TPHCM: Dự án Vành đai 3 sẽ là động lực cho các KCN phía Tây

(ĐTTCO) - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký văn bản đồng ý điều chỉnh, bổ sung 2 khu công nghiệp (KCN) Phạm Văn Hai I và Phạm Văn Hai II vào Quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam.
Khu công nghiệp Vĩnh Lộc sẽ cách KCN Phạm Văn Hai I và Phạm Văn Hai II khoảng 6km Ảnh: HOÀNG HÙNG
Khu công nghiệp Vĩnh Lộc sẽ cách KCN Phạm Văn Hai I và Phạm Văn Hai II khoảng 6km Ảnh: HOÀNG HÙNG

Trong bối cảnh hơn chục năm qua chưa có thêm KCN mới, việc bổ sung 2 KCN tổng diện tích 668ha vào quy hoạch mở ra cơ hội phát triển KCN kiểu mới ở TPHCM.

Ý nghĩa lớn

Ngay sau văn bản nói trên được ban hành, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan đã chủ trì một cuộc họp với Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TPHCM (Hepza), cùng các sở ngành để triển khai các nội dung theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng. 2 nội dung chính được văn bản nêu, một là việc đưa 3 KCN (gồm Bàu Đưng, Phước Hiệp, Xuân Thới Thượng) ra khỏi quy hoạch; hai là bổ sung KCN Phạm Văn Hai I (379ha) và Phạm Văn Hai II (289ha) thuộc xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh vào quy hoạch phát triển các KCN trên địa bàn TPHCM.

Trao đổi ngay sau cuộc làm việc với UBND TPHCM, ông Trần Việt Hà, Phó Trưởng ban Hepza, nhìn nhận việc bổ sung 2 KCN Phạm Văn Hai I và II vào quy hoạch rất có ý nghĩa đối với TPHCM. Từ năm 2017, TPHCM đã kiến nghị Thủ tướng bổ sung quy hoạch KCN Phạm Văn Hai (quy mô 668ha) vào quy hoạch. Sở dĩ nơi đây được TPHCM chọn để triển khai KCN mới, vì hiện trạng toàn bộ diện tích là đất nông nghiệp, phần lớn chỉ trồng cây nhưng năng suất rất thấp, cần được chuyển đổi sang mô hình mới để khai thác hiệu quả quỹ đất.

Việc xây dựng KCN ở đây cũng sẽ góp phần quan trọng hình thành Vùng công nghiệp trọng điểm phía Tây thành phố, liên kết các KCN của TPHCM và tỉnh Long An, giúp giải quyết việc làm, phát triển hạ tầng toàn khu vực. Điều này càng có ý nghĩa hơn, trong bối cảnh mà các KCN ở TPHCM sau một thời gian phát triển mạnh giờ đã bộc lộ nhiều hạn chế. Quỹ đất phát triển các KCN của TPHCM được Thủ tướng phê duyệt tại các quyết định năm 2004 và năm 2014 cũng chỉ có 23 khu với tổng diện tích 5.921ha, đến nay vẫn không tăng.

Theo ông Trần Việt Hà, với KCN Phạm Văn Hai I và Phạm Văn Hai II, TPHCM cũng sẽ chủ động được trong việc lập quy hoạch, xây dựng KCN theo đúng định hướng phát triển của thành phố. Trước đây, việc triển khai các KCN thường theo hướng các nhà đầu tư tự khảo sát địa điểm, đề xuất UBND TPHCM chấp thuận phương án đầu tư của họ. Với KCN Phạm Văn Hai I và II, TPHCM chủ động chọn địa điểm ngay từ đầu, việc xây dựng hạ tầng, quyết định lựa chọn ngành nghề cũng chủ động hơn.

Ông Trần Việt Hà cũng lý giải thêm việc vì sao TPHCM đề xuất bổ sung 2 KCN Phạm Văn Hai I và II trong khi trước đây thành phố kiên trì đề xuất bổ sung quy hoạch KCN Phạm Văn Hai quy mô 668ha. Đó là dự án Vành đai 3 mà TPHCM đang triển khai sẽ băng qua, chia diện tích 668ha này thành 2 phần. Điều này cũng giúp cho 2 KCN mới sẽ thuận lợi hơn về giao thông, liên kết.

Thuận lợi và khả thi

KCN Phạm Văn Hai I và II được định hướng là KCN công nghệ cao. Mục tiêu của TPHCM khi đề xuất 2 KCN này là thu hút các ngành nghề trọng tâm ưu tiên của TPHCM, gồm: cơ khí chế tạo máy, trang thiết bị điện, cơ - điện tử, robot công nghiệp, cơ khí chính xác, ngành điện tử - công nghệ thông tin, viễn thông, vi mạch, quang điện, ngành hóa dược, mỹ phẩm, ngành nhựa, cao su kỹ thuật cao cấp, ngành chế biến lương thực thực phẩm.

Ở đây cũng sẽ có quy hoạch phân khu chức năng chuyên ngành điện - điện tử, cao su - nhựa, cơ khí tự động hóa. KCN Phạm Văn Hai thành lập sẽ ưu tiên thu hút các nhà đầu tư ứng dụng công nghệ cao, vật liệu mới, năng lượng tái tạo, có hàm lượng khoa học công nghệ tiên tiến, năng suất lao động cao, hạn chế tối đa các ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng lao động phổ thông.

UBND TPHCM đánh giá việc triển khai quy hoạch KCN mới Phạm Văn Hai I và II sẽ thuận lợi và khả thi. Trước hết là bởi quy hoạch này phù hợp với quy hoạch vùng, tỉnh. Thời gian qua có nhiều nhà đầu tư tiềm năng có nhu cầu thuê đất hoặc tham gia làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng KCN tại TPHCM, như Tập đoàn Logos, TTI, Goldman Sachs, Einhell, Quantum... Xét về vị trí, KCN Phạm Văn Hai có vị trí trung tâm khu vực phía Tây TPHCM, lân cận 10 KCN, cụm công nghiệp đang hoạt động của TPHCM và Long An, dễ dàng kết nối.

Đặc biệt, TPHCM nhận định công tác giải phóng mặt bằng ở dự án này sẽ thuận lợi khi toàn bộ diện tích không có đất ở, là đất nông nghiệp do Công ty TNHH MTV Cây trồng TPHCM (trực thuộc UBND TPHCM) đang quản lý sử dụng và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Theo đề án Định hướng phát triển các KCX, KCN TPHCM giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2040, TPHCM sẽ chuyển đổi các KCX, KCN cũ theo chiều sâu, theo hướng sinh thái, công nghệ cao. 4 khu thí điểm chuyển đổi gồm Tân Thuận, Tân Bình, Cát Lái, Hiệp Phước. Các KCN diện tích nhỏ, nằm trong khu dân cư sau khi hết thời gian hoạt động sẽ chuyển đổi công năng. Với các KCN mới, TPHCM hướng đến mô hình KCN chuyên ngành, KCN công nghệ cao, KCN hỗ trợ, KCN - đô thị - dịch vụ.

Các tin khác