Liên quan đến nội dung thu hút nhân tài, ông Lâm Hùng Tấn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM cho biết, năm 2019, UBND TPHCM ban hành Quyết định 17 về cơ chế thu hút nhân tài và năm 2020 đã ban hành kế hoạch để tổ chức thực hiện. Về nhu cầu, TP có 14 vị trí cho 4 cơ quan, đơn vị nhưng mới tuyển chọn được 5 chuyên gia, nhà khoa học vào làm việc tại Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM. Theo ông Lâm Hùng Tấn, nguyên nhân do nhu cầu của các cơ quan, đơn vị rất đa dạng, thay đổi theo yêu cầu thực tiễn, trong khi việc đảm bảo tuân thủ quy trình thu hút theo hướng công khai, minh bạch đòi hỏi nhiều thời gian triển khai, thực hiện. Ngoài ra, do tác động của dịch Covid-19 nên số nhân sự đăng ký chưa nhiều, một số trường hợp ở nước ngoài gặp khó khăn trong việc di chuyển nên không thể tham gia phỏng vấn, nhận công tác. Theo ông Lâm Hùng Tấn, chính sách thu hút nhân tài được TPHCM thực hiện theo nội dung Nghị quyết 54 của Quốc hội. Năm 2022, TPHCM có tổng kết đánh giá và tiếp tục kiến nghị có nghị quyết mới. Với nhu cầu phát triển của thành phố trong thời gian tới, TPHCM sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách thu hút nhân tài và mở rộng hơn ở nhiều lĩnh vực để chọn lựa được các chuyên gia, nhà khoa học tham gia, góp phần phát huy sức mạnh tri thức cùng thành phố phát triển. |
Chiều 28-4, UBND TPHCM tổ chức họp báo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 4, nhiệm vụ, giải pháp tháng 5 và công tác phòng chống dịch Covid-19 của TPHCM năm 2022.
Chủ trì buổi họp báo có các đồng chí: Phạm Đức Hải, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, kiêm Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TPHCM; Đặng Quốc Toàn, Chánh Văn phòng UBND TPHCM; Từ Lương, Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM.
Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi về việc 4 tháng đầu năm tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TPHCM rất thấp, chỉ đạt 8%, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM lý giải nguyên nhân, sau dịch, tình hình sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố bắt đầu có khởi sắc nhưng chưa hoàn toàn phục hồi. Trong khi đó, sau dịch cộng với ảnh hưởng tình hình quốc tế, giá xăng dầu tăng, kéo giá cả nguyên liệu, phí vận chuyển, các mặt hàng… tăng đột biến. Do đó, các doanh nghiệp cũng bị động khi chuẩn bị các điều kiện để tái sản xuất.
Ngoài ra, theo ông Trần Anh Tuấn, qua rà soát các dự án đầu tư từ giai đoạn 2016-2020, sở ghi nhận còn khoảng 2.000 dự án ở các cấp. Trong khi đó, yêu cầu chuyển sang giai đoạn mới phải đảm bảo chặt chẽ, minh bạch, tính toán đến thứ tự ưu tiên nên phải điều chỉnh nhiều lần, mất thời gian làm cũng ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án.
Theo ông Trần Anh Tuấn, hiện Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cùng các sở, ngành chuẩn bị khá đầy đủ các thủ tục đầu tư, chuẩn bị vốn, công khai vốn đầu tư, mục tiêu đến hết quý 2-2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TPHCM ước đạt 40%. Việc giải ngân bồi thường giải phóng mặt bằng trong thời gian tới sẽ nhanh chóng hơn, đi vào thực hiện triển khai đầu tư các dự án.
Về giải pháp, Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM sẽ tăng cường hậu kiểm thông qua phần mềm giám sát đầu tư, các dự án… Hàng tuần, TPHCM tổ chức họp giao ban khối đô thị để nhận diện những khó khăn vướng mắc từ các sở ngành và các chủ đầu tư trong việc triển khai thực hiện các dự án lớn trọng điểm để kịp thời tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ.
Cũng tại buổi họp báo, liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19, nhất là trong dịp Lễ 30-4, 1-5 tới, đại diện Sở Y tế TPHCM cho biết, hiện nay TPHCM đang ở giai đoạn bình thường mới, số ca mắc của TPHCM mỗi ngày dưới 100 ca, không còn ca tử vong, tỷ lệ vaccine phủ rất cao. Hiện nay, ngành y tế vẫn áp dụng các biện pháp phòng chống dịch. Tuy nhiên, một số quy định cũng đã bỏ như bỏ khai báo y tế. TPHCM đã triển khai ở các cửa khẩu, người nhập cảnh vào TPHCM không cần khai báo y tế. Trong dịp lễ này người dân đi lại rất đông, do đó ngành y tế TPHCM khuyến cáo chung, người dân vẫn mang khẩu trang ở nơi đông người, rửa tay sát khuẩn, khi có triệu chứng thì nên kiểm tra và có triệu chứng nên báo ngay với y tế.
Về tình hình giao thông trong dịp nghỉ lễ, ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM cho biết, thời gian vừa qua, lượng xe lưu thông trên địa bàn TPHCM tăng lên do thành phố phục hồi kinh tế rất mạnh mẽ sau dịch. Trong đó, lượng xe qua cảng Cát Lái tăng 15% so với thời điểm trước dịch. Vừa qua, Sở GTVT TPHCM phối hợp với Phòng CSGT - Công an TPHCM nghiên cứu tổ chức lại giao thông nội đô để đảm bảo an toàn giao thông.
Trong những ngày lễ tới đây, ông Phan Công Bằng dự báo người dân đi lại rất đông, do đó lượng xe lưu thông qua các sân bay, bến xe, bến phà, quốc lộ sẽ tăng lên. Sở GTVT TPHCM sẽ tăng cường thông tin về tình hình giao thông trên các kênh truyền thông để người dân nắm thông tin trong việc đi lại. Về tổ chức giao thông và điều tiết giao thông ở các giao lộ, Sở GTVT phối hợp với Công an TPHCM bố trí lực lượng làm nhiệm vụ này vào những ngày trước, trong và sau lễ.