10 năm chưa xong
Trên cơ sở đề xuất của 11 quận huyện với 50 vị trí sạt lở, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN đã phối hợp Sở GTVT kiểm tra hiện trường, đánh giá, phân loại mức độ đối với các vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn thành phố năm 2019. Theo Chi cục Thủy lợi Sở NN-PTNT, trong 50 vị trí có một số điểm là những khiếm khuyết, ảnh hưởng của công trình khác.
Số còn lại chủ yếu các vị trí đã sạt lở kéo dài nhiều năm vẫn chưa hoàn thành như bờ trái cầu Phước Lộc, kênh Cây Khô, bờ phải thượng lưu ngã ba Kinh Lộ - Tắc Mương Lớn, bờ phải từ cầu Long Kiển về thượng lưu (Nhà Bè); bờ trái tuyến Tắc An Nghĩa (Cần Giờ); rạch Xóm Củi (Bình Chánh). Các vị trí tại quận 2, 8, Bình Thạnh đã tồn tại hơn 10 năm nay.
Rạch Tra, đoạn qua xã Tân Hiệp huyện Hóc Môn sạt lở khiến đường bị ảnh hưởng.
Vị trí kênh Tàu Hủ - Lò Gốm (quận 8), đoạn trước kho 227-289 Bến Bình Đông, kè cũ sạt lở hơn 4 năm qua vẫn chưa được khắc phục do vướng đường dây điện. Mặt đường Bến Bình Đông bị nứt và có cắm biển cảnh báo khu vực sạt lở. Hiện vị trí sạt lở đang gia cố tạm 9 cây cừ ván dự ứng lực, tránh nguy cơ đường nghiêng ra phía sông gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Đến thời điểm này, thành phố có 37 vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch với chiều dài gần 23.500m và đã được lập thành 35 dự án kè phòng chống sạt lở. Trong 19 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM làm chủ đầu tư 14 vị trí; Nhà Bè đầu tư 1 vị trí; Cần Giờ đầu tư 3 vị trí và Thủ Đức đầu tư 1 vị trí.
Còn 18 vị trí sạt lở nguy hiểm được lập hồ sơ 16 dự án, 1 vị trí chưa có dự án; trong đó Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM làm chủ đầu tư 7/16 dự án; Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM có 2 dự án với 3 vị trí; Nhà Bè có 4 dự án; Cần Giờ có 1 dự án; Thủ Đức có 1 dự án và quận 2 có 1 dự án.
Theo Chi cục Thủy lợi, có 4 vị trí sạt lở của năm 2018 đã hoàn thành dự án đưa vào sử dụng, gồm dự án chống sạt lở cấp bách trên tuyến sông rạch Đỉa - rạch Rơi - sông Phú Xuân (quận 7); kè bảo vệ bờ sông khu vực ngã ba sông Bến Lức - kênh Xáng Lý Văn Mạnh (Bình Chánh); chống sạt lở khu vực bờ phải, thượng lưu cầu Rạch Tôm (Nhà Bè); kè kiên cố bảo vệ khu dân cư An Hòa (Cần Giờ).
Năm 2019 lại phát sinh 4 vị trí mới với mức độ nguy hiểm là gói thầu 4A thuộc dự án Công trình Thủy lợi bờ hữu ven sông Sài Gòn (Hóc Môn); bờ phải sông Sài Gòn, từ ngã ba kênh Thanh Đa - sông Sài Gòn về phía hạ lưu 550m (Bình Thạnh); rạch Giồng, từ rạch Gò Me đến tiếp giáp kè tổ 3, ấp 4, xã Hiệp Phước (Nhà Bè); bờ phải rạch Mốc Keo, khu dân cư An Hòa (Cần Giờ).
Sạt lở do nhiều tác động
Các vị trí sạt lở dù đã có dự án kè nhưng thi công còn chậm so với tiến độ. Ông Nguyễn Văn Trực, Phó ban Chỉ huy Ban PCTT-TKCN TPHCM, xác định, một số chủ đầu tư chưa khảo sát đánh giá đầy đủ về địa hình, địa chất, thủy văn dẫn tới đề xuất phương án thiết kế kỹ thuật không đảm bảo an toàn nên công trình phải điều chỉnh dự án.
Một số dự án kè sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng, nhưng các chủ đầu tư chưa bàn giao cho đơn vị quản lý, khai thác và duy tu, sửa chữa nên một số hạng mục công trình nhanh xuống cấp, sụp lún mái kè, hở hàm ếch, hư hỏng. Một số dự án chưa đạt tiến độ do khó khăn về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; thậm chí có dự án đã hoàn thành 90% nhưng vẫn chờ mặt bằng.
Ở một góc độ khác, tình trạng người dân xây dựng công trình lấn chiếm hành lang an toàn các công trình kè bảo vệ bờ sông, kênh, rạch không được chính quyền địa phương kiểm soát đã làm gia tăng tải trọng sát mép bờ sông dẫn đến công trình bị sạt lở, sụp lún. Điển hình như: khu vực kè sông Phú Xuân, khu vực kè sông Mương Chuối (Nhà Bè); khu dân cư Mỹ Khánh (Cần Giờ).
Tình trạng sạt lở bờ sông, kênh, rạch do ảnh hưởng từ nạn khai thác cát trái phép tại các vùng phụ cận sông Sài Gòn phía huyện Củ Chi giáp ranh 2 tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, khu vực sông Đồng Nai phía quận 9 giáp ranh tỉnh Đồng Nai, khu vực sông Lòng Tàu, sông Soài Rạp và vùng ven cửa biển Cần Giờ. Điều này làm thay đổi chế độ dòng chảy, gây mất cân bằng bùn cát, dẫn đến gia tăng xói lở bờ sông, ảnh hưởng đến an toàn các khu vực dân cư và các công trình hạ tầng kỹ thuật tại nhiều khu vực.