Phát huy thế mạnh đầu tàu
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, cho biết, năm nay thành phố công bố gần 60 chương trình du lịch với 20 sản phẩm du lịch mới phù hợp nhiều phân khúc khách du lịch. Một số chương trình du lịch mới tạo được ấn tượng và thu hút sự quan tâm của du khách như: Chương trình tham quan Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia Trụ sở HĐND và UBND TPHCM, Tour Biệt động Sài Gòn, Du lịch Sinh thái Cộng đồng Thiềng Liềng, các tour đêm, du lịch MICE (du lịch kết hợp hội thảo, hội nghị), du lịch y tế, du lịch golf…
Từ những nỗ lực này, 3 tháng đầu năm 2024 TPHCM đón khoảng 1,38 triệu lượt khách quốc tế, tăng 32,4% so cùng kỳ năm 2023; TP đón trên 8 triệu lượt khách nội địa, tăng 6,6% so cùng kỳ, đạt 21,2% so với kế hoạch năm 2024. Tổng thu du lịch 3 tháng đầu năm 2024 ước đạt 44.710 tỷ đồng, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Đánh giá sản phẩm du lịch TP khá phong phú, đa dạng, tuy nhiên, ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, lưu ý cần có thêm điểm nhấn. TPHCM có thể khai thác du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tại khu vực Cần Giờ, TP Thủ Đức; đầu tư xây dựng các khu phức hợp quy mô lớn để đón các đoàn khách MICE; tăng cường các sự kiện kích cầu, giảm giá vé máy bay nhằm thu hút khách vui chơi trong nước, tránh tình trạng “chảy máu” ngoại tệ trong bối cảnh các đường bay quốc tế có nhiều ưu đãi, khách trong nước đổ xô đi du lịch nước ngoài…
Với mong muốn góp phần hỗ trợ ngành du lịch TPHCM quảng bá, xúc tiến hiệu quả hơn, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa đề xuất Bộ VH-TT-DL sớm ban hành hướng dẫn điều tra, phân loại tài nguyên du lịch; đề nghị các địa phương được sử dụng Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch trong hoạt động xúc tiến…
Sở VH-TT TPHCM cũng kiến nghị Bộ VH-TT-DL ủng hộ hồ sơ Địa đạo Củ Chi trình UNESCO đưa vào danh mục di sản thế giới; giao UBND TPHCM tổ chức các sự kiện kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; ủng hộ thí điểm thành lập Trung tâm phát triển công nghiệp văn hóa…
Sáng tạo, hút “đại bàng” du lịch
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận định, Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM là cơ sở giúp thành phố tự tin hơn trong việc triển khai kế hoạch “khởi nghiệp” các ý tưởng sáng tạo văn hóa, thể thao. Thành phố cũng có ý tưởng quy hoạch khu vực Bình Quới - Thanh Đa trở thành trung tâm dịch vụ văn hóa.
Đối với Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi, thành phố có kế hoạch phát triển nơi đây thành “địa chỉ đỏ” để phát triển du lịch hòa bình… Đồng chí Phan Văn mãi nhấn mạnh, năm 2025, TPHCM sẽ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thành phố đề nghị Bộ VH-TT-DL đồng hành chỉ đạo, phối hợp cùng thành phố.
“TPHCM sẵn sàng đăng cai các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch mang tầm quốc tế và sẽ hoàn thành tốt để thu hút du khách đến nhiều hơn; đồng thời cũng sẽ đăng ký thí điểm các mô hình văn hóa, thể thao, du lịch nhằm có thêm các kinh nghiệm thực tiễn”, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi khẳng định.
Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng cho rằng, TPHCM là nơi xuất phát, khởi đầu của nhiều sự kiện du lịch, văn hóa trên khắp cả nước; có nhiều cách làm mới, sáng tạo… TPHCM cũng thực hiện Nghị quyết 08/NQ-TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn một cách nhuần nhuyễn, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch, văn hóa, thể thao hấp dẫn như sản phẩm “Trên bến dưới thuyền”, “Lễ hội sông nước TPHCM”.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị TPHCM nhanh chóng xây dựng đề án Thành phố sáng tạo để hòa vào mạng lưới các Thành phố sáng tạo UNESCO (UNESCO Creative Cities Network - UCCN).
Ở Việt Nam, Hà Nội, Hội An, Đà Lạt đều thuộc mạng lưới các Thành phố sáng tạo UNESCO, có lợi thế lớn trong việc quảng bá, thúc đẩy du lịch… Trong đó Hà Nội trở thành Thành phố thiết kế sáng tạo, Đà Lạt là Thành phố sáng tạo âm nhạc và Hội An là Thành phố thủ công và nghệ thuật dân gian. Từ đó, ông Nguyễn Văn Hùng gợi ý TPHCM định hướng trở thành thành phố điện ảnh.