chất thải được tái sử dụng hoặc tái chế.
TPHCM có thể khuyến khích các DN áp dụng mô hình này thông qua các chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất và tái sử dụng nguyên liệu. Cùng với đó, cần có các cơ chế quản lý hiệu quả về tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ nguồn nước và giảm thiểu việc sử dụng tài nguyên không tái tạo.
Để phát triển kinh tế xanh hiệu quả, TPHCM cần đẩy mạnh các hoạt động giáo dục, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế xanh. Chính quyền cần tổ chức các chiến dịch tuyên truyền, giáo dục về tiết kiệm năng lượng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, phân loại rác và sử dụng sản phẩm xanh.
Các hoạt động này sẽ tạo ra một cộng đồng có ý thức bảo vệ môi trường và tích cực tham gia vào các hoạt động xanh. Tức là, từng chủ DN, từng công nhân cần ý thức sâu sắc rằng việc bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh không phải chỉ là nghĩa vụ mà chính là quyền lợi lâu dài của bản thân và đơn vị của mình.
Cơ chế hợp tác phù hợp
Để phát triển kinh tế xanh, TPHCM cần đẩy mạnh việc hợp tác giữa Nhà nước và các DN, cả tư nhân và có vốn đầu tư nước ngoài, trong các dự án phát triển bền vững. Các dự án về năng lượng tái tạo, giao thông xanh, xử lý chất thải và phát triển hạ tầng xanh có thể được triển khai theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Các cơ chế hợp tác này giúp chia sẻ chi phí đầu tư, giảm rủi ro và tăng tính hiệu quả trong việc triển khai các dự án xanh. Đồng thời, TPHCM cần mở rộng hợp tác với các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ.
Sự hỗ trợ từ các tổ chức này có thể giúp TPHCM có được những kinh nghiệm quý báu, nguồn lực tài chính và kỹ thuật tiên tiến trong việc phát triển các ngành công nghiệp xanh. Thí dụ, TPHCM có thể hợp tác với các tổ chức quốc tế để nghiên cứu, phát triển và triển khai các công nghệ thân thiện với môi trường.
Các tổ chức này có thể cung cấp các khoản viện trợ hoặc hỗ trợ kỹ thuật trong việc sản xuất năng lượng tái tạo, xử lý chất thải, giao thông xanh và bảo vệ tài nguyên. Bên cạnh đó, TPHCM có thể tìm kiếm các nguồn tài trợ từ các tổ chức quốc tế để phát triển các dự án kinh tế xanh.
Hiện nay, việc phát triển kinh tế xanh tại TPHCM là một xu thế tất yếu và cần được triển khai đồng bộ, với các cơ chế, chính sách hỗ trợ từ chính quyền. Những đề xuất trên nhằm tạo ra một môi trường thuận lợi cho DN và cộng đồng tham gia vào quá trình chuyển đổi sang một nền kinh tế xanh, bền vững.
Do vậy, TPHCM cần thực sự quan tâm và có biện pháp triển khai quyết liệt, mạnh mẽ nhằm đạt được mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, đồng thời bảo vệ môi trường sống cho thế hệ tương lai.