Chiều 29-6, UBND TPHCM tổ chức phiên họp tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023. Mở đầu phiên họp, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi yêu cầu tập trung đánh giá kết quả 6 tháng đầu năm 2023 để lượng hóa các nhiệm vụ, chỉ tiêu đề ra.
Đồng thời, Chủ tịch UBND TPHCM mong muốn lắng nghe nhiều ý kiến của các chuyên gia tại buổi họp; cũng như các ý kiến của sở ban ngành, các địa phương. Từ đó, đề ra những giải pháp trọng tâm cho 6 tháng cuối năm.
Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai đánh giá, nhìn chung, trong 6 tháng đầu năm 2023, TPHCM làm tốt mục tiêu ngăn chặn đà suy thoái, các lĩnh vực kinh tế có mức tăng trưởng khá. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn TP (GRDP) ước tăng 3,55% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, khu vực dịch vụ đóng góp lớn nhất vào mức tăng GRDP khi tăng 4,96% so với cùng kỳ và đóng góp 89% vào tốc độ tăng GRDP. Riêng 9 ngành dịch vụ chủ yếu của TPHCM tăng 4,92%, đóng góp 80,6% vào tốc độ tăng GRDP.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 561.734 tỷ đồng, tăng 7,1% so với cùng kỳ.
Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG |
Về tình hình thực hiện đầu tư công, Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM cho biết, TPHCM đã giao và phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 là hơn 68.490 tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách trung ương hơn 14.996 tỷ đồng và vốn ngân sách địa phương hơn 53.493 tỷ đồng.
Tính đến hết ngày 23-6, tổng vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 của TPHCM đã giải ngân là 10.244 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 15% tổng số vốn giao.
Bên cạnh kết quả tích cực, Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM nhìn nhận, trước bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, biến động, môi trường quốc tế đang kém thuận lợi, thị trường bất động sản, thị trường tài chính chậm cải thiện, tác động trực tiếp làm sản xuất công nghiệp trong nước nói chung và của TPHCM bị ảnh hưởng.
Trong đó, đơn hàng sản xuất giảm, hàng hóa tồn kho tăng, kim ngạch xuất nhập khẩu giảm. Trong bối cảnh chung đó, ngành công nghiệp cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ, nhất là sản xuất sản phẩm điện tử.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG |
Ngoài ra, giải ngân vốn đầu tư công thấp (đạt 15%); lãi suất cho vay vẫn ở mức cao, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của doanh nghiệp để thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh trên thực tế vẫn khó khăn.
Tuy doanh thu du lịch tăng cao so với cùng kỳ, các hoạt động du lịch đã sôi động trở lại nhưng vẫn còn không ít doanh nghiệp lữ hành, khách sạn chưa thể phục hồi hoàn toàn sau đại dịch. Lượng phương tiện xe cơ giới đường bộ đến hạn kiểm định rất lớn, các đơn vị đăng kiểm trên địa bàn TPHCM quá tải.
Trước bối cảnh trên, Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM cho biết một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, đó là tập trung hoàn thiện, triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM góp phần khơi thông, huy động mọi nguồn lực cho sự phát triển của TPHCM.
Bên cạnh đó, tập trung rà soát, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thẩm quyền trên các lĩnh vực (về cải cách hành chính, thủ tục hành chính, bất động sản, hoàn thuế, kế hoạch sử dụng đất hằng năm, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gắn với tài sản trên đất;…)
Triển khai chương trình kích cầu đầu tư TPHCM, đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; các giải pháp kích cầu thúc đẩy bán lẻ, tiêu dùng, tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế... Ngoài ra, TPHCM mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Đồng thời tập trung hỗ trợ doanh nghiệp phát triển xuất khẩu theo mô hình tăng trưởng bền vững, vừa mở rộng quy mô xuất khẩu, vừa chú trọng nâng cao giá trị gia tăng xuất khẩu; khuyến khích sản xuất và xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm sản xuất “xanh, tuần hoàn”.
Cùng với đó, TPHCM tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023...