Ngổn ngang
Từ xã Nhuận Đức, chúng tôi chạy trên đường Nguyễn Thị Rành qua các xã An Nhơn Tây, Phú Mỹ Hưng (huyện Củ Chi), dự án Công viên Sài Gòn Safari nằm vùng giáp ranh xã An Nhơn Tây và xã Phú Mỹ Hưng, tấm bảng thông báo dự án vẫn còn nhưng đã rách nát. Cả một vùng đất (nơi dự án sẽ được triển khai) mênh mông hoang vắng, cỏ mọc đầy.
Dự án Công viên Sài Gòn Safari có quy mô 456,85ha, được đánh giá là một trong những dự án lớn của đô thị Tây Bắc cũng như của TPHCM. Để thực hiện dự án, tháng 6-2004, UBND TPHCM ra quyết định thu hồi đất, giao chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn và UBND huyện Củ Chi tiến hành bồi thường và tái định cư cho hơn 700 hộ dân.
Cách khu vực này chừng 5km, Dự án hạ tầng khu tái định cư Sài Gòn Safari (vị trí ấp Bàu Đưng, xã An Nhơn Tây) được huyện Củ Chi khởi công từ tháng 8-2019. Đến nay, đường giao thông nội bộ, điện chiếu sáng đã cơ bản hoàn thiện nhưng Công viên Safari thì… chưa thấy đâu.
Dự án Công viên Sài Gòn Safari nằm giáp ranh xã An Nhơn Tây và xã Phú Mỹ Hưng. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Dự án Khu đô thị Đại học Quốc tế có quy mô 880ha, nằm gần quốc lộ 22 (đường Xuyên Á) và đường Đặng Công Bỉnh (đường Thanh Niên), được tách biệt hoàn toàn bởi hệ thống kênh đi qua địa bàn xã Tân Thới Nhì (huyện Hóc Môn, TPHCM), tổng mức đầu tư của dự án là 59.000 tỷ đồng (khoảng 2,5 tỷ USD), mục tiêu phát triển thành một khu đô thị - đại học quốc tế trong Khu đô thị Tây Bắc TPHCM với quy mô dân số khoảng 64.160 người.
Dự án do Công ty TNHH Đô thị Đại học Quốc tế Berjaya Việt Nam (Công ty Berjaya Việt Nam) làm chủ đầu tư, được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào ngày 1-7-2008, dự kiến thời gian hoàn thiện là 10 năm. Sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, Công ty Berjaya Việt Nam đã tiến hành các thủ tục trình cơ quan nhà nước phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người dân để lấy đất làm dự án. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nhà đầu tư gặp khó khăn về tài chính nên chưa biết đến bao giờ mới hoàn thành.
Theo ông Nguyễn Văn Lưu, nguyên Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, để thực hiện mục tiêu xây dựng huyện Nhà Bè trở thành vùng kinh tế phát triển năng động, là địa bàn kinh tế động lực của TPHCM về phía Nam, thì một trụ cột không thể bỏ qua là đầu tư xây dựng Khu đô thị công nghiệp - Cảng Hiệp Phước. Theo đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu đô thị Hiệp Phước được UBND TPHCM phê duyệt năm 2013, đây là khu đô thị gắn với cảng biển - tạo điều kiện mở rộng không gian đô thị thành phố ra biển, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho thành phố.
Khu đô thị Hiệp Phước là khu đô thị mới đa chức năng và có tính đặc thù của đô thị ven cảng. Tham vọng là vậy, nhưng trên thực tế thì đô thị này bao giờ có vẫn là câu hỏi khó…
Mô hình đô thị vệ tinh
TPHCM đang tiến hành điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng. Nghiên cứu bước đầu của tư vấn là nên đầu tư những trung tâm đô thị quy mô lớn ở các cửa ngõ, nơi quỹ đất lớn, giá đất thấp, nhằm kiến tạo nơi sống và làm việc cho số đông lao động. Song song đó, UBND TPHCM cũng đã giao cho một số cơ quan chuyên môn nghiên cứu việc “lên” quận hoặc thành phố của các huyện ngoại thành.
Nhận định về việc này, nhiều chuyên gia quy hoạch cho rằng, đô thị hóa là quá trình tất yếu của một trung tâm kinh tế lớn như TPHCM. Tuy nhiên, không phải “đô thị hóa” tất cả mà vẫn phải dành không gian cho nông nghiệp, mảng xanh.
Ông Hoàng Minh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng TPHCM, cho biết, đây là kinh nghiệm phát triển đô thị bền vững ở nhiều nước tiên tiến. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội ở các đô thị vệ tinh được xây dựng hoàn chỉnh như ở đô thị hạt nhân, và chúng có thể là các đô thị chuyên biệt, hoặc gánh vác một số chức năng cho đô thị chính, nếu đô thị chính đã quá tải. Các đô thị này kết nối với nhau bằng các tuyến quốc lộ hoặc vận tải công cộng khối lượng lớn như metro, tuyến buýt nhanh. Và khoảng cách giữa các đô thị này là mảng xanh hoặc các khu đất nông nghiệp có trồng trọt, chăn nuôi.
Được thiết kế hài hòa, cân đối giữa phát triển và gìn giữ không gian xanh như vậy, nên nhiều siêu đô thị đã phát triển rất bền vững. Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn đồng quan điểm khi cho rằng, việc hình thành các đô thị vệ tinh sẽ giúp TPHCM phát triển bền vững hơn. Đô thị vệ tinh với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội đồng bộ sẽ là nơi “an cư, lạc nghiệp” cho người lao động. Như vậy, họ sẽ không phải đi vào nội thành (của đô thị chính), qua đó sẽ giảm lưu lượng giao thông, giúp giảm kẹt xe, giảm phát thải khói xe và giúp thành phố phát triển bền vững hơn.
Kiến trúc sư Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TPHCM, cũng thống nhất và bổ sung thêm, việc giãn dân ra các khu đô thị vệ tinh còn giúp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực phát triển mới, mở rộng không gian phát triển cho TPHCM.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, cho biết, huyện Củ Chi tiếp giáp các tỉnh Long An, Tây Ninh, Bình Dương, thuận lợi cho việc giao thương kinh tế, văn hóa và xã hội, đặc biệt là kết nối giao thông, vận chuyển hàng hóa, trao đổi nguồn nhân lực. Huyện có hệ thống sông, kênh rạch khá đa dạng, như sông Sài Gòn, Rạch Tra, Rạch Sơn, Bến Mương… Trong đó, nổi bật là sông Sài Gòn với chiều dài 54km trải dọc theo huyện Củ Chi. Đây là điều kiện quan trọng, giúp kết nối được các đô thị ven sông, thuận lợi cho việc phát triển các khu vui chơi, khu du lịch sinh thái ven sông, vận tải hành khách, vận tải hàng hóa…