TPHCM chưa triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dưới 18 tuổi

(ĐTTCO) - Chiều 27-8, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng chống dịch trên địa bàn. Chủ trì buổi họp báo có các đồng chí: Lê Hải Bình, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Phạm Đức Hải, Phó Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM; Tô Đại Phong, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM.

Đồng chí Phạm Đức Hải, Phó Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM thông tin tại buổi họp báo

Đồng chí Phạm Đức Hải, Phó Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM thông tin tại buổi họp báo

Đề xuất đưa sách giáo khoa vào mặt hàng thiết yếu

Khái quát về tình hình sau 5 ngày tăng cường giãn cách, Phó Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM Phạm Đức Hải đánh giá, ý thức người dân được nâng lên, lưu lượng tham gia giao thông giảm, việc xét nghiệm được đẩy nhanh, an sinh xã hội được nhanh chóng triển khai và bước đầu đảm bảo nhu cầu của người dân.

Tuy nhiên, cũng còn một số mặt hạn chế. Đó là, việc giãn cách ở một số nơi thực hiện chưa thực sự nghiêm. Những ngày qua, một bộ phận vẫn ra đường mà không có lý do. Các cơ quan chức năng đã lập biên bản đối với gần 2.500 trường hợp, xử phạt hơn 3,4 tỷ đồng. Việc hỗ trợ người dân ở một số nơi còn chậm, chưa kịp thời và chưa nhịp nhàng.

Thông tin cụ thể về tình hình dịch Covid-19, đồng chí Phạm Đức Hải cho biết, tính đến 0 giờ ngày 27-8, TPHCM có 194.596 trường hợp mắc Covid-19 được Bộ Y tế công bố. TPHCM đang điều trị 38.559 người; trong đó có 2.310 trẻ em, 2.739 bệnh nhân đang thở máy, 20 bệnh nhân đang chạy ECMO. Trong ngày có hơn 2.236 bệnh nhân xuất viện. Như vậy, từ 1-1 đến nay có 99.955 người đã xuất hiện.

Trong ngày có 287 ca tử vong; tính từ ngày 1-1 đến nay là 8.097 người tử vong. Về xét nghiệm, từ giờ 18 giờ ngày 25-8 đến 18 giờ ngày 26-8, TPHCM lấy gần 377.390 xét nghiệm. Về vaccine, tổng mũi vaccine triển khai tiêm là hơn 5,74 triệu liều.

Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Thành Trung cho biết, để chuẩn bị cho năm học mới 2021-2022, ngay từ cuối năm học 2020-2021, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các đơn vị thống kê số lượng nhu cầu sách giáo khoa để chuyển cho các nhà xuất bản chuẩn bị các đầu sách năm học mới. Tính đến nay, sách giáo khoa chuẩn bị cho năm học mới cơ bản đã về TPHCM. Trong đó, có 70% sách dành cho khối tiểu học đã được chuyển đến các trường.

Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT đã phối hợp với các nhà xuất bản triển khai sách giáo khoa điện tử đến tất cả các trường, cơ sở giáo dục và thông tin đến cho phụ huynh học sinh để sử dụng miễn phí bộ sách này, trong quá trình chờ sách giáo khoa đến tay học sinh. Vừa qua Sở đã tham mưu cho UBND TP bổ sung sách giáo khoa vào mặt hàng thiết yếu trong thời gian đầu năm học. Điều này, giúp cho các sở ngành như GT-VT, Công an TP thuận lợi hơn trong cung cấp giấy đi đường cho các nhà xuất bản, công ty phát hành sách, cung ứng sách đến các trường cũng như tới phụ huynh và học sinh. 

Địa phương cung cấp các đầu mối để giúp dân

Về việc đi chợ giúp gặp khó khăn và chậm giao hàng, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM Nguyễn Nguyên Phương cho hay, sở có nhận được nhiều thông tin phản ánh về việc này, tuy nhiên, khi sở nhờ xác định lại việc đó xảy ra ở đâu, khi nào để Sở Công thương can thiệp xử lý, thì mọi người phản ánh lại là… “chỉ nghe thông tin, chứ không rõ ở đâu”.

Ông Nguyễn Nguyên Phương đề nghị khi có các thông tin phản ánh về việc đi chợ giúp gặp khó khăn, mong người phản ánh chỉ rõ cụ thể để Sở nhanh chóng can thiệp, khắc phục. Trao đổi thêm về việc đi chợ giúp, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM phân trần, việc cung ứng hàng hóa theo phương án đi chợ giúp là việc hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ, chưa có kinh nghiệm. Khi triển khai cũng có rất nhiều người tham gia, trong đó có người tình nguyện không có kinh nghiệm, không có chuyên môn.

Đặc biệt là phường, xã, thị trấn thiếu nhân sự nên có huy động lực lượng từ Tổ Covid-19 cộng đồng, có các hưu trí và một số người không biết công nghệ thông tin, không rành thương mại điện tử.

Ông Nguyễn Nguyên Phương nhận xét, các cô bác tích cực đi chợ giúp nhưng phải trực tiếp xử lý qua giấy tờ nên còn khó khăn. Trong tình hình đó, Sở Công thương đã phân công đầu mối phụ trách địa bàn quận huyện và đã cung cấp số điện thoại này tới báo chí. Trong trường hợp gặp khó khăn mà liên hệ địa phương không được thì đề nghị người dân liên hệ các đầu mối của Sở Công thương.

Trả lời câu hỏi về việc tiêm vaccine cho trẻ từ 12-17 tuổi trên địa bàn quận 10 mà một số báo chí đăng tải, BS Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM cho biết, có nghe thông tin đó nhưng khi tìm hiểu bài viết, link trên mạng thì không còn.

BS Nguyễn Hồng Tâm cho rằng, vaccine Pfizer theo khuyến cáo của nhà sản xuất cho phép sử dụng ở đối tượng 12-17 tuổi. Tuy nhiên, hiện nay theo hướng dẫn của Bộ Y tế thì vaccine Pfizer chỉ tiêm cho người trên 18 tuổi nên ngành y tế TP chưa triển khai tiêm cho người dưới 18 tuổi.

Cũng theo BS Nguyễn Hồng Tâm, ngành y tế TP đã có kế hoạch tiêm mũi 2 cho những người đã từng tiêm mũi 1, thời gian tiêm, địa phương sẽ nhắn tin thông báo đến người dân.

Các tin khác