TPHCM: Dự án Vành đai 3 suôn sẻ tốt nhờ làm tốt khâu giải phóng mặt bằng

(ĐTTCO) - Theo kế hoạch, ngày 18-6 tới, các dự án thành phần đường Vành đai 3 đi qua địa bàn TPHCM sẽ chính thức khởi công. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng ở các huyện và TP Thủ Đức đang dần về đích.
Cán bộ địa chính TP Thủ Đức (TPHCM) hướng dẫn người dân hoàn tất hồ sơ nhận tiền bồi thường của dự án đường Vành đai 3 TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Cán bộ địa chính TP Thủ Đức (TPHCM) hướng dẫn người dân hoàn tất hồ sơ nhận tiền bồi thường của dự án đường Vành đai 3 TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Người dân hồ hởi

Ngày 8-5 vừa qua, tại trụ sở Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng TP Thủ Đức, rất đông người dân đến làm thủ tục nhận tiền bồi thường, GPMB dự án đường Vành đai 3 TPHCM. Hầu hết người dân đều vui mừng khi được cán bộ địa phương tận tình hướng dẫn các thủ tục để nhận tiền bồi thường.

Bà Lê Xuân Thu (ngoài 70 tuổi), từ 5 giờ sáng đã cùng con trai đi xe máy từ tỉnh Long An lên để chờ làm thủ tục nhận tiền. Bà Thu cho biết, gia đình có mảnh đất nông nghiệp hơn 5.000m2 tại phường Long Trường (TP Thủ Đức), trong đó có khoảng 2.000m2 thuộc diện bị thu hồi để triển khai dự án đường Vành đai 3 TPHCM. Sau khi được chính quyền địa phương vận động, gia đình bà đã thống nhất bàn giao đất cho dự án với mức bồi thường khoảng 13 tỷ đồng.

“Khu đất này tôi được ba mẹ cho và để không vài chục năm qua. Tôi rất vui vì Nhà nước đền bù thỏa đáng cho người dân. Dự án đường Vành đai 3 TPHCM mang ý nghĩa rất lớn cho sự phát triển của thành phố, tôi mong dự án sớm hoàn thành để người dân đi lại thuận tiện hơn”, bà Thu chia sẻ.

Ông Phan Thanh Tùng (56 tuổi, ở ấp 11A, xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi) cũng phấn khởi khi vừa nhận được tiền đền bù từ chính quyền địa phương. Theo ông Tùng, gia đình có 1.835m2 đất nông nghiệp thuộc diện phải thu hồi để làm đường Vành đai 3 TPHCM. Với số tiền lớn được đền bù, ông Tùng cho biết sẽ gửi tiết kiệm ngân hàng để lấy lãi; sau đó mua miếng đất nông nghiệp ở huyện Củ Chi để trồng cỏ nuôi bò sữa, tăng gia sản xuất.

Ông Tùng vui vẻ nói: “Tôi hài lòng với việc bồi thường của dự án này, mức giá bồi thường hợp lý. Đường Vành đai 3 TPHCM đi qua huyện Củ Chi khiến bà con rất phấn khởi, giao thông sẽ thuận tiện hơn, đời sống của người dân sẽ nâng lên”.

Ông Nguyễn Đức Hùng, Chánh Văn phòng UBND huyện Củ Chi, nhận định, đơn giá đền bù cho dự án đường Vành đai 3 TPHCM phù hợp, sát với giá thực tế nên được sự đồng thuận của phần đông hộ dân có đất bị ảnh hưởng. Là dự án giao thông trọng điểm quốc gia nên công tác bồi thường, GPMB được huyện Củ Chi đẩy nhanh tiến độ để làm kiểu mẫu cho các dự án khác.

Hiện nay, huyện Củ Chi đang nỗ lực tăng tốc, đồng hành và tháo gỡ những ý kiến còn băn khoăn của một số hộ dân ở 2 xã Bình Mỹ và Tân Thạnh Đông, để bà con hiểu và đồng thuận, sớm bàn giao đất cho dự án.

Hỗ trợ hết mức

Trong khuôn khổ của công tác bồi thường, GPMB để chuẩn bị khởi công dự án đường Vành đai 3 TPHCM, chính quyền huyện Bình Chánh đã chuẩn bị 127 nền đất tại Khu dân cư An Hạ và 47 căn hộ chung cư thuộc Khu tái định cư (TĐC) Vĩnh Lộc B. Tương tự, TP Thủ Đức cũng chuẩn bị 239 nền đất tại Khu TĐC Long Bình - Long Thạnh Mỹ và 150 căn hộ chung cư C8 Man Thiện để bố trí TĐC cho các hộ dân…

Người dân nhận bồi thường của dự án đường Vành đai 3 TPHCM tại TP Thủ Đức (TPHCM) Ảnh: HOÀNG HÙNG

Người dân nhận bồi thường của dự án đường Vành đai 3 TPHCM tại TP Thủ Đức (TPHCM)

Ảnh: HOÀNG HÙNG

Qua ghi nhận, người dân có đất bị ảnh hưởng bởi dự án đường Vành đai 3 TPHCM được chính quyền các cấp của TPHCM cam kết đảm bảo thụ hưởng các chính sách tốt đẹp để ổn định cuộc sống. Theo đó, hộ đủ điều kiện nhận nền thì được TĐC tại chỗ, tặng bản vẽ giấy phép xây dựng; hộ không đủ điều kiện thì được bố trí ở các chung cư đủ tiện ích tại địa phương; tất cả được miễn phí cấp/sửa đổi giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng nhà, đất và hộ nào có nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp đều được tư vấn, hướng dẫn, tạo cơ hội việc làm.

Theo lãnh đạo các đơn vị, ban quản lý dự án, các dự án thành phần đã nhận được sự ủng hộ rất lớn của người dân từ khi vừa có chủ trương cũng như trong quá trình đối thoại, gặp gỡ, vận động. Hầu hết các trường hợp bị ảnh hưởng đã tạo điều kiện cho các đơn vị cắm mốc, đo đạc, thu thập hồ sơ pháp lý liên quan đến phần đất của mình để xác định phần đất nằm trong diện di dời, GPMB.

Trên cơ sở đó, các đơn vị đã đẩy nhanh tiến độ để sớm khởi công. Ông Võ Trung Trực, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, cho biết, công tác bồi thường, hỗ trợ TĐC dự án đường Vành đai 3 TPHCM có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị.

Đến thời điểm này, cơ quan chức năng đã hoàn tất các quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt dự án bồi thường, hỗ trợ TĐC cho gần 1.800 trường hợp bị ảnh hưởng. Ban chỉ đạo và Ban chỉ huy dự án thành phần dự án đường Vành đai 3 TPHCM đang hoạt động hết công suất, phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư và chính quyền TP Thủ Đức, các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai bồi thường, hỗ trợ TĐC. Bài học kinh nghiệm rút ra chính là cần sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Thường trực Thành ủy, HĐND và UBND TPHCM.

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TPHCM đang được xem là kiểu mẫu về cơ chế, chính sách đặc biệt, là hình mẫu về cách thức, tác phong làm việc mới mẻ của cán bộ công chức, chính quyền địa phương nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, đem lại lợi ích cho người dân.

Theo phê duyệt, đường Vành đai 3 đoạn qua TPHCM phải giải phóng mặt bằng hơn 412ha, với 1.738 trường hợp bị ảnh hưởng. Trong đó, TP Thủ Đức có 595 trường hợp, huyện Củ Chi có 418 trường hợp, huyện Bình Chánh có 393 trường hợp, huyện Hóc Môn có 332 trường hợp. Số tiền phải chi cho GPMB tại TP Thủ Đức là 8.283 tỷ đồng, huyện Củ Chi 2.671 tỷ đồng, huyện Bình Chánh 4.829 tỷ đồng, huyện Hóc Môn 2.338 tỷ đồng.

Các tin khác