TPHCM điều chỉnh các ngành công nghiệp trọng điểm

(ĐTTCO) - Ngày 6-12, Sở Công thương TPHCM đã tổ chức hội thảo “Các ngành công nghiệp thành phố - Vai trò và tiềm năng phát triển”. 

Các đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM;Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM; Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương, đã tham dự và chủ trì hội thảo.

Tăng trưởng mạnh nhưng khó duy trì

Theo Sở Công thương TPHCM, dự ước tăng trưởng kinh tế TPHCM năm 2019 là 7,9%. Đây là năm thứ 9 liên tục, TPHCM duy trì mức tăng trưởng trên 7%. Nếu xét về giá trị gia tăng công nghiệp, ngành công nghiệp thành phố chiếm khoảng 32,3% sản lượng công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và đóng góp khoảng 16% quy mô sản xuất công nghiệp toàn quốc.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân và Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong xem triển lãm các sản phẩm công nghiệp TPHCM tại hội thảo. Ảnh: Việt Dũng

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân và Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong xem triển lãm các sản phẩm công nghiệp TPHCM tại hội thảo. Ảnh: Việt Dũng

Thực tế cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) từ năm 2015 đến nay ước tăng trung bình 7,66% và có xu hướng tăng cao dần qua các năm. Điều này cho thấy quy mô sản xuất công nghiệp thành phố ngày càng mở rộng, các doanh nghiệp (DN) đã đầu tư mở rộng sản xuất, đổi mới máy móc thiết bị để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế tham dự hội thảo, tăng trưởng ngành công nghiệp của thành phố chỉ duy trì trong ngắn hạn. Về lâu dài, TPHCM cần phải có sự thay đổi nếu muốn duy trì đà tăng trưởng như hiện nay. Ông Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, nhấn mạnh, các ngành kinh tế trọng điểm mà TPHCM đang ưu tiên phát triển đã không còn phù hợp. Nếu muốn duy trì đà tăng trưởng trên 7% trong những năm tới, TPHCM cần điều chỉnh lại ngành công nghiệp ưu tiên cũng như phát triển thêm các ngành mới phù hợp với xu hướng của cuộc cách mạng 4.0.

TPHCM điều chỉnh các ngành công nghiệp trọng điểm ảnh 1Đông đảo đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: Việt Dũng

Cụ thể, ngành hóa dược và nhựa - cao su là hai ngành có yếu tố nhạy cảm đối với môi trường, đòi hỏi diện tích quy mô nhà xưởng lớn, thâm dụng lao động và giá trị gia tăng không cao. Hiện quỹ đất TP đang ngày càng thu hẹp, kéo theo giá thuê đất đẩy lên rất cao. Do vậy, những ngành trên sẽ chịu áp lực cạnh tranh rất lớn.

Riêng với ngành dệt may, da giày, chế tạo, chế biến lương thực thực phẩm... vẫn đang có lợi thế phát triển mạnh về thị trường nội địa cũng như xuất khẩu, nhưng cần tập trung khâu nghiên cứu sản phẩm mới để gia tăng giá trị xuất khẩu. Về lâu dài, thành phố cần tập trung đầu tư 4 lĩnh vực là phát triển công nghiệp công nghệ cao, sản xuất thông minh, nghiên cứu phát triển và liên kết vùng...


Tháo nút thắt chính sách

Ở góc độ DN, ông Nguyễn Văn Trí, Giám đốc Công ty TNHH Lập Phúc, cho biết, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, ngành điện, điện tử, lĩnh vực sản xuất công nghệ cao nói chung… thường đòi hỏi vốn đầu tư lớn nhưng thời gian hoàn vốn lâu. Do vậy, thành phố cần có chiến lược hỗ trợ dài hơn. Thời gian qua, TPHCM đã thành lập nhiều quỹ hỗ trợ vốn đầu tư cho DN nhưng thủ tục hành chính còn phức tạp, khó tiếp cận nên cần cải cách thủ tục hành chính quyết liệt hơn.

Ngoài ra, cần đầu tư xây dựng trung tâm hoặc viện công nghệ công nghiệp (hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự cân đối kinh phí hoạt động) để hỗ trợ các DN nhỏ và vừa, giúp nâng cao năng lực về công nghệ. “Đặc biệt, Chính phủ sớm ban hành các biện pháp bảo vệ thị trường điện, điện tử gia dụng như thuế phòng vệ, hàng rào kỹ thuật, chống gian lận thương mại... nhằm tạo cơ hội cho các DN lĩnh vực này phát triển, đóng vai trò dẫn dắt thị trường điện tử trong nước…”, ông Lê Hoài Quốc, Chủ tịch Hội Tự động hóa TPHCM, đề xuất.

Ghi nhận những ý kiến đóng góp tại hội thảo, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, trong thời gian tới, TPHCM sẽ định hướng phát triển ngành công nghiệp nhưng có tính đến các yếu tố như lợi thế của DN trên địa bàn, những ngành có khả năng tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, có tác động lan tỏa rộng đến các ngành kinh tế khác. Các ngành sản xuất cũng phải sử dụng công nghệ sạch, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng, có khả năng tạo ra giá trị gia tăng cao. Quan trọng hơn, phải đáp ứng nhu cầu trong nước và tăng nhanh xuất khẩu.

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TPHCM, nhấn mạnh, ngoài những yếu tố khách quan, cần phải thấy rằng đang có sự bất cập trong cơ cấu quản lý công nghiệp. Đồng chí Bí thư Thành ủy cũng chỉ rõ, Sở Công thương có vai trò tham mưu xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp nói chung nhưng lại không quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao.

Do đó, những cơ sở dữ liệu cần thiết để đánh giá nguồn nhân lực, số lượng DN đầu tư vào từng ngành nghề cụ thể, năng suất…, chưa được thống kê và tính toán đầy đủ. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc xây dựng, định hướng chiến lược phát triển của thành phố. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu các cơ quan chức năng cần hợp tác chặt chẽ hơn.

Phải nhìn nhận rằng, DN tư nhân đóng vai trò rất quan trọng cho sự phát triển của thành phố. Do vậy, để có thể xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp, thành phố cần tăng cường đối thoại, tiến tới phối hợp DN để hình thành hội đồng phát triển các ngành công nghiệp chủ lực với đầy đủ thành phần kinh tế tham dự. Có như vậy, khi ban hành chính sách hỗ trợ mới sát với thực tế và phù hợp với nhu cầu của cộng đồng DN.

Triển khai 5 giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp TPHCM

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, trước mắt, thành phố sẽ khẩn trương triển khai, sớm hình thành Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông. Đây sẽ là động lực cho tăng trưởng kinh tế TP trong thời gian tới, đồng thời tạo điều kiện cho các ngành công nghiệp có thể phát triển như robot, tự động hóa, năng lượng thông minh, phần mềm, kinh tế số, kinh tế chia sẻ…

Sẽ xây dựng ngay các giải pháp tập trung phát triển vào những ngành, lĩnh vực, những công đoạn có hàm lượng khoa học công nghệ, giá trị gia tăng cao, nhất là ngành cơ khí, chế tạo theo hướng tự động hóa, ngành công nghệ thông tin như thiết bị điện tử, thông tin, phần mềm, vi mạch… Song song đó, phát triển công nghiệp thời trang, ngành dệt may - da giày, công nghiệp thiết kế; chuyển dần từ hoạt động gia công lắp ráp sang hoạt động sản xuất, xuất khẩu và từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng trong và ngoài nước. TPHCM sẽ xây dựng khu công nghiệp mới có diện tích 380ha để tạo quỹ đất phục vụ phát triển công nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Thành phố sẽ tiến hành rà soát toàn bộ các chính sách hỗ trợ đối với các ngành công nghiệp, nghiên cứu đề ra các chính sách hỗ trợ mới, tối ưu nhất trong thẩm quyền của thành phố, cũng như chủ động, kiên trì kiến nghị Trung ương, Chính phủ tháo gỡ các khó khăn vướng mắc nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các ngành, sản phẩm ưu tiên phát triển trong thời gian tới.

Riêng với hoạt động thu hút đầu tư, thành phố sẽ chủ động mời gọi các nhà đầu tư lớn từ nước ngoài đầu tư vào những ngành công nghiệp ưu tiên phát triển. Bên cạnh đó, hỗ trợ giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt nhất cho các nhà đầu tư tìm hiểu, tiếp cận thông tin và đầu tư vào TP.

Cuối cùng, tập trung cho khâu đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới. Đây cũng là nút thắt gây khó cho doanh nghiệp trong bối cảnh cách mạng công nghệ phát triển nhanh, mạnh như hiện nay.

Các tin khác