Mở tuyến xe liên tỉnh cố định
Ghi nhận trên thực tế của PV Báo SGGP cho thấy, các đơn vị liên quan dù còn một số băn khoăn, nhưng cơ bản tâm thế đã sẵn sàng.
Chiều 29-9, không khí tại 2 bến xe liên tỉnh của TPHCM là miền Đông và miền Tây - dự kiến được phép hoạt động đón trả người lao động, khá vắng vẻ. Tuy nhiên, bảo vệ và nhiều nhân viên ở đây vẫn làm việc, chuẩn bị cho việc đón khách vào ngày 1-10.
Một số doanh nghiệp vận tải như Phương Trang, Samco Kumho… cũng kiểm tra, lau chùi lại xe. Các cửa ngõ ra, vào TPHCM vẫn có lực lượng chức năng kiểm tra. Người dân, doanh nghiệp vẫn đang chờ hướng dẫn cụ thể của ngành chức năng. Đã có nhiều ý kiến được đưa ra trong những ngày sát thời điểm 1-10.
Nguyên cán bộ vận tải của Sở GTVT TPHCM, hiện đang là lãnh đạo của một doanh nghiệp vận tải, ông Văn Công Điểm, nhận định nếu người dân có “hộ chiếu vaccine” hoặc có “thẻ xanh” thì ngành chức năng tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, hoặc trong khu vực để cho hoạt động lại ngành vận tải. Theo ông Điểm, đối với đường bộ, có thể mở dần hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh với loại hình tuyến cố định.
Trong dự thảo của Bộ GTVT và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM đều có quy định phòng chống dịch tại các bến xe liên tỉnh. Nên mở tuyến cố định trước, bởi lẽ xe tuyến cố định đã có 1 lớp kiểm soát dịch tại các bến xe. Lái xe, nhân viên phục vụ trên xe phải tiêm đủ 2 liều vaccine.
Đối với hành khách, cũng nên bắt buộc phải tiêm đủ 2 liều vaccine hoặc có “thẻ xanh” mới cho tham gia giao thông, đi đến các nơi công cộng. Đây được xem như là điều kiện tiên quyết trong phòng chống dịch. Sự thống nhất này sẽ giúp hạn chế việc mỗi địa phương có một quy định riêng về vận tải, làm khó cho doanh nghiệp và người dân.
Cùng quan điểm, đại diện nhiều đơn vị vận tải hành khách khác cũng cho rằng, Sở GTVT TPHCM nên làm từng bước, cho phép tuyến xe cố định hoạt động vì xe này đều phải đưa, đón khách thông qua bến xe. Chưa kể, nhu cầu của người dân ở các tỉnh quay lại thành phố làm việc, khám bệnh... rất lớn. Khi khách đi xe tuyến cố định, tự thân các bến xe cũng là lớp bảo vệ, kiểm soát tốt hơn.
Đối với các hoạt động vận tải hàng hóa, ông Võ Văn Tùng - Giám đốc Công ty Vận tải Minh Tùng (quận Bình Tân, TPHCM), cho rằng dù phần lớn doanh nghiệp vận tải đã được tháo gỡ khó khăn trong lưu thông hàng hóa, nhưng do nhiều tỉnh thành đang áp dụng giãn cách, các nhà máy tạm ngưng sản xuất hoặc chỉ hoạt động cầm chừng nên hàng hóa vận chuyển trở nên khan hiếm, doanh nghiệp đối mặt với sự thiếu hụt nguồn hàng khiến hàng loạt container phải nằm chờ.
Lưu thông ổn định nhưng hàng hóa không có, thì đối với doanh nghiệp vận tải cũng không có hiệu quả. Do vậy, điều cần thiết hiện nay là giải quyết từ gốc đến ngọn. Làm sao tạo điều kiện để doanh nghiệp cho nhân viên, người lao động nhanh chóng quay trở lại sản xuất.
Trong khi đó, số đông người lao động đi làm giữa TPHCM và Đồng Nai bằng xe cá nhân mong muốn có những quy định cụ thể hơn về loại phương tiện này để đi lại thuận tiện hơn.
Sẵn sàng các phương án
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện lưu thông trong tình hình mới, Sở GTVT TPHCM cho biết, đã triển khai áp dụng thử nghiệm phần mềm kê khai thông tin đối với người đi trên ô tô (lái xe và người đi cùng) vận tải hàng hóa do Cục C06 - Bộ Công an vận hành tại địa chỉ http://suckhoe.dancuquocgia.gov.vn.
Khi sử dụng phần mềm này, người trên ô tô vận tải hàng hóa sẽ thực hiện việc kê khai thông tin, phần mềm sẽ sinh ra mã QR theo hướng dẫn kèm theo.
Lái xe (là người đại diện) có trách nhiệm in mã QR của mình ra khổ giấy A5 và dán trên kính xe phía trước, kính hai bên thành xe (để thay thế cho giấy nhận diện phương tiện có mã QR trên phần mềm của Tổng cục Đường bộ Việt Nam).
Mỗi người trên phương tiện sẽ có 1 mã QR cố định ở lần kê khai đầu tiên; khi đổi xe khác, chỉ cần truy cập vào phần mềm để cập nhật thông tin về phương tiện và thông tin khác nếu có thay đổi, lấy mã QR đã in dán lên xe mới trước khi điều khiển phương tiện để vận chuyển hàng hóa.
Sở GTVT TPHCM đề nghị Công an TPHCM phối hợp với đơn vị liên quan triển khai thông tin đến các chốt kiểm soát dịch trên địa bàn TPHCM.
Theo Sở GTVT TPHCM, để trở lại TPHCM, người lao động phải đáp ứng các điều kiện như: phải có kế hoạch làm việc được các doanh nghiệp, hợp tác xã có văn bản xác nhận hoặc gửi thông báo, đã được tiêm vaccine mũi 1 đủ 14 ngày sau khi tiêm, hoặc đã khỏi Covid-19 có xác nhận của cơ quan y tế, có xét nghiệm âm tính với Covid-19 còn hiệu lực theo quy định.
Người lao động phải được UBND tỉnh/thành phố nơi cư trú cho phép di chuyển (đối với địa phương là vùng cam, vùng đỏ) để đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch Covid-19.
Đơn vị sử dụng lao động lập danh sách người lao động và phương án hoạt động gửi đến các cơ quan đầu mối, như UBND TP Thủ Đức và các quận huyện, Ban quản lý Khu chế xuất và công nghiệp TPHCM (HEPZA), Ban quan lý Khu công nghệ cao (SHTP), để rà soát, tổng hợp gửi Sở GTVT cấp giấy nhận diện mã QR cho xe, và thông báo đến các tỉnh thành về kế hoạch đón người lao động.
Xe trả khách tại Bến xe miền Đông, Bến xe miền Tây; sau đó người lao động về nơi cư trú bằng taxi đã được cấp phép, hoặc xe trung chuyển đã được doanh nghiệp đăng ký. Ban quản lý HEPZA, SHTP làm đầu mối tổng hợp nhu cầu của các đơn vị mà mình quản lý để phối hợp với Công ty CP xe khách Phương Trang xây dựng kế hoạch vận chuyển.
Song song đó, Sở GTVT sẽ tổ chức tuyến xe khách cố định đi từ bến xe khách ở các địa phương đến TPHCM. Tần suất hoạt động của xe khách chỉ tối đa 4 chuyến/ngày/tuyến.
Các đơn vị vận tải đảm nhận khai thác trên từng tuyến do Sở GTVT TPHCM thống nhất với sở GTVT các tỉnh thành liên quan sẽ được cấp giấy nhận diện trước khi hoạt động. Giá vé sẽ được doanh nghiệp kê khai, niêm yết phù hợp quy định. Thời gian thực hiện từ ngày 1-10 đến ngày 31-10, sau đó xem xét tiếp.
Đối với người dân di chuyển bằng đường sắt và đường hàng không, thực hiện theo kế hoạch, phương án đảm bảo an toàn, phòng dịch của Bộ GTVT và phù hợp với nhu cầu của các địa phương nơi đi và nơi đến.