Đó là làm sao phân cấp phân quyền cho TPHCM nhiều hơn, và cán bộ trong bộ máy công quyền cần năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Một chính sách không thể đúng mọi nơi, mọi lúc
Suy nghĩ, tâm tư là tình trạng chung của cán bộ, nhất là các cấp trưởng ở TPHCM hiện nay trước Nghị quyết lớn như thế. Bởi một thực tế không phủ nhận, là trong thời gian này nhiều cán bộ có tâm lý chững lại, chờ đợi và tìm sự an toàn.
Cũng khó trách họ được, vì sau lưng họ là gia đình, bản thân họ còn có cả sự nghiệp chính trị, danh dự. Nếu sáng tạo, cải tiến, bứt phá đúng không sao, nếu bị sai chắc chắn sẽ bị xử lý ở các mức độ khác nhau theo luật, cho dù có động cơ trong sáng bất vụ lợi.
Luật là luật, khó có thể nói chuyện thông cảm. Một loạt cán bộ lãnh đạo cấp TP và cấp sở ở TPHCM bị kỷ luật trong thời qua, không thể không tác động tới tâm tư tình cảm của họ.
Với TPHCM, việc phân cấp phân quyền nói cho cùng là phân quyền thừa hành và phân cấp chịu trách nhiệm, dù cho có nhiều hơn, lớn hơn vẫn chưa phải là trao quyền quản trị theo mô hình “trao quyền tự chủ theo địa bàn” gắn với trách nhiệm cá nhân như thống đốc bang, hay thị trưởng, và cho dù lớn đến đâu vẫn không qua được bộ ngành Trung ương.
TPHCM rất cần hành lang pháp lý để đảm bảo vững tâm khi tự do hành động, cũng như để cán bộ TP yên tâm sáng tạo, đổi mới.
Trong mấy chục năm qua, thực tế cho thấy sự phát triển các địa phương luôn sinh động, phức tạp và thực tiễn thay đổi nhanh chóng. Mỗi địa phương tỉnh thành là một thực thể rất khác nhau, do điều kiện tự nhiên và văn hóa- xã hội khác biệt nhau, nên một chính sách không thể đúng cho mọi nơi, mọi lúc.
Vì vậy, thể chế chính trị của các quốc gia, nhất là các quốc gia phát triển, luôn có ý thức xây dựng một hành lang pháp lý để các địa phương vận động trong hành lang đó.
Hành lang pháp lý được hiểu là là những nguyên tắc, quan điểm được viết thành văn do cá nhân, hay tổ chức tối cao quốc gia ban hành như vua, quốc hội, hội đồng quốc gia. Các thực thể trong quốc gia phải chấp hành.
Mỗi quốc gia có cách diễn đạt khác nhau, nhưng những nguyên tắc bất di bất dịch được truyền qua nhiều thế hệ, như tuyệt đối trung thành với lợi ích quốc gia, dân tộc; không được ly khai, không lợi ích cục bộ, không có lực lượng vũ trang riêng… cùng những quy định khác tùy đặc điểm từng quốc gia, vùng miền.
Những lợi ích quan trọng
Hành lang pháp lý mang lại 2 lợi ích quan trọng. Thứ nhất, đảm bảo an toàn cho người đi trong hành lang đó. Giống như hành lang chung cư, hành lang giao thông, hành lang giữa các tòa nhà, con người di chuyển trong đó được bảo vệ bởi hàng rào, lan can và các thiết bị an toàn khác như tín hiệu, biển báo. Hành lang pháp lý cho phép các chủ thể vận hành trong đó không sợ bị đe dọa, xâm phạm đến giá trị nếu anh tuân thủ các quy định trong hành lang đó.
Thứ hai là sự tự do. Hành lang không phải là lằn ranh mà là khoảng không gian đảm bảo cho người di chuyển trong đó quyết định tốc độ đi nhanh hay chậm, dịch chuyển qua lại sao cho phù hợp với mình, nhưng vẫn giữ được các nguyên tắc chung.
Chính nhờ có các hành lang pháp lý này, các quốc gia theo thể chế liên bang như Mỹ, Ấn Độ, hay Nga mới hoạt động bình thường được. Kể cả các quốc gia có sự đa dạng cũng cần có hành lang pháp lý này để các sắc tộc, vùng miền vận hành ăn khớp nhau. Hành lang pháp lý một mặt giữ được sự thống nhất về quan điểm và hành động trong một quốc gia, mặt khác tạo ra những khoảng tự do cho các chủ thể được chủ động, sáng tạo, và linh hoạt.
Việc xây dựng hành lang pháp lý trong quan hệ giữa Trung ương và địa phương, giữa vùng này với vùng khác, thường được ghi trong hiến pháp và ở các bộ luật khác nhau, nhiều nhất là ở “luật chính quyền địa phương” khi đề cập đến phân quyền quản trị và tự trị.
Kiểu quản lý phân quyền và tự trị diễn ra rất sớm ở châu Âu (khoảng đầu thế kỷ 18 do đòi hỏi của các đô thị công nghiệp khổng lồ), còn ở châu Á phải đến năm 1947 lần đầu tiên được thiết lập ở Nhật Bản bằng bộ luật “Tự trị địa phương”.
Trong khi đó, ở Đông Nam Á khá muộn màng, một bộ luật tương tự được Malaysia thông qua năm 1976, Philippines thông qua “luật chính quyền địa phương”năm 1989, còn Thái Lan ban bố luật “phân quyền” năm 1997.
Tuy nhiên, hành lang pháp lý chỉ tồn tại thực tế khi nó được vận hành trên niềm tin rất cao (có thể là tuyệt đối), Trung ương tin địa phương, cấp trên tin cấp dưới, đồng cấp (tỉnh, thành) tin nhau. Với niềm tin, đảng cầm quyền (hầu như các nước trên thế giới đứng đằng sau chính phủ, nhà nước là một đảng chính trị) và nhà nước, chính phủ mới trao quyền cho bên dưới theo hệ thống dọc. Trong khi bên dưới cũng tin tưởng vào bên hỗ trợ, ủng hộ, khi mình ra các quyết định quan trọng có tính rủi ro cao.
Đảng bộ, UBND, HĐND TPHCM cần có những hành lang pháp lý như thế để đảm bảo vững tâm khi tự do hành động. TP cũng cần có hành lang pháp lý như thế cho cán bộ TP, để họ yên tâm sáng tạo, đổi mới. Trong bối cảnh phải chờ đợi hàng năm để có các văn bản giải thích các điều luật, nghị định ban hành ra hiểu thế nào cũng được, rủi ro chính trị sẽ rất cao.
Trong những năm qua, TPHCM đã có những sai lầm, cán bộ bị kỷ luật, nhưng nhân dân cả nước vẫn đặt niềm tin, và Đảng bộ, HĐND, UBND và hệ thống chính trị TP sẽ làm cho “TPHCM phải sớm trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á và châu Á, có năng lực cạnh tranh toàn cầu”, như Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.