Tại buổi làm việc, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, trên cơ sở thí điểm tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh ở xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ) từ ngày 20-10-2021, TPHCM đã mở rộng dạy học trực tiếp cho học sinh hai khối 9 và 12 từ ngày 13-12-2021.
Sau đó, từ ngày 4-1-2022, đối tượng học sinh đến trường được mở rộng thêm các khối 7, 8, 10 và 11. Đặc biệt, sau Tết Nguyên đán năm 2022, từ ngày 14-2-2022, học sinh khối mẫu giáo (từ 3-5 tuổi), tiểu học và lớp 6 tiếp tục đến trường.
Sở GD-ĐT TPHCM đã chỉ đạo các đơn vị trường học nỗ lực bình thường hóa các hoạt động như căn tin, bán trú trong trường học, phục vụ nhu cầu chính đáng của phụ huynh và học sinh. Tất cả cơ sở giáo dục đều xây dựng phương án phòng chống dịch Covid-19 và được Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 cấp quận, huyện thẩm định, phê duyệt.
Số liệu thống kê cho thấy, trong ngày đầu tiên học sinh mầm non và tiểu học đến trường (ngày 14-2-2022), tỷ lệ học sinh đi học ở bậc mầm non là 66,3%, bậc tiểu học là 95,99%, THCS là 96,89% và THPT 98,93%.
Vào tuần thứ hai, tỷ lệ học sinh đi học tăng lên với 70,51% ở bậc mầm non và 96,1% ở bậc tiểu học. Tuy nhiên, bước vào tuần học thứ 3, dịch bệnh diễn biến phức tạp, số lượng ca nhiễm tăng nhanh khiến tỷ lệ học sinh đi học giảm nhẹ.
Thống kê từ TP Thủ Đức và 21 quận, huyện, từ ngày 14-2 đến ngày 2-3-2022, toàn TPHCM có 40.385 học sinh nhiễm hoặc nghi nhiễm, trong đó có 2.160 ca phát hiện tại trường học. Song song đó, về phía cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, có 3.689 ca nhiễm, trong đó 381 ca phát hiện trực tiếp tại trường.
5 địa phương có số ca nghi nhiễm cao là quận 1, Bình Thạnh, thành phố Thủ Đức, quận 12 và Tân Phú.
Nhằm kiểm soát sự lây lan dịch bệnh trong trường học, Trường Mầm non Tuổi Thơ 7 (quận 3) tổ chức cho học sinh vui chơi cá nhân hoặc theo từng nhóm nhỏ, đảm bảo quy định về giãn cách
Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT TPHCM Trịnh Duy Trọng cho biết, hiện nay có tình trạng cơ sở y tế nhiều nơi không phối hợp kịp thời với cơ sở giáo dục trong việc kiểm soát dịch Covid-19 tại trường học.
Phần lớn các cơ sở giáo dục khó khăn về thiết bị y tế phục vụ cho công tác phòng chống dịch, xử lý tình huống khi có ca nghi hoặc nhiễm bệnh và tầm soát F1 trong trường học, đặc biệt là bộ sinh phẩm xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2.
Hiện nay, Sở GD-ĐT đã phối hợp Sở Y tế cấp kit xét nghiệm nhanh đợt 1 cho các trường công lập, tuy nhiên chỉ được dùng để tầm soát F0 theo quy định. Việc xét nghiệm cho F1 hiện nay vẫn là bài toán khó đặt ra cho các trường học.
Bên cạnh đó, vai trò nhân viên phụ trách y tế trường học trong giai đoạn hiện nay rất quan trọng. Tuy nhiên, gần 50% cơ sở giáo dục thiếu nhân viên y tế trường học chuyên trách, giáo viên vừa làm chuyên môn vừa kiêm nhiệm, gây khó khăn cho việc thực hiện phòng chống dịch tại đơn vị.
Năm học 2020-2021, toàn TPHCM có 2.339 cơ sở giáo dục nhưng chỉ có 1.319 đơn vị trường học có nhân viên y tế có chuyên môn (tỷ lệ 56,39%). Đến đầu năm học 2021-2022, lực lượng này không được bổ sung mà còn "rơi rụng" thêm, gây khó cho các trường trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Để đảm bảo công tác tổ chức dạy học trực tiếp lâu dài và hiệu quả, Sở GD-ĐT đề nghị HĐND TPHCM quan tâm đến chế độ, chính sách cho đối tượng là giáo viên phụ trách công tác tư vấn tâm lý, nhân viên y tế trường học nhằm tăng cường lực lượng phục vục công tác phòng chống dịch Covid-19 và chăm sóc sức khỏe học sinh.
Ở góc độ y tế, BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM phản ảnh, hiện nay có tình trạng trường học tự đặt ra quy định không cần thiết đối với công tác phòng chống dịch Covid-19 như yêu cầu học sinh, giáo viên test nhanh định kỳ hàng tuần, học sinh nghi nhiễm phải có kết quả xét nghiệm PCR mới được công nhận dương tính…
Một số trường học do lo lắng quá mức với tình hình dịch bệnh, số lượng ca nhiễm tăng cao nên tạm dừng hoạt động căn tin và bán trú. “Tôi cho rằng căn tin và bán trú là nhu cầu chính đáng của học sinh, đảm bảo yêu cầu về dinh dưỡng đối với quá trình phát triển của học sinh. Vì vậy, các trường nên nghiên cứu hình thức tổ chức phù hợp thay cho việc đóng cửa hoàn toàn, ảnh hưởng quyền lợi học sinh”, BS Nguyễn Hữu Hưng bày tỏ.
Riêng đối với nhu cầu bổ sung lực lượng nhân viên y tế trường học, dự kiến trong tháng 3-2022, hai ngành y tế và giáo dục sẽ phối hợp tổ chức hội thảo về bổ sung và đào tạo lại trình độ chuyên môn cho lực lượng nhân viên y tế trường học nhằm đảm bảo số lượng và năng lực chuyên môn cho đội ngũ.