Đảm bảo quyền lợi thí sinh
Thông tin từ hội đồng chấm thi tuyển sinh lớp 10 cho biết, công tác chấm thi đã thực hiện khoảng 80% khối lượng công việc. Một giáo viên chấm thi môn Ngữ văn chia sẻ, Ngữ văn là môn thi mất nhiều thời gian chấm nhất do xuất hiện nhiều bài thi chênh lệch điểm chấm giữa 2 giám khảo. Năm nay, hướng dẫn chấm thi môn Ngữ văn có độ “mở” khá lớn nên công tác chấm thi vất vả hơn.
Đơn cử, ở câu nghị luận xã hội, học sinh đồng ý hay không đồng ý, đồng ý một phần với quan điểm nêu trong đề thi đều được chấm điểm. Vì vậy, người chấm phải đọc kỹ từng bài làm của thí sinh, đánh giá từng luận điểm, cách lập luận, đưa ra dẫn chứng. Trung bình mỗi bài làm, giám khảo đọc ít nhất 2 lần, có bài đọc 3-4 lần để không bỏ sót ý, đảm bảo quyền lợi của thí sinh.
Phổ điểm thi môn Ngữ văn năm nay được dự báo không dao động nhiều so với năm ngoái. Trong đó, phần đọc hiểu được nhiều thí sinh cho rằng dễ lấy điểm, nhưng thực tế là các em phải nêu được tên hoạt động, phân tích cụ thể để thấy được hoạt động đó khơi gợi tình cảm gì đối với biển đảo quê hương. Nhìn chung, tỷ lệ bài thi dưới trung bình giảm so với năm ngoái, mức điểm 6-7 chiếm tỷ lệ cao.
Đối với môn tiếng Anh, theo chia sẻ của một giáo viên tham gia chấm thi, năm nay số lượng bài thi đạt điểm 10 tăng so với năm ngoái, mức điểm trên 8 chiếm tỷ lệ lớn trong các bài thi.
Ngược lại với môn tiếng Anh, môn Toán - môn được thí sinh và phụ huynh đánh giá có mức độ phân hóa cao nhất tại kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay - xuất hiện khá nhiều bài thi dưới 5 điểm. Phần lớn bài làm mất điểm ở các câu hỏi 6, 7 và 8c.
Theo một giáo viên tham gia chấm thi, hướng dẫn chấm thi của Sở GD-ĐT khá chi tiết, thí sinh trình bày đúng phép tính hay bước giải đều được cho điểm. Tuy nhiên, nhiều bài làm chỉ viết phép tính, không có diễn giải đi kèm nên không được chấm điểm tối đa cho câu đó. Thời điểm hiện tại, mức điểm phổ biến nhất đối với môn Toán là 5-6 điểm.
Một thành viên hội đồng chấm thi cho biết, mỗi bài thi được chấm 2 vòng độc lập bởi 2 cán bộ chấm thi khác nhau, tổng điểm của bài thi được làm tròn đến 2 chữ số thập phân.
Trong quá trình chấm thi, hội đồng chấm thi tiến hành chấm kiểm tra ít nhất 5% bài thi tự luận thông qua việc lựa chọn ngẫu nhiên các bài thi đã qua 2 vòng chấm, bài thi có điểm số cao hoặc bài thi chênh lệch lớn về điểm số giữa 2 vòng chấm nhằm kịp thời phát hiện và xử lý các vấn đề phát sinh (nếu có).
Thay đổi cách dạy và học ở trường phổ thông
Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hoài Nam, mục tiêu của kỳ thi tuyển sinh là chọn lựa học sinh ở từng mức độ năng lực để phân bổ vào các mô hình trường lớp phù hợp chứ không phải kiểm tra, đánh giá kiến thức của các em.
Đề thi có mức độ phân hóa cao vẫn đảm bảo yêu cầu tuyển sinh và không ảnh hưởng đến việc lựa chọn nguyện vọng của học sinh, bởi đề khó là khó chung toàn thành phố. Khi thực hiện xét tuyển, hội đồng tuyển sinh lấy điểm từ cao xuống thấp đến khi đủ chỉ tiêu chứ không căn cứ theo thang điểm từ 1-10.
Phụ huynh và học sinh không phải quá lo lắng, bởi công tác tuyển sinh đảm bảo công bằng cho tất cả thí sinh. Như vậy, đề thi tăng độ khó không ảnh hưởng quyền lợi thí sinh. Tuy nhiên, điều khiến dư luận quan tâm là khoảng chênh giữa tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá học sinh hiện nay.
Thầy H.P., giáo viên Toán một trường THCS ở quận 12, cho rằng, các bài toán thực tế luôn là nỗi ám ảnh đối với thí sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập. Mặc dù dạng đề này đã được TPHCM duy trì ra đề trong 10 năm qua, giáo viên đã lưu ý học sinh rất nhiều trong quá trình ôn tập nhưng năm nào cũng khiến nhiều em bị mất điểm.
“Đề thi năm nay, ngoài các câu hỏi khó để phân loại thí sinh còn xuất hiện câu hỏi kiểm tra kiến thức ở các lớp dưới. Điều này không thường xuyên xuất hiện trong đề thi các năm trước nên trở thành câu hỏi khiến nhiều thí sinh bị mất điểm. Việc này cho thấy lỗ hổng trong việc xâu chuỗi và hệ thống kiến thức của học sinh”, giáo viên này nhận xét.
Bên cạnh đó, việc các đề kiểm tra định kỳ trong các năm học ở cấp THCS có độ chênh khá lớn về dạng đề, nội dung kiến thức so với đề tuyển sinh lớp 10 khiến nhiều phụ huynh và học sinh lo lắng.
“Đổi mới đề thi tuyển sinh theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh là cần thiết khi thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, nhưng cần có lộ trình chuẩn bị từ các lớp học dưới cho cả giáo viên lẫn học sinh, giảm bớt áp lực cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10”, phó hiệu trưởng một trường THCS ở quận 3 nêu ý kiến.
Trong 2 ngày 18 và 19-6, hội đồng chấm thi sẽ kiểm tra, đối chiếu và so sánh kết quả bài thi với kết quả trên máy tính. Dự kiến ngày 20-6, Sở GD-ĐT công bố kết quả thi lớp 10. Thí sinh có thể nộp đơn phúc khảo từ ngày 21-6.
Điểm chuẩn tuyển sinh lớp 10 chuyên, tích hợp và danh sách học sinh tuyển thẳng được công bố vào ngày 24-6, riêng điểm chuẩn lớp 10 thường được công bố vào ngày 10-7.