Bên cạnh quá trình đổi mới cơ chế, chính sách…, các hoạt động xúc tiến thương mại-đầu tư đang được UBND TPHCM tập trung đẩy mạnh như là “bàn đạp”góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và hỗ trợ xuất khẩu.
Trong năm 2014, TPHCM tiếp tục đóng góp tỷ trọng cao nhất vào thành tích xuất khẩu chung của cả nước, cũng như thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài nhiều nhất.
Theo đó, TPHCM đứng thứ hai cả nước về thu hút vốn FDI với tổng mức vốn đạt 3,2 tỷ USD, tăng 91,6% so năm 2013 và kim ngạch xuất khẩu đạt 32 tỷ USD tỷ USD, tăng 8,8% so năm 2013.
Theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, kết quả trên là nhờ có sự tác động tích cực của các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư mà UBND TPHCM đã và đang tập trung phát triển.
Đa dạng hoá các hình thức
Nhận thức xuất khẩu là một nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế, trong năm 2014, TPHCM đã xúc tiến hàng loạt các hoạt động xuất khẩu với nhiều hình thức đa dạng và phong phú như Hội chợ triển lãm thương mại, dịch vụ, du lịch Việt Nam-Campuchia lần thứ 5 tại Thủ đô Phnom Penh với hơn 110 doanh nghiệp tham gia với 207 gian hàng; Hội chợ triển lãm thương mại, dịch vụ, du lịch Việt Nam-Myanmar lần thứ 4 và chương trình khảo sát thị trường tại thành phố Yangon.
Bà Phó Nam Phượng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC) cho biết, trong 5 ngày, Hội chợ đã thu hút gần 20.000 lượt khách tham quan, mua sắm với doanh số bán hàng đạt khoảng 2,5 triệu USD. Đặc biệt, nhiều DN Việt Nam đã tìm được đối tác làm đại lý, nhà phân phối tại Myanmar. Cụ thể, đã kết nối 100 DN Việt Nam với 130 DN Myanmar hợp tác trong nhiều lĩnh vực.
Đồng thời, để phát triển sản xuất nhằm thúc đẩy xuất khẩu, Thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại trong nước để tạo cơ hội cho các DN giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, quảng bá thương hiệu và hợp tác sản xuất-kinh doanh.
Đơn cử, tại Hội chợ triển lãm Nông nghiệp công nghệ cao và công nghiệp thực phẩm (Hi-tech Agro) có 340 gian hàng trưng bày sản phẩm của 230 DN, trong đó có 126 gian hàng của 29 tỉnh, thành phố, thu hút 100.000 lượt khách đến tham quan mua sắm với doanh thu bán hàng của doanh nghiệp đạt 28 tỷ đồng.
Đặc biệt, theo đánh giá của các DN, hoạt động kết nối giao thương (B2B) để kết nối các nhà sản xuất, cung cấp hàng hóa, dịch vụ Việt Nam với các nhà phân phối, tập đoàn bán lẻ quốc tế và các nhà nhập khẩu nước ngoài,… là một trong những hoạt động xúc tiến hiệu quả và đem lại nhiều lợi ích nhất cho DN nói riêng và phát triển kinh tế nói chung của Thành phố.
Hoạt động B2B không chỉ giúp các DN, hiệp hội, công ty thương mại, tập đoàn bán lẻ, dịch vụ hậu cần, địa phương, ngân hàng kết nối cung-cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu… mà còn giúp các DN tiếp cận những góc nhìn mới, định hướng mới và tìm hiểu chính xác và kịp thời nhu cầu của thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, để từ đó có những chiến lược phát triển sản xuất-kinh doanh của DN mình cho phù hợp và hiệu quả.
Ông Lê Thành Trung, phụ trách điều phối và phát triển DN nhỏ và vừa, hệ thống siêu thị Big C cho biết, nhờ có các hoạt động xúc tiến thương mại mà Big C mới có thể kết nối với tất cả nhà cung cấp tiềm năng tại các địa phương, đưa họ tiếp cận vào kênh phân phối hiện đại, để từ đó các DN có thể chuẩn hóa chất lượng sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh và đủ năng lực để phát triển ra các vùng miền trên toàn quốc.
Cung cấp thông tin cho DN
Để phục vụ cho việc phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh, nhu cầu tìm hiểu thông tin về các thị trường xuất khẩu, cũng như xu hướng tiêu dùng mới, tiêu chuẩn chất lượng, chính sách nhập khẩu ở các thị trường nước ngoài của các DN Việt rất lớn.
Tuy nhiên, tự bản thân DN sẽ khó có điều kiện tìm hiểu và cập nhật. Vì vậy, ITPC đã làm chức năng cập nhật, phân tích và cung cấp cho các DN thông qua các diễn đàn, hội thảo, toạ đàm… nhằm giúp các DN thu thập và tiếp cận thông tin một cách chính xác, kịp thời.
Cụ thể, trong năm 2014, tại Diễn đàn xuất khẩu với chủ đề “Định hướng thị trường và sản phẩm xuất khẩu”, từ các chuyên gia kinh tế, các tổng lãnh sự quán, thương vụ, hiệp hội các nước, hiệp hội DN trong nước, các DN đã được cập nhật những thông tin, cũng như những phân tích về thị trường tiêu dùng;
Cập nhật các chính sách thu hút nhập khẩu của các nước trên thế giới; những thuận lợi và khó khăn đối với một số ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam trong bối cảnh chung của kinh tế thế giới khi nhiều hiệp định thương mại đa phương và song phương đã ký kết, hoặc đang được đàm phán để DN định hướng sản xuất, kinh doanh, đồng thời hoạch định chiến lược xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Cổng Thông tin điện tử (MIS) của Thành phố dành cho nhà nhập khẩu, nhà xuất khẩu và nhà đầu tư nước ngoài đã có trên 5.200 thành viên đăng ký sử dụng thường xuyên với số lượt truy cập đạt trên 2,3 triệu từ 196 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Ngoài ra, MIS còn cập nhật các thông tin về thương mại và đầu tư từ các hãng tin nước ngoài và các tạp chí quốc tế với các thông tin về thị trường và ngành hàng, sản phẩm xuất khẩu, hướng dẫn và hỗ trợ xuất khẩu cũng được nâng cấp theo hướng tổng hợp nhiều nguồn và có dự báo, định hướng.
Ông Đoàn Văn Khanh, chủ DN tư nhân Long Thuận (Tiền Giang) cho biết, DN Long Thuận chuyên sản xuất các sản phẩm từ bưởi và tinh dầu hoa bưởi.
Trước đây, sản phẩm tiêu thụ trong nước và thị trường chủ yếu tại khu vực phía Nam. Tuy nhiên, qua việc tìm hiểu thông tin từ các chương trình kết nối cung cầu và từ hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư của TPHCM, hiện nay DN đã mở rộng thị trường ra cả nước và tiến tới sẽ xuất sang các nước Lào, Campuchia.
Bà Phó Nam Phượng cho biết, trong năm 2015, để các hoạt động xúc tiến thương mại đầu tư nâng cao hiệu quả hơn nữa nằhm phục vụ tốt cho xuất khẩu, ITPC tập trung vào các thị trường trọng điểm như Nga, Hong Kong, Campuchia, Myanmar, Indonesia và Lào, thông qua việc tổ chức hội chợ triển lãm, đoàn khảo sát thị trường nhằm mở rộng thị phần cho hàng hóa Việt Nam và xây dựng thương hiệu sản phẩm Việt Nam trên thị trường khu vực và thế giới.
Đồng thời, sẽ tổ chức chuỗi hội thảo xúc tiến xuất khẩu, kết nối doanh nghiệp vào thị trường châu Âu, Hàn Quốc, Indonesia, các nước châu Phi, Tây Á, Nam Á, Mỹ Latinh để tạo điều kiện cho các DN nhỏ và vừa mở rộng kênh phân phối tại các thị trường mới và tiềm năng này.